Tăng cường đầu tư xanh, tài chính xanh hướng tới mục tiêu Net Zero

Ngày 26/11, Hội thảo “Thúc đẩy đầu tư xanh và thị trường tài chính xanh - Hướng tới mục tiêu Net Zero tại Việt Nam” vừa diễn ra tại Thành phố Hồ Chí Minh đã làm sáng tỏ những thách thức và cơ hội trong việc huy động vốn cho quá trình chuyển đổi xanh của quốc gia.
dau-tu-xanh-1-1732608654.jpg
Hội thảo “Thúc đẩy đầu tư xanh và thị trường tài chính xanh - Hướng tới mục tiêu Net Zero tại Việt Nam”.

Biến đổi khí hậu đang đe dọa nghiêm trọng Việt Nam, với thiệt hại do thiên tai gây ra lên tới 1,5% GDP hàng năm. Trước thực tế này, việc chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, thúc đẩy đầu tư xanh và phát triển thị trường tài chính xanh là không chỉ dừng ở mức cần thiết mà còn là vấn đề cấp bách.

Hội thảo do Trung tâm Truyền thông Tài nguyên và Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), Tạp chí Kinh tế Việt Nam – VnEconomy và các cơ quan hữu quan phối hợp tổ chức, đã tập trung vào những thách thức và cơ hội của thị trường tài chính xanh tại Việt Nam.

Thực tế cho thấy, mặc dù đã được triển khai khoảng 10 năm, quy mô tài chính xanh ở Việt Nam vẫn còn khiêm tốn, với tín dụng xanh chỉ chiếm 4,5% tổng dư nợ và trái phiếu xanh rất ít. Đây là một thách thức lớn, đòi hỏi phải có các cơ chế, chính sách và giải pháp mạnh mẽ hơn để huy động nguồn vốn trong và ngoài nước. Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam cần khoảng 368 tỷ USD cho giai đoạn 2022-2040 để đạt được các mục tiêu về tăng trưởng xanh, chuyển đổi xanh bao trùm gắn với chống biến đổi khí hậu, tương đương khoảng 6,8% GDP mỗi năm.

Đáng chú ý, 65% nhu cầu này sẽ phải được huy động ngoài khu vực công. Với cam kết đưa mức phát thải ròng về “0” vào năm 2050 và giảm phát thải khí metan (CH4) vào năm 2030, nhu cầu đầu tư vào các dự án giảm thiểu tác động môi trường sẽ còn tăng mạnh trong tương lai. Trên phạm vi toàn cầu, con số cần thiết để giảm phát thải khí nhà kính và thích ứng với biến đổi khí hậu lên tới 1.000 tỷ USD mỗi năm cho đến năm 2035, một mục tiêu đang được thảo luận tại COP29.

Phát biểu khai mạc, ông Đoàn Trường Giang, Giám đốc Trung tâm Truyền thông Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường, nhấn mạnh tính cấp thiết của việc chuyển đổi xanh trước những tác động nghiêm trọng của biến đổi khí hậu, đe dọa xóa đói giảm nghèo và phát triển bền vững. Đầu tư xanh và thị trường tài chính xanh không chỉ là xu hướng mà đã trở thành cam kết của nhiều nền kinh tế và các doanh nghiệp. Không một quốc gia nào có thể đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng “0” nếu không có sự chuyển dịch cục bộ và toàn diện. Phát triển thị trường tài chính xanh và thị trường tín chỉ carbon được xác định là ưu tiên hàng đầu, đòi hỏi sự chung tay của cả hệ thống chính trị và cộng đồng doanh nghiệp.

dau-tu-xanh-2-1732608723.jpg
Ông Đoàn Trường Giang, Giám đốc Trung tâm Truyền thông Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường phát biểu khai mạc hội thảo.

Tiến sĩ Lại Văn Mạnh, Trưởng ban Kinh tế Tài nguyên và Môi trường, Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường, cho biết  Bộ Tài chính đang tích cực triển khai Kế hoạch hành động của ngành Tài chính về tăng trưởng xanh, tập trung vào xây dựng và hoàn thiện các chính sách tài chính liên quan, trọng tâm là phát triển thị trường vốn xanh và các sản phẩm tài chính xanh. Việc xây dựng Đề án Phát triển thị trường tín chỉ carbon, dự kiến thí điểm vào năm 2025 và vận hành chính thức sàn giao dịch tín chỉ carbon vào năm 2028, cũng đang được đẩy nhanh tiến độ.

Về tín dụng xanh, TS. Lê Duy Bình, Giám đốc Economica Việt Nam, khẳng định Việt Nam đang trở thành điểm đến hấp dẫn cho vốn đầu tư xanh quốc tế nhờ môi trường pháp lý được cải thiện và sự nỗ lực của các tổ chức tài chính, doanh nghiệp trong việc phát triển tài chính xanh. Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh cần tăng cường tính thanh khoản của thị trường bằng cách nâng cao nhận thức nhà đầu tư, thu hút nhà đầu tư tổ chức, đa dạng hóa nguồn cung dự án xanh và hoàn thiện khung pháp lý, đặc biệt là thống nhất định nghĩa và danh mục đầu tư xanh trên toàn quốc để thúc đẩy tăng trưởng bền vững hơn nữa.

Hội thảo cũng nhấn mạnh tham vọng của thành phố trở thành trung tâm tài chính khu vực, hướng tới mô hình trung tâm tài chính thế hệ mới, thu hút nguồn tài chính xanh. Việc Bộ Chính trị đồng ý chủ trương đối với Đề án xây dựng Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam, với kế hoạch thành lập Trung tâm tài chính quốc tế toàn diện tại Thành phố Hồ Chí Minh, như Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tuyên bố tại Tọa đàm doanh nghiệp Việt Nam - UAE, đã tạo ra một động lực mạnh mẽ.

Đúc kết hội thảo, tại phiên thảo luận về “Thúc đẩy đầu tư xanh và thị trường tài chính xanh, hướng đến mục tiêu Net Zero tại Việt Nam” đã khai thác rõ hơn các vấn đề từ nhiều khía cạnh, góc nhìn từ cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức tài chính, doanh nghiệp, thị trường tín chỉ carbon, xu hướng đầu tư xanh và thực tiễn triển khai tại Việt Nam,... Đồng thời, tập trung vào việc đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển bền vững tài chính xanh, và cung ứng hiệu quả nguồn vốn xanh cho nền kinh tế cho doanh nghiệp vừa và nhỏ./.

Lê Thu - Võ Nga