Tập trung nâng cao nhận thức về thực phẩm hữu cơ

Diện tích sản xuất nông nghiệp hữu cơ đã có ở các tỉnh và sản phẩm nông nghiệp hữu cơ đã được bán ở nhiều nơi. Cần tăng cường công tác quản lý sản xuất, chế biến, kinh doanh sản phẩm hữu cơ để đảm bảo thị trường này được bền vững.

Bộ NN&PTNT vừa tổ chức hội nghị sơ kết 3 năm triển khai Nghị định 109/2018/NĐ-CP về nông nghiệp hữu cơ.

Ngày 29/8/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 109/2018/NĐ-CP về nông nghiệp hữu cơ. Theo nghị định này, nông nghiệp hữu cơ là hệ thống sản xuất bảo vệ tài nguyên đất, hệ sinh thái và sức khỏe con người, dựa vào các chu trình sinh thái, đa dạng sinh học thích ứng với điều kiện tự nhiên, không sử dụng các yếu tố gây tác động tiêu cực đến môi trường sinh thái; là sự kết hợp kỹ thuật truyền thống và tiến bộ khoa học để làm lợi cho môi trường chung, tạo mối quan hệ công bằng và cuộc sống cân bằng cho mọi đối tượng trong hệ sinh thái.

Theo thống kê của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), sau 3 năm thực hiện Nghị định 109, đến nay, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản hướng dẫn được hoàn thiện và bổ sung đầy đủ. Cùng với đó, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp hữu cơ hiện nay đạt khoảng hơn 335 triệu USD/năm, tăng hơn 418% giá trị xuất khẩu hàng hữu cơ hàng năm giai đoạn 2010 - 2016. Việt Nam có hơn 30 đơn vị xuất khẩu các loại rau, quả hữu cơ với thị trường xuất khẩu chủ yếu là Pháp, Đan Mạch, Thụy Sĩ, Thụy Điển, Trung Quốc,... Ngoài ra còn các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ xuất khẩu khác đem lại giá trị hàng triệu USD như cà phê, gạo, điều, hạt tiêu.

san-pham-huu-co-1669163723.jpg
Việt Nam có hơn 30 đơn vị xuất khẩu các loại rau, quả hữu cơ với thị trường xuất khẩu chủ yếu là Pháp, Đan Mạch, Thụy Sĩ, Thụy Điển, Trung Quốc,... - Ảnh minh họa

Ông Phạm Văn Duy, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho biết có 23 địa phương đã xây dựng và ban hành các văn bản hướng dẫn riêng về hỗ trợ sản xuất nông nghiệp hữu cơ theo Nghị định 109 và Đề án 885; có hơn 90% các địa phương trên cả nước quan tâm và chỉ đạo, hướng dẫn, khuyến khích sản xuất hữu cơ.

Hiện đã có 17 địa phương tổ chức triển khai các chính sách hỗ trợ riêng cho sản xuất nông nghiệp hữu cơ, 22 địa phương thực hiện hỗ trợ lồng ghép với các chính sách chung về phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp an toàn.

Nhờ vậy, số lượng các mô hình sản xuất và liên kết sản xuất, tiêu thụ theo quy trình canh tác hữu cơ tại các địa phương ngày càng nhiều. Kết quả, đã có 13 nhóm sản phẩm đạt chứng nhận hữu cơ gồm: Lúa gạo (2.300 ha), rau củ (900 ha), trái cây (14.000 ha), chè (gần 8.000 ha), cà phê (42 ha), hạt điều (gần 4.000 ha), lợn (hơn 3.000 con/năm), bò sữa (100 con/năm), gà (hơn 7.000 con/năm), tôm, hồi (hơn 500 ha) và quế (10.000 ha).

Tại hội nghị, TS. Nguyễn Thị Hồng Minh, Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm minh bạch (AFT) cho biết, trong các thành viên của AFT, có nhiều doanh nghiệp đang làm nông sản hữu cơ. Những doanh nghiệp này có một nỗi lo lớn là đất thích hợp để sản xuất hữu cơ vốn đã không dễ tìm kiếm, nay lại đang có nguy cơ mất dần trước sức ép của bất động sản, nhất là tại Đà Lạt.

Bà Nguyễn Thị Hồng Minh cho rằng, cần phải có cơ chế, chính sách bảo vệ các diện tích đất nông nghiệp có thể sản xuất nông nghiệp hữu cơ, qua đó hình thành nên những không gian cho nông nghiệp hữu cơ phát triển.

Ông Võ Quan Huy, Giám đốc Công ty TNHH Huy Long An (tỉnh Long An) cho biết, có lần, công ty có lô hàng bị Nhật Bản cảnh báo về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, mà nguyên nhân là do bị nhiễm chéo khi hộ sản xuất lân cận sử dụng thuốc. Sản phẩm mà Huy Long An xuất khẩu sang Nhật Bản chưa phải là sản phẩm hữu cơ, nhưng dẫn chứng đó cũng cho thấy nguy cơ nhiễm chéo các loại hóa chất vào nông sản, thực phẩm hữu cơ là không nhỏ, khi mà nhiều trang trại nông nghiệp hữu cơ hiện vẫn đang nằm gần, thậm chí là kề cận với các trang trại sản xuất thông thường.

Chính vì vậy, nhiều chuyên gia, doanh nghiệp nêu ý kiến rằng, cần có quy hoạch rõ ràng về nông nghiệp hữu cơ tại các địa phương để tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân áp dụng nông nghiệp hữu cơ. Đồng thời, có chính sách đầu tư cơ sở hạ tầng nhằm tránh ngập nước, dễ thoát nước, dẫn nước ngọt để sản xuất nông sản hữu cơ ổn định và đảm bảo chất lượng.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam đánh giá, những vùng phù hợp cho phát triển nông nghiệp hữu cơ ở nước ta hiện nay tập trung ở trung du, miền núi phía bắc và ĐBSCL. Đó là những khu vực còn có khả năng triển khai các mô hình nông nghiệp hữu cơ. Còn ở Đông Nam bộ, đồng bằng sông Hồng, Tây Nguyên… rất khó triển khai nông nghiệp hữu cơ. Như vậy, có thể thấy, diện tích để phát triển nông nghiệp hữu cơ là không nhiều, nhưng diện tích này lại đang có nguy cơ mất dần đi.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho rằng, để triển khai thực hiệt tốt Nghị định 109 về nông nghiệp hữu cơ, trước mắt, ngành nông nghiệp và các địa phương cần tập trung triển khai các lớp tập huấn nâng cao kiến thức quản lý nhà nước về nông nghiệp hữu cơ. Diện tích sản xuất nông nghiệp hữu cơ đã có ở các tỉnh và sản phẩm nông nghiệp hữu cơ đã được bán ở nhiều nơi, cần phải tăng cường công tác quản lý sản xuất, chế biến, kinh doanh sản phẩm hữu cơ.

Bên cạnh đó, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phải xây dựng ngay một chương trình nâng cao năng lực sản xuất nông nghiệp hữu cơ, đặc biệt là đối với các hợp tác xã, nông dân và triển khai các mô hình điểm về nông nghiệp hữu cơ. Các cơ quan liên quan thuộc Bộ NN&PTNT phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng một chương trình khoa học quốc gia phục vụ phát triển nông nghiệp hữu cơ…