Chuyển đổi nuôi cá sang lồng nhựa vừa bảo vệ môi trường vừa tăng thu nhập hàng trăm triệu đồng

Theo kết quả đánh giá, nuôi cá biển bằng lồng nhựa HDPE tại Kiên Giang đem lại hiệu quả cao, với năng suất trung bình đạt 16kg cá thương phẩm/m3, cao hơn lồng gỗ truyền thống từ 4-5kg/m3. Sau khi trừ các khoản chi phí và khấu hao, lợi nhuận thu được trung bình ở mỗi điểm trình diễn hơn 170 triệu đồng/vụ/lồng nuôi.

Nghề nuôi cá lồng bè ven biển ở Kiên Giang được ngư dân áp dụng từ những năm 2000, phát triển mạnh trong khoảng 5 năm trở lại đây và được đánh giá mang lại hiệu quả kinh tế ổn định.

Đặc biệt, từ năm 2022 đến nay, việc đưa lồng nhựa HDPE thay thế lồng bè gỗ truyền thống mang lại hiệu quả sản xuất cao hơn, được ngành chuyên môn và người nuôi đánh giá cao.

nuoi-ca-trong-long-nhua-3-1719107777.jpg
Lồng nhựa HDPE bền chắc và có tuổi thọ cao, giúp ngư dân hạn chế rủi ro, bảo vệ môi trường, nâng cao sản lượng và gia tăng lợi nhuận. (Ảnh: Trung Chánh)

Thực hiện công tác khuyến ngư, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Kiên Giang đã xây dựng và triển khai các mô hình chuyển đổi từ nuôi lồng truyền thống bằng cây gỗ sang lồng nhựa HDPE. Kết quả từ năm 2022-2023, đã hỗ trợ ngư dân chuyển đổi được 69 lồng nuôi, với quy mô thể tích vùng nuôi đạt 3.531 m3.

Việc chuyển đổi từ lồng nuôi truyền thống sang lồng nhựa HDPE có những ưu điểm vượt trội so với lồng gỗ như: tuổi thọ cao; có khả năng chống lại hóa chất cao và không bị ăn mòn, gỉ sét; không bị gãy khi gặp địa hình gồ ghề hay gấp khúc; dễ dàng lắp đặt, đặc biệt sức chống chịu tốt gió, bão cao có thể lên đến cấp 10-12; dễ mở rộng diện tích nuôi phù hợp với mọi địa hình nuôi như vùng biển kín và vùng biển mở nên được nhiều cơ quan ban ngành ủng hộ, do đó việc triển khai thuận lợi và mang lại hiệu quả cao.

Ngoài ra, còn chuyển đổi quy trình nuôi sử dụng thức ăn bằng cá tạp khai thác từ tự nhiên sang thức ăn viên công nghiệp, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và góp phần bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Mô hình này được triển khai tại các xã đảo của huyện Kiên Lương, Kiên Hải và thành phố Hà Tiên, Phú Quốc. Theo kết quả đánh giá, nuôi cá biển bằng lồng nhựa HDPE đem lại hiệu quả cao, với năng suất trung bình đạt 16kg cá thương phẩm/m3, cao hơn lồng gỗ truyền thống từ 4-5kg/m3. Sau khi trừ các khoản chi phí và khấu hao, lợi nhuận thu được trung bình ở mỗi điểm trình diễn hơn 170 triệu đồng/vụ/lồng nuôi.

nuoi-ca-trong-long-nhua-2-1719107818.jpg
Ngư dân huyện Kiên Hải đầu tư lồng nhựa HDPE thay thế cho lồng cây truyền thống. (Ảnh: TTXVN)

Ông Ninh Văn Sờn, xã Hòn Nghệ (huyện Kiên Lương) cho biết đến nay, gia đình đã gắn bó hơn 15 năm với nghề nuôi cá lồng bè. Trong số đó, cá bớp, cá mú trân châu là 2 loài nuôi chủ lực. Ngoài ra, ông Sờn cũng nuôi thêm cá hồng mỹ, cá chim vây vàng.

Vụ nuôi 2024 này, gia đình nuôi 2 bè cá với 20 lồng nuôi hơn 10.000 con cá giống các loại. Đến nay, ông Sờn vẫn áp dụng nuôi 4 lồng nhựa HDPE và còn lại là lồng bè bằng cây gỗ.

"Nuôi bằng lồng HDPE cho thấy hiệu quả hơn so với lồng bè bằng cây gỗ với phao nổi. Do chi phí cao, khoảng 40-60 triệu/lồng 10 m2 nên gia đình tôi không đủ tài chính đầu tư nhiều. Tôi cũng rất mong Nhà nước có chính sách hỗ trợ vay vốn lãi suất ưu đãi hoặc trả dần để ngư dân có thể đầu tư nuôi hoàn toàn bằng thiết bị này," ông Sờn nói.

Ông Sờn cũng cho biết thêm từ cuối năm 2023 đến nay, giá các loại cá nuôi duy trì khá cao nên đa số người nuôi đều có lời khá. Cụ thể, giá cá bớp hiện tại từ 200.000-220.000 đồng/kg, cá mú trân châu 250.000 đồng/kg. Riêng gia đình ông Sờn từ đầu năm đến nay đã bán được hơn 2.000 con cá, đạt lợi nhuận hơn 100 triệu đồng sau khi trừ các khoản chi phí.

nuoi-ca-trong-long-nhua-1-1719107855.jpg
Từ năm 2022 đến nay, việc đưa lồng nhựa HDPE thay thế lồng bè gỗ truyền thống mang lại hiệu quả sản xuất cao hơn, được ngành chuyên môn và người nuôi đánh giá cao. (Ảnh minh họa)

Hiệu quả đạt được từ mô hình chuyển đổi từ lồng nuôi cá truyền thống bằng gỗ sang lồng vật liệu HDPE đã khắc phục dần các nhược điểm của lồng nuôi bằng gỗ truyền thống, thiếu bền vững, mô hình nuôi nhỏ lẻ, manh mún với công nghệ lạc hậu, nuôi gần bờ, sử dụng cá tạp làm thức ăn cho cá, dịch bệnh dễ lây lan trên diện rộng, tiềm ẩn nhiều rủi ro do thiên tai, nguy cơ ô nhiễm môi trường... làm ảnh hưởng đến thu nhập của người dân.

Nhằm tạo điều kiện cho người nuôi cá lồng bè trên biển tiếp cận công nghệ nuôi mới, mang tính ổn định và bền vững. Năm 2024, Trung tâm Khuyến nông Kiên Giang tiếp tục triển khai 11 điểm nuôi cá biển bằng lồng nhựa HDPE sử dụng thức ăn công nghiệp trong nuôi cá (tổng quy mô 1.600 m3) mà chủ trương của ngành đang khuyến khích trong nuôi biển hiện nay, bên cạnh đó, mô hình còn kết hợp sử dụng vắc-xin để phòng bệnh cho cá, nhằm hạn chế rủi ro do dịch bệnh xảy ra trên diện rộng.

Ngoài ra, mô hình còn hỗ trợ người nuôi biển kết hợp trồng thêm rong sụn xung quanh lồng nuôi nhằm góp phần tăng thêm thu nhập, giảm phát thải khí thải trong nuôi biển hiện nay./.

Bình Nguyên