Cần nâng cao năng lực sản xuất nông nghiệp hữu cơ

Trong những năm qua, diện tích sản xuất nông nghiệp hữu cơ đã có ở các tỉnh và sản phẩm nông nghiệp hữu cơ đã được bán tại nhiều nơi. Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp hữu cơ vẫn còn tồn tại nhiều bất cập cần sớm tháo gỡ.

Theo thống kê của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), sau 3 năm thực hiện Nghị định 109, đến nay, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản hướng dẫn được hoàn thiện và bổ sung đầy đủ. Cùng với đó, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp hữu cơ hiện nay đạt khoảng hơn 335 triệu USD/năm, tăng hơn 418% giá trị xuất khẩu hàng hữu cơ hàng năm giai đoạn 2010 - 2016. Việt Nam có hơn 30 đơn vị xuất khẩu các loại rau, quả hữu cơ với thị trường xuất khẩu chủ yếu là Pháp, Đan Mạch, Thụy Sĩ, Thụy Điển, Trung Quốc,... Ngoài ra còn các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ xuất khẩu khác đem lại giá trị hàng triệu USD như cà phê, gạo, điều, hạt tiêu.

Tại hội nghị sơ kết 3 năm triển khai Nghị định 109/2018/NĐ-CP về nông nghiệp hữu cơ (NĐ 109), ông Phạm Văn Duy, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho biết, sau 3 năm thực hiện NĐ 109, đến nay, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản hướng dẫn được hoàn thiện và bổ sung đầy đủ. Trong đó, có 23 địa phương đã xây dựng và ban hành các văn bản hướng dẫn riêng về hỗ trợ sản xuất nông nghiệp hữu cơ theo Nghị định 109 và Đề án 885; có hơn 90% các địa phương trên cả nước quan tâm và chỉ đạo, hướng dẫn, khuyến khích sản xuất hữu cơ.
Hiện đã có 17 địa phương tổ chức triển khai các chính sách hỗ trợ riêng cho sản xuất nông nghiệp hữu cơ, 22 địa phương thực hiện hỗ trợ lồng ghép với các chính sách chung về phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp an toàn.

Nhờ vậy, số lượng các mô hình sản xuất và liên kết sản xuất, tiêu thụ theo quy trình canh tác hữu cơ tại các địa phương ngày càng nhiều. Kết quả, đã có 13 nhóm sản phẩm đạt chứng nhận hữu cơ gồm: Lúa gạo (2.300 ha), rau củ (900 ha), trái cây (14.000 ha), chè (gần 8.000 ha), cà phê (42 ha), hạt điều (gần 4.000 ha), lợn (hơn 3.000 con/năm), bò sữa (100 con/năm), gà (hơn 7.000 con/năm), tôm, hồi (hơn 500 ha) và quế (10.000 ha).

huu-co-1669178474.jpg
Việt Nam có hơn 30 đơn vị xuất khẩu các loại rau, quả hữu cơ. Ảnh minh họa.

Sản lượng sản phẩm được chứng nhận hữu cơ tuy chưa nhiều nhưng số lượng và chủng loại sản phẩm đang ngày càng được mở rộng. Hầu hết các địa phương đã hoặc đang chuyển đổi sang canh tác hữu cơ. Theo ông Duy, những kết quả này là tiền đề để tiếp tục rà soát, hoàn thiện các quy định tại Nghị định 109, cũng như xây dựng kế hoạch hành động chi tiết thời gian tới.

Cũng trong khuôn khổ Hội nghị, các chuyên gia đánh giá sản xuất nông nghiệp hữu cơ vẫn còn tồn tại nhiều bất cập cần sớm tháo gỡ. Nhiều cơ quan chức năng đã có những đề nghị, giải pháp nhằm tạo điều kiện thuận lợi để nông nghiệp hữu cơ phát triển. Tuy nhiên tất cả mới chỉ dừng ở đề xuất mà chưa có chính sách, cơ chế cụ thể nào được ban hành. Trong khi đó, sản xuất nông nghiệp hữu cơ đang đứng trước thách thức về thu nhập của người sản xuất, sự phức tạp về quá trình sản xuất và giám sát.

Do đó, các chuyên gia kiến nghị Chính phủ cần có định hướng quy hoạch vùng, với các sản phẩm ưu tiên; có cơ chế giao đất dài hạn với hạn điền phù hợp cho mỗi đối tượng sản xuất. Cụ thể là quy hoạch và bảo vệ đất đai và nguồn nước hiện chưa hoặc ít bị ô nhiễm và còn thích hợp cho sản xuất nông nghiệp hữu cơ theo hướng hàng hóa.

Đồng thời, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ vốn sản xuất, ưu đãi cho các tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ. Trong việc này, chính sách phải hướng tới người sản xuất và thực tế thị trường chứ không phải hướng tới mục tiêu quản lý doanh nghiệp.

Chia sẻ về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam đánh giá, những vùng phù hợp cho phát triển nông nghiệp hữu cơ ở nước ta hiện nay tập trung ở trung du, miền núi phía bắc và ĐBSCL. Đó là những khu vực còn có khả năng triển khai các mô hình nông nghiệp hữu cơ. Còn ở Đông Nam bộ, đồng bằng sông Hồng, Tây Nguyên… rất khó triển khai nông nghiệp hữu cơ. Như vậy, có thể thấy, diện tích để phát triển nông nghiệp hữu cơ là không nhiều, nhưng diện tích này lại đang có nguy cơ mất dần đi.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho rằng, để triển khai thực hiệt tốt Nghị định 109 về nông nghiệp hữu cơ, trước mắt, ngành nông nghiệp và các địa phương cần tập trung triển khai các lớp tập huấn nâng cao kiến thức quản lý nhà nước về nông nghiệp hữu cơ. Diện tích sản xuất nông nghiệp hữu cơ đã có ở các tỉnh và sản phẩm nông nghiệp hữu cơ đã được bán ở nhiều nơi, cần phải tăng cường công tác quản lý sản xuất, chế biến, kinh doanh sản phẩm hữu cơ.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng nhấn mạnh, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phải xây dựng ngay một chương trình nâng cao năng lực sản xuất nông nghiệp hữu cơ, đặc biệt là đối với các hợp tác xã, nông dân và triển khai các mô hình điểm về nông nghiệp hữu cơ. Các cơ quan liên quan thuộc Bộ NN&PTNT phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng một chương trình khoa học quốc gia phục vụ phát triển nông nghiệp hữu cơ…

Hương Lan (t/h)