Liên kết chuỗi sản xuất tiêu thụ giúp nông sản miền núi Khánh Hòa vươn xa các thị trường

Trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa có 81 liên kết chuỗi sản phẩm nông nghiệp duy trì hoạt động; nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã đã tham gia vào liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, xây dựng được thương hiệu và nâng cao giá trị sản phẩm trên thị trường. Điều này giúp nông sản Khánh Hòa lan tỏa trên thị trường nhất là những nông sản thế mạnh ở địa bàn miền núi.
lien-ket-chuoi-nong-san-1-1732495924.jpg
Nông dân địa bàn miền núi Khánh Hòa yên tâm mở rộng sản xuất vì tiêu thụ nông sản ổn định nhờ chuỗi liên kết. (Ảnh minh họa)

Theo Trung tâm Khuyến nông tỉnh Khánh Hòa, chuỗi liên kết sản xuất thời gian qua đã đem lại nhiều hiệu quả rõ rệt, nhất là trong các lĩnh vực sản xuất rau quả và nuôi trồng thủy sản; các sản phẩm cung ứng qua các đại lý đạt chất lượng ổn định, đáp ứng nhu cầu thị trường.

Toàn tỉnh Khánh Hòa hiện có 81 liên kết chuỗi sản phẩm nông nghiệp duy trì hoạt động; nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã đã tham gia vào liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, xây dựng được thương hiệu và nâng cao giá trị sản phẩm trên thị trường, từng bước mang lại hiệu quả tổ chức sản xuất trong nông nghiệp, nông thôn. Gần đây đã thành lập được nhiều Hợp tác xã, chuỗi liên kết tại các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung theo hướng hàng hóa, như: Bưởi da xanh, sầu riêng, lúa, chăn nuôi heo, gà...

Theo kế hoạch, Khánh Hòa sẽ phát triển 6 chuỗi cung ứng thực phẩm chủ lực gồm rau, củ, quả, xoài, bưởi da xanh, sầu riêng, mía và thịt lợn. Mục tiêu đến năm 2025 là phát triển và nhân rộng các mô hình chuỗi cung ứng nông, lâm, thủy sản an toàn, với ít nhất 1 doanh nghiệp tham gia liên kết tiêu thụ trong mỗi chuỗi. Đặc biệt, các sản phẩm chủ lực của tỉnh như sầu riêng, bưởi da xanh, xoài, tỏi và các sản phẩm thủy sản nuôi sẽ được kiểm soát an toàn thực phẩm từ khâu sản xuất đến tiêu thụ, hướng đến mục tiêu xuất khẩu bền vững.

lien-ket-chuoi-nong-san-4-1732495905.jpg
Gần đây tỉnh Khánh Hòa đã thành lập được nhiều Hợp tác xã, chuỗi liên kết tại các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung theo hướng hàng hóa.(Ảnh minh họa)

Tại huyện miền núi Khánh Vĩnh là vùng trồng bưởi da xanh lớn nhất tỉnh Khánh Hòa. Với diện tích hơn 600 héc ta, năng suất bình quân 8 tấn/ héc ta, mỗi năm huyện miền núi này cung cấp thị trường khoảng 4.000 tấn bưởi da xanh. “Bưởi da xanh Khánh Vĩnh” được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) chứng nhận thương hiệu, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn cho nông dân miền núi.

Đặc biệt, tại huyện Khánh Vĩnh đã hình thành nhiều hợp tác xã trồng bưởi với sự tham gia của các hộ dồng bào dân tộc thiểu số. Nổi bật là Hợp tác xã sản xuất, thu mua nông sản Hiệu Linh, xã Khánh Thành, với 14 thành viên, trong đó, đa phần là đồng bào dân tộc thiểu số. Hợp tác xã còn liên kết với hơn 20 hộ trồng bưởi trên địa bàn. Toàn Hợp tác xã đã có 20 ha đạt tiêu chuẩn VietGAP, đạt 3 sao OCOP, mỗi năm cho ra thị trường hàng trăm tấn bưởi chất lượng cao. Hợp tác xã  tiên phong trong áp dụng tiêu chuẩn VietGAP vào sản xuất bưởi, lan tỏa cách làm ấy đến các hộ nông dân lân cận bằng cách cung cấp cây giống, vật tư, quy trình canh tác đạt chuẩn và thu mua toàn bộ sản phẩm bưởi cho người dân.

Ông Đoàn Văn Hưởng, Giám đốc Hợp tác xã Hiệu Linh, xã Khánh Thành, huyện Khánh Vĩnh cho biết:“Bà con đồng bào dân tộc thiểu số tin mình nhất vì mình đã làm trước rồi, thực tế bưởi của mình đẹp, từ chỗ đó, mình chỉ dẫn kỹ thuật nên bà con mới tin tưởng. Các nơi về chỉ dẫn nhưng bà con không tin vì chưa nhìn thấy. Đã làm được sản phẩm như này và mình chỉ dẫn tận nơi, đến từng nhà, chỉ từng nơi một. Bà con làm theo như mình giá sản phẩm tăng lên so với trước kia bà con tự làm từ 5.000-7.000 đ/kg”.

lien-ket-chuoi-nong-san-3-1732495996.jpg
Sầu riêng Khánh Sơn – một thương hiệu đặc sản đã được công nhận tại Khánh Hoà. (Ảnh minh họa)

Huyện miền núi Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa với khí hậu mát mẻ, có lợi thế lớn về phát triển sản xuất nông nghiệp. Toàn huyện có gần 5.000 héc ta đất sản xuất nông nghiệp, trong những năm qua, địa phương đẩy mạnh chuyển đổi vườn tạp sang các loại cây ăn quả có giá trị cao. Đến nay, địa bàn đã có hơn 3.300 héc ta sầu riêng,  bưởi, chôm chôm, măng cụt… Toàn huyện đã có 15 mã số vùng trồng, với tổng diện tích 430 héc ta sầu riêng được cấp. Trong phát triển sản phẩm OCOP, huyện đã có 1 sản phẩm OCOP 4 sao và 33 sản phẩm OCOP 3 sao.

Ông Chu Đức Hùng, Phó Chi cục Trưởng Chi cục Quản lý Chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản tỉnh Khánh Hòa cho rằng, phát triển chuỗi thực phẩm an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP là hướng đi tất yếu để nâng cao giá trị và thương hiệu sản phẩm địa phương. Tuy nhiên, việc triển khai gặp nhiều thách thức do thói quen sản xuất truyền thống và thiếu sự liên kết bền vững giữa các doanh nghiệp và hộ dân.

Ông Hùng đề xuất tăng cường kiểm soát chất lượng sản phẩm tại các khâu, đặc biệt là kiểm tra việc sử dụng hóa chất và thuốc bảo vệ thực vật, để đảm bảo an toàn thực phẩm cho thị trường trong nước và xuất khẩu. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh hoạt động tiếp thị, mở rộng thị trường và xây dựng thương hiệu địa phương để thu hút đầu tư và giảm thiểu rủi ro trong tiêu thụ.

Ông Lê Quốc Toàn, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Khánh Hòa cho biết: “Liên kết với nhau về mặt sản lượng, ví dụ như có doanh nghiệp có nhu cầu mua khối lượng sản phẩm lớn thì một hộ không thể giải quyết vấn đề đó. Nếu như nhiều hộ nông dân vô hợp tác xã, có pháp nhân, doanh nghiệp dễ dàng cho việc tiếp cận với bà con. Hợp tác xã còn giúp đầu vào, cây giống, kỹ thuật canh tác”.

Nghị quyết 09/2022 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định phát triển nhanh và bền vững vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, các địa phương miền núi đã đẩy mạnh liên kết theo chuỗi, nâng cao giá trị gia tăng nông sản gắn với xây dựng nông thôn mới. Qua đó,  số hộ nghèo tại miền núi đã giảm rất nhanh, đến cuối năm 2024, hai huyện Khánh Sơn, Khánh Vĩnh cơ bản thoát khỏi huyện nghèo./.

Bình Nguyên