Kinh tế xanh mang lại hạnh phúc cho con người và công bằng xã hội
Theo UNEP (Chương trình môi trường của Liên Hợp Quốc), kinh tế xanh được định nghĩa là nền kinh tế vừa mang lại hạnh phúc cho con người và công bằng xã hội, vừa giảm thiểu đáng kể các nguy cơ về môi trường và suy giảm sinh thái. Một nền kinh tế xanh có thể được coi là một nền kinh tế có lượng phát thải carbon thấp, sử dụng tài nguyên hiệu quả và bao trùm xã hội.
Ông Đặng Huy Đông, Nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Chủ tịch Viện trưởng Viện Quy hoạch và Phát triển, cho biết tổng lượng phát thải rác sinh hoạt cả nước hiện nay là 65.000 tấn/ngày. Khoảng 30% lượng rác này được đốt, phát thải gần 10 triệu tấn CO2 mỗi năm, còn 70% chôn lấp phát thải khoảng 5 triệu tấn CO2 mỗi năm.
Tuy nhiên, ông Đông cũng nhấn mạnh điểm tích cực là các doanh nghiệp Việt Nam đã sở hữu công nghệ khí hóa chất thải rắn (bao gồm rác thải sinh hoạt) hầu như không phát thải CO2 (75kg CO2/1 tấn rác). Công nghệ này đã được Bộ Khoa học và Công nghệ thẩm định, công nhận thực nghiệm thành công ở quy mô thương mại.
Việc quản lý kinh tế xanh sẽ góp phần giảm hàng trăm triệu tấn CO2 mỗi năm
Bên cạnh đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã xác nhận kết quả môi trường: không có chất thải rắn phải chôn lấp (như tro bay, tro xỉ từ công nghệ đốt rác phát điện), không có nước thải và khí thải đạt chất lượng cao hơn tiêu chuẩn của EU, Nhật Bản. Hơn nữa, chi phí xử lý chỉ bằng một nửa so với công nghệ đốt rác phát điện, do không cần bù lỗ qua giá bán điện cao (10,05 cents USD/1kWh).
Với công nghệ này, Việt Nam có thể quy hoạch các nhà máy xử lý rác phân tán ở cấp quận, huyện, thay vì xây dưng các nhà máy quy mô lớn hàng ngàn tấn. Ông Đông phân tích việc quy hoạch nhà máy đốt rác quy mô lớn (5.000 tấn/ngày) sẽ gây ra "vết chân carbon rất dài" (carbon footprint) do chi phí vận chuyển rác thải khổng lồ (ước tính 4-5 chục triệu km xe chạy trên thành phố mỗi năm).
Theo đó, ông Đông đưa ra đề xuất Việt Nam cần bắt đầu bằng việc quy hoạch đô thị ưu tiên giao thông công cộng, hạn chế giao thông cá nhân, hạn chế dần và đi đến cấm xe chạy xăng, dầu trong đô thị. Việc quy hoạch nhà máy xử lý rác thải đô thị theo mô hình phân tán, ứng dụng công nghệ khí hóa, sẽ giúp giảm phát thải hàng trăm triệu tấn khí nhà kính mỗi năm.
Việc quy hoạch kiến trúc các khu đô thị ứng dụng công nghệ tiên tiến để giảm tiêu thụ điện năng và gián tiếp giảm phát thải CO2. Ví dụ, tính toán hướng gió, hướng mặt trời hợp lý có thể giảm 2-3 độ C vi khí hậu đô thị, tương đương với việc giảm hàng tỷ kWh điện dùng cho điều hòa. Hay, ứng dụng công nghệ làm mát trung tâm cho cả khu phố, khu đô thị có thể giảm 40-50% lượng điện tiêu thụ so với điều hòa độc lập.
Việc quản lý quy hoạch, giao thông, chất thải rắn, nước thải với những công nghệ hiện hữu sẽ góp phần giảm hàng trăm triệu tấn CO2 mỗi năm. Trên cơ sở đó, Việt Nam có cơ sở để tin tưởng rằng mục tiêu Net Zero vào năm 2050 theo cam kết quốc tế là khả thi./.