Tạo sức bật cho vựa nông sản Vĩnh Long từ chiến lược tăng trưởng xanh

Muốn triển khai được quy hoạch, Vĩnh Long khai thác tối đa nguồn lực bên trong; tập trung vào các ngành mới nổi chuyển đổi xanh, số, kinh tế tuần hoàn, chia sẻ, tri thức… Lấy đổi mới sáng tạo làm động lực chính. Phát triển hệ thống giao thông kết nối vùng tạo không gian phát triển mới...

Trên đây là nhận định của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Vĩnh Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Xúc tiến đầu tư tỉnh Vĩnh Long diễn ra vào ngày 23/3.

vinh-long-tang-truong-xanh-03-1711250946.jpg
Thủ tướng và các đại biểu xem sa bàn Quy hoạch tỉnh Vĩnh Long. (Ảnh: VGP)

"Vựa nông sản" thích ứng với biến đổi khí hậu

Vĩnh Long được bao quanh bởi sông Tiền và sông Hậu, cùng với hệ thống sông rạch chằng chịt và nhiều điều kiện tự nhiên giàu tiềm năng phát triển nông nghiệp, công nghiệp chế biến nông sản, vận tải hàng hóa, phát triển du lịch sinh thái sông nước miệt vườn, du lịch văn hóa, làng nghề theo định hướng phát triển du lịch xanh…

Đồng thời, Vĩnh Long đóng vai trò quan trọng trong quá trình thích ứng với biến đổi khí hậu của vùng, được xem như “hậu phương” trong phòng chống xâm nhập mặn, góp phần bảo vệ an ninh nguồn nước.

Ông Lữ Quang Ngời, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long cho biết: Phát huy lợi thế sẵn có, thời gian qua, tỉnh đã đạt được những thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. Cùng với thành tựu về lĩnh vực thương mại và du lịch, riêng về lĩnh vực nông nghiệp tỉnh tập trung phát triển, nâng cao sản lượng lúa (gần 700 ngàn tấn/năm) và chất lượng các loại cây ăn trái, rau màu như cam sành, chôm chôm, bưởi, khoai lang,… (trên 1,2 triệu tấn/năm), từng bước hình thành vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh, thích ứng biến đổi khí hậu, đáp ứng yêu cầu của thị trường.

Để phát huy những kết quả đạt được, định hướng, sắp xếp không gian phát triển, đảm bảo tính kết nối đồng bộ, khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của tỉnh, hiện thực hóa những khát vọng, mục tiêu phát triển của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh, một trong những nhiệm vụ rất quan trọng đó là việc triển khai lập Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Một mục tiêu quan trọng trong Quy hoạch phát triển của tỉnh Vĩnh Long là trở thành một trong những trung tâm kinh tế nông nghiệp vùng ĐBSCL đến năm 2025; có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại kết nối thông suốt với các địa phương trong vùng. Người dân có cuộc sống ấm no, văn minh, hạnh phúc.

vinh-long-tang-truong-xanh-02-1711250990.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, từ lãnh đạo tỉnh tới mỗi người dân Vĩnh Long cần quyết tâm, nỗ lực để góp phần thực hiện Quy hoạch tỉnh. (Ảnh: VGP)

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng, tuy có nhiều điểm thuận lợi song Vĩnh Long cũng như các tỉnh trong vùng ĐBSCL đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như biến đổi khí hậu, sạt lở, sụt lún và ngập mặn; hạ tầng giao thông chưa phát triển; nguồn nhân lực chất lượng cao chưa đáp ứng yêu cầu; quy mô nền kinh tế nhỏ, tăng trưởng chưa bền vững, chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn chậm; chưa phát huy và khai thác tốt các tiềm năng, thế mạnh của địa phương cho sự phát triển kinh tế…

Hội nghị này nhằm phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế, phấn đấu phát triển tỉnh Vĩnh Long trở thành tỉnh phát triển toàn diện, văn minh, hiện đại, sinh thái, bền vững, có trình độ phát triển khá so với cả nước nhân dân ngày càng được ấm no hạnh phúc.

Vĩnh Long cần chủ động trong chiến lược tăng trưởng xanh

Thủ tướng nêu rõ, muốn triển khai được quy hoạch, Vĩnh Long khai thác tối đa nguồn lực bên trong; tập trung vào các ngành mới nổi chuyển đổi xanh, số, kinh tế tuần hoàn, chia sẻ, tri thức… Lấy đổi mới sáng tạo làm động lực chính. Phát triển hệ thống giao thông kết nối vùng tạo không gian phát triển mới. Giảm chi phí logistics từ 17-18% xuống 10-11% như mức độ trung bình của thế giới.

Thủ tướng khẳng định quan điểm phát triển trong thời gian tới là tăng trưởng xanh, kiên quyết không chấp nhận mô hình “tăng trưởng trước, dọn dẹp sau”, chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ “nâu” sang “xanh”, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho phát triển hệ sinh thái xanh, kinh tế tuần hoàn, carbon thấp.

Thủ tướng yêu cầu tỉnh Vĩnh Long phải khẩn trương ban hành kế hoạch, triển khai Quy hoạch tỉnh; đảm bảo tính tuân thủ và đồng bộ trong tổ chức thực hiện quy hoạch, phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch ngành với tầm nhìn dài hạn gắn với định hướng phát triển tổng thể, liên kết vùng, phát huy tiềm năng, lợi thế, phát triển mạnh mẽ KT-XH, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Tăng cường năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, bố trí đủ nguồn lực để thực hiện các công trình thủy lợi, cống ngăn mặn, kè chống sạt lở. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, đồng thời phát huy nội lực khai thác tốt hơn nữa tiềm năng để độ phá, vươn lên thành tỉnh khá, tỉnh thuộc nhóm phát triển của vùng ĐBSCL.

vinh-long-tang-truong-xanh-04-1711251029.jpg
Thủ tướng thăm khu trưng bày các sản phẩm OCOP của địa phương. (Ảnh: VGP)

Thủ tướng đề nghị cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư, bộ, ngành đã nói thì phải làm, đã cam kết thì phải thực hiện. Luôn đồng hành, ủng hộ, đóng góp tích cực vào sự phát triển của tỉnh, bằng năng lực kinh nghiệm, tri thức, chuyển hóa lợi thế, tiềm năng của Vĩnh Long thành sản phẩm, công trình, dịch vụ cụ thể, đóng góp vào sự phát triển chung trên tinh thần “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”.

"Từ lãnh đạo tỉnh tới cả hệ thống chính trị và mỗi người dân, tư tưởng phải thông, quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động phải quyết liệt, làm việc nào dứt điểm việc đó; với truyền thống cách mạng, với đà phát triển những năm qua, với sự ủng hộ cuả các bộ, ngành Trung ương, các nhà đầu tư; tôi tin tưởng Vĩnh Long sẽ triển khai tốt quy hoạch và nhanh chóng trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước, góp phần phát triển vùng ĐBSCL và xây dựng đất nước ngày càng hùng cường, thịnh vượng, nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc", Thủ tướng phát biểu./.

Theo Quy hoạch tỉnh Vĩnh Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, mục tiêu đến năm 2030, Vĩnh Long là tỉnh nông nghiệp công nghệ cao, sinh thái; một trong những trung tâm kinh tế nông nghiệp của vùng ĐBSCL; có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại kết nối thông suốt với các địa phương trong vùng ĐBSCL.

Tầm nhìn đến năm 2050, Vĩnh Long là tỉnh phát triển toàn diện, văn minh, hiện đại, sinh thái, bền vững, có trình độ phát triển khá so với cả nước; có hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại và thích ứng với biến đổi khí hậu; các di tích lịch sử, bản sắc văn hóa được bảo tồn, tôn tạo và phát huy; quốc phòng và an ninh được bảo đảm; người dân có cuộc sống phồn vinh, hạnh phúc.

Theo quy hoạch, không gian phát triển được tổ chức hợp lý, hài hòa giữa các tiểu vùng, gắn với phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội đồng bộ, từng bước hiện đại và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Quy hoạch tỉnh Vĩnh Long xác định: Một trục động lực phát triển (tuyến Quốc lộ 1 đi qua thành phố Vĩnh Long - huyện Long Hồ - thị xã Bình Minh); hai hành lang kinh tế (dọc sông Hậu, dọc sông Tiền và sông Cổ Chiên); ba đột phá phát triển (hạ tầng, lĩnh vực chủ lực, nguồn nhân lực); bốn trụ cột tăng trưởng (công nghiệp, nông nghiệp - thủy sản, dịch vụ, đô thị); năm nhiệm vụ trọng tâm (cơ chế, chính sách; cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; đổi mới mô hình tăng trưởng; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ; thúc đẩy khởi nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh kinh tế tư nhân)…

Theo Quy hoạch, tỉnh lựa chọn, tập trung phát triển các ngành kinh tế quan trọng đúng với tiềm năng, lợi thế, trong đó: (i) Phát triển nông nghiệp công nghệ cao, theo hướng chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh; (ii) Phát triển du lịch trên nền tảng các di tích lịch sử, văn hóa, làng nghề truyền thống; du lịch sinh thái, sông nước, miệt vườn…, trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh; (iii) Phát triển nhanh một số ngành công nghiệp có lợi thế cạnh tranh, trọng tâm là các ngành có khả năng sử dụng đầu vào là các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh, công nghiệp phục vụ nông nghiệp, nông thôn.

Bình Nguyên