Thanh Hóa: Bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp

Hiện nay, ngành Nông nghiệp Thanh Hóa đang phát triển theo hướng sản xuất xanh, an toàn, áp dụng các biện pháp sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi thân thiện môi trường, là hoạt động cần thiết vì sức khỏe cộng đồng, người tiêu dùng và vì sự phát triển bền vững.
nha-mang-nha-luoi-1723344869.jpeg
Mô hình nhà màng nhà lưới của ông Mai Văn Tuấn xã Nga An, huyện Nga Sơn, Thanh Hóa đã trở thành mô hình điểm trong sản xuất sạch.

Nhiều giải pháp ngăn chặn xả rác thải ra môi trường

Bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp trong những năm gần đây đã và đang được các doanh nghiệp, cơ sở cùng chính quyền các địa phương trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa quan tâm thực hiện, góp phần cải thiện chất lượng môi trường nông thôn.

Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện vẫn chưa được đồng bộ và liên tục, đặc biệt tại các xã vùng sâu vùng xa. Việc xả rác thải ra môi trường trong quá trình sản xuất nông nghiệp vẫn còn nhiều.

Theo số liệu thống kê của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Thanh Hóa, trên địa bàn tỉnh phát sinh khoảng từ 15 đến 20 triệu tấn phế phẩm thực vật mỗi năm, như: Rơm rạ, thân cây, lá... sau khi thu hoạch các loại cây trồng. Việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) và phân bón hóa học đã ảnh hưởng không nhỏ tới môi trường.

Để hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường từ hoạt động sản xuất nông nghiệp, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Kế hoạch hành động số 135/KH-UBND ngày 15-9-2016 thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 18-8-2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về tăng cường lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo vệ môi trường đến năm 2020, định hướng đến năm 2025.

Theo đó, tỉnh Thanh Hóa đã xây dựng được hơn 20.000 bể chứa vỏ bao bì thuốc BVTV; hỗ trợ xây dựng nhiều công trình khí sinh học, triển khai ứng dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi, thực hiện mô hình nhà lưới, sản xuất nông nghiệp theo quy trình VietGAP...

Ngoài ra, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (PTNT) tỉnh Thanh Hóa đã tích cực phối hợp với các địa phương tăng cường hướng dẫn người dân thực hiện quy trình sử dụng thuốc BVTV một cách khoa học, giảm chi phí sản xuất, BVMT, tránh bạc màu đất, thông qua các chương trình, dự án như: Xây dựng nhiều mô hình chứa bao bì thuốc BVTV; Hỗ trợ xây dựng nhiều công trình khí sinh học, triển khai dự án ứng dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi; Mô hình nhà lưới cùng nông dân bảo vệ môi trường… Sở cũng cũng tăng cường công tác tuyên truyền và hướng dẫn nông dân áp dụng các biện pháp kỹ thuật nhằm BVMT đất, tiết kiệm tài nguyên nước… trong sản xuất nông nghiệp.

Nhận thức rõ tầm quan trọng của sự cần thiết trong BVMT trong sản xuất nông nghiệp, thời gian quan, các tổ chức xã hội tại Thanh Hóa đã đồng loạt phát động sản xuất sạch. Phát huy vai trò nêu gương của hội viên trong việc thug om, xử lý rác thải nông nghiệp.

Bà Mai Thị San, Chủ tịch Hội LHPN xã Nga Hải, cho biết: Hội LHPN xã đã chú trọng lồng ghép tuyên truyền các nội dung công tác hội gắn với BVMT tới hội viên thông qua các buổi sinh hoạt chi hội, trên hệ thống loa truyền thanh của xã và trên mạng xã hội facebook, zalo... Vì vậy, 7/7 chi hội đều tổ chức cho hội viên phụ nữ tham gia vệ sinh đường làng, ngõ xóm, khơi thông cống rãnh, trồng, chăm sóc tuyến đường hoa để BVMT.

Cùng với đó, phong trào “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, trong đó các tiêu chí “3 sạch” (sạch nhà, sạch ngõ, sạch bếp) được triển khai đồng bộ, hiệu quả, tạo sự chuyển biến về nhận thức, hành động của mỗi cán bộ, hội viên, góp phần giữ gìn vệ sinh môi trường, tạo cảnh quan sạch, đẹp. Năm 2023, Hội LHPN xã đã tập trung xây dựng mô hình “Đường hoa - đường tranh - hàng cây - hàng rào xanh”, đã trồng 10 nghìn cây hoa chuỗi ngọc với chiều dài 1.300m; phát động xây dựng được 16 nhà “Nhà sạch - vườn đẹp”; xây dựng 4 tuyến đường kiểu mẫu về vệ sinh môi trường, với chiều dài 2.400m; ra mắt mô hình “5 có, 3 sạch” với 73 thành viên tham gia; duy trì hoạt động của “Mẹ đỡ đầu, kết nối yêu thương” góp phần giúp đỡ cho 34 trẻ em mồ côi được đi học và ổn định cuộc sống...

Nhân rộng mô hình sản xuất thân thiện

Điểm tích cực và cũng là kết quả đáng ghi nhận nhất của ngành nông nghiệp Thanh Hóa thời gian qua với công tác BVMT, chính là đã thay đổi được nhận thức của người nông dân trong hoạt động sản xuất nông nghiệp cần gắn với công tác BVMT. Cụ thể, ngày càng xuất hiện nhiều mô hình nông nghiệp quy mô, hiện đại, cho hiệu quả kinh tế cao và thân thiện với môi trường.

bao-ve-nong-nghiep-1723339328.jpg
Mô hình thu gom rác đồng ruộng đang được Sở Nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa triển khai sâu rộng.

Tiêu biểu phải kể đến mô hình trồng khoai tây ở xã Hoằng Tiến, huyện Hoằng Hóa. Với 26ha diện tích liên kết sản xuất cây khoai tây, để nâng cao năng suất, HTX dịch vụ nông nghiệp Hoằng Tiến đã phối hợp chặt chẽ với Công ty CP quốc tế An Việt trong việc chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng, cung cấp giống, hỗ trợ phân bón, chế phẩm sinh học để chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho cây; Theo dõi, hướng dẫn người dân thực hiện quy trình canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP; Áp dụng máy móc cơ giới hóa đồng bộ trong các công đoạn lên luống, làm đất, phun thuốc BVTV bằng thiết bị bay không người lái,…

Những đổi mới, sáng tạo này đã góp phần giảm thiểu chi phí, BVMT, tránh độc hại cho người lao động nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu, tiêu chuẩn khắt khe từ phía đơn vị liên kết, thị trường tiêu thụ.

Mô hình nhà màng đang được rất nhiều nông dân Thanh Hóa ứng dụng trong sản xuất nông nghiệp, mang lại hiệu quả kinh tế cao, đồng thời, giúp BVMT hiệu quả. Khu vườn trồng dưa lưới của chị Lã Thị Huyền, xã Nga Văn, huyện Nga Sơn chính là một minh chứng điển hình. Năm 2021, sau nhiều năm trồng dưa hấu thu nhập khá thấp, lại bấp bênh, chị Huyền mạnh dạn đầu tư gần 1 tỷ đồng xây dựng hệ thống nhà màng, hệ thống tưới nước nhỏ giọt, hạt giống trên diện tích hơn 3.000m2, để trồng dưa lưới.

Nhờ chăm sóc đúng quy trình, theo dõi chặt chẽ, hạn chế thấp nhất những ảnh hưởng của thời tiết, tự nhiên. Vườn dưa lưới của chị Huyền vụ nào cũng cho năng xuất cao, thu nhập ổn định. Chị Huyền cho biết, với hơn 3.000m2 sản xuất dưa, gia đình đang thực hiện các biện pháp chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh theo hướng “thuận tự nhiên”, tôn trọng hệ sinh thái vườn và không dùng thuốc BVTV. Đây là hướng canh tác bền vững, vừa giữ gìn vệ sinh môi trường, vừa bảo vệ và nâng cao chất lượng đất.

Được biết, đến nay, toàn tỉnh Thanh Hóa đã có hơn 170 ha nhà màng, nhà lưới sản xuất nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, giúp BVMT; 13.500ha sản xuất rau an toàn, hơn 765ha sản xuất nông nghiệp chú trọng đến sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc BVTV có nguồn gốc sinh học; hạn chế sử dụng thuốc BVTV, giống biến đổi gen, 39 khu, cụm trang trại chăn nuôi tập trung quy mô lớn, khoảng 700 trang trại chăn nuôi áp dụng chăn nuôi theo hướng công nghệ cao và an toàn sinh học./.

Hà Khải