Sản xuất nông sản hữu cơ: Người trong cuộc vẫn loay hoay tìm kiếm thị trường tiêu thụ

Những năm gần đây, người tiêu dùng ở nước ta đã nhận thức rõ hơn về vấn đề an toàn thực phẩm. Bởi thế, thị trường nông sản hữu cơ đang được quan tâm mạnh mẽ. Tuy nhiên, hiện nay nhiều nông dân, hợp tác xã (HTX) vẫn đang loay hoay tìm đầu ra cho sản phẩm mà chưa có giải pháp hữu hiệu.

Ghi nhận cho thấy, vài năm trở lại đây tại tỉnh Bình Dương đã có nhiều chính sách nhằm tạo thuận lợi cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao, trong đó có nông nghiệp hữu cơ.

Ông Phạm Quốc Liêm, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp U&I - Unifarm cho biết, các doanh nghiệp đều có chiến lược trong việc lựa chọn sản phẩm, đầu tư về công nghệ để đạt chất lượng tốt, đưa sản phẩm an toàn nhất đến với người tiêu dùng.

Hiện, Unifarm là một trong số doanh nghiệp đầu tiên của Bình Dương đi đầu trong sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, với 40 ha dưa lưới, hơn 1.200 ha chuối… cung ứng cho thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc và một phần cho thị trường nội địa. Dù phân khúc nông sản hữu cơ vẫn có chỗ đứng nhất định cũng như doanh nghiệp đủ năng lực về tài chính, kỹ thuật, nhưng Unifarm đã gác lại kế hoạch phát triển nông sản hữu cơ vì nhiều lý do.

nong-nghiep-1677058031.jpg
Những người làm nông nghiệp hữu cơ vẫn đang loay hoay, tự thân vận động là chính, việc sản xuất, phát triển thị trường còn manh mún. (Ảnh: Tạp chí Đông Nam Á)

Ông Liêm luôn ủng hộ sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nhưng nếu thực hiện đồng loạt có khả năng để lại nhiều hệ lụy. Mục tiêu của công ty là chuyển giao, nhân rộng cách thức sản xuất nông sản an toàn cho nông dân một cách đại trà, nhằm mang lại sự hài hòa về lợi ích.

Lý giải vì sao nhiều doanh nghiệp, HTX vẫn tiếp tục duy trì sản xuất theo VietGAP, Globalgap và chưa đẩy mạnh sản xuất nông sản hữu cơ phục vụ cho nhóm đối tượng có nhu cầu cao, ông Nguyễn Ngọc Luân, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Lâm San, tỉnh Đồng Nai cho rằng, khuynh hướng nông nghiệp của khu vực Đông Nam bộ và Tây Nguyên trong tương lai là nông nghiệp sinh thái, trong đó nông nghiệp hữu cơ là một phần quan trọng của hướng đi này. Trong khi tâm lý của người tiêu dùng vẫn còn e ngại với khái niệm sản phẩm sản xuất theo hướng hữu cơ, thì vấn đề quan trọng là năng lực của nông dân, cũng như thị trường hiện nay chưa đủ lớn để nhà sản xuất toàn tâm toàn ý cho lĩnh vực này.

Để tạo niềm tin cho người tiêu dùng, doanh nghiệp và người nông dân khi sản xuất nông nghiệp phải làm thật, làm đúng chất lượng nhằm phát triển và tồn tại bền vững. Để làm được điều này, các bên liên quan phải cùng nhau vào cuộc, từ Nhà nước, doanh nghiệp, HTX đến người nông dân.

Cũng theo ông Nguyễn Quốc Dũng, Giám đốc Công ty cổ phần Bảo vệ thực vật Sài Gòn, việc liên kết với nông dân để tăng quy mô sản xuất nông nghiệp đã được nhiều doanh nghiệp làm, nhưng rất ít người thành công do không kiểm soát được chất lượng sản phẩm cũng như chưa thay đổi được cách làm manh mún của nông dân, nhất là thói quen sử dụng thuốc trừ sâu, phân bón.

“Để thực hiện chiến lược chuyển đổi, công ty liên kết với các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức xuất nhập khẩu nông sản liên kết với các hợp tác xã chuyên canh cây trồng địa phương để phục vụ cho xuất khẩu, phối hợp tham gia các đề tài liên kết với các nhà khoa học nhằm hướng dẫn người nông dân thực hiện quy trình sản xuất an toàn, tiết kiệm và hiệu quả”, ông Nguyễn Quốc Dũng cho biết thêm.

Theo thống kê, hiện nay, nông nghiệp hữu cơ chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong nền nông nghiệp. Nhiều ý kiến cho rằng không nhất thiết tất cả đều làm nông nghiệp hữu cơ, mà chỉ thực hiện một phân khúc nào đó, còn lại quan trọng nhất là cần đảm bảo sản xuất an toàn, tuân thủ quy trình, được chứng nhận đầy đủ, sử dụng đúng liều lượng thuốc bảo vệ thực vật. Quan trọng hơn, để xây dựng thị trường cho nông nghiệp hữu cơ bền vững, rất cần củng cố lòng tin của khách hàng.

Các chuyên gia cho rằng, để thị trường hữu cơ phát triển và mở rộng, người tiêu dùng cần được thông tin nhiều hơn về sự khác biệt giữa hữu cơ, tự nhiên, không biến đổi gen, sinh học, không hóa chất; vì người tiêu dùng đang bối rối và nhận thức của họ về hữu cơ chủ yếu là một sản phẩm tốt cho sức khỏe.

Do đó, rất nhiều công việc cần phải được thực hiện với tất cả các khâu trong quá trình phân phối thương mại hiện đại để đào tạo nhân viên của họ, nhằm cung cấp thông tin tốt hơn, đầy đủ hơn và chính xác hơn cho người tiêu dùng.

Mục tiêu của Việt Nam đến năm 2030, diện tích đất nông nghiệp sản xuất hữu cơ đạt khoảng 2,5 -3% tổng diện tích đất nông nghiệp, giá trị sản phẩm trên 1 ha đất hữu cơ cao gấp 1,5 -1,8 lần so với sản xuất phi hữu cơ…
Phát triển nông nghiệp theo hướng hữu cơ là một chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta trong bối cảnh cuộc cách mạng khoa học công nghệ đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ. Điều này góp phần giúp cải thiện hiệu quả sản xuất nông nghiệp thông qua tận dụng các thành tựu khoa học công nghệ ứng dụng vào thực tiễn sản xuất. Bằng thông điệp “Thức tỉnh – Lan tỏa – Kết nối”, nền nông nghiệp Việt Nam đang kỳ vọng xây dựng một nền nông nghiệp trách nhiệm với hàng trăm triệu dân Việt Nam, với người tiêu dùng quốc tế; thúc đẩy phát triển nông nghiệp hữu cơ ngày càng mạnh mẽ.

Ánh Dương (t/h)