Hiện nay, phần lớn phế phụ phẩm nông nghiệp phát sinh từ quá trình trồng trọt, chăn nuôi, chế biến nông lâm thủy sản, phân xanh, rác thải hữu cơ,... thường được thu gom và xử lý thủ công theo truyền thống, thậm chí không được xử lý thu gom mà bỏ thẳng ra môi trường tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến cảnh quan và lãng phí nguồn nguyên liệu.
Tận dụng nguồn phế phụ phẩm nêu trên tái sử dụng để làm phân bón hữu cơ phục vụ trồng trọt mang tính tuần hoàn, khép kín, góp phần giảm ô nhiễm môi trường là một cách làm hiệu quả đang được ngành nông nghiệp triển khai ở nhiều địa phương trên cả nước qua công tác hướng dẫn, tập huấn kỹ thuật ủ phân hữu cơ từ phụ phẩm trồng trọt.
Phương pháp thực hiện như sau (1):
Nguyên liệu gồm 1000 kg nguyên liệu hữu cơ (800 kg phụ phẩm trồng trọt + 200 kg phân trâu/bò/gà) + 1 kg chế phẩm Compost maker - Bio 02 hoặc chế phẩm có hiệu lực tương đương + 5,0 kg vôi bột.
Chọn nơi thuận tiện trên nền đất trống hoặc xi măng, khô ráo. Rạch rãnh xung quanh cho nước chảy vào hố gom nhỏ tránh nước ủ phân chảy ra ngoài khi tưới ẩm quá. Diện tích nền khoảng 3 m2/1 tấn phân ủ.
Phụ phẩm còn tươi nhanh phân huỷ hơn khi để khô. Nếu phế phụ phẩm ở dạng khô, khó phân hủy (rơm rạ khô, thân lá ngô khô, cành lá khô) nên trộn vôi bột với nguyên liệu hoặc hòa vôi bột với nước sạch tưới đều lên nguyên liệu; đánh đống, ủ trong thời gian 1 - 2 ngày để nguyên liệu hữu cơ mềm ra trước khi phối trộn các nguyên liệu khác. Nếu nguyên liệu quá dài (thân cây ngô, cành cây) nên được băm nhỏ thành đoạn 10 - 15 cm.
Phụ phẩm trồng trọt được trải thành lớp có độ dày 15 - 20 cm; rắc một lớp mỏng chế phẩm Compost maker – Bio 02 lên bề mặt lớp phụ phẩm; sau đó tưới nước lên đống nguyên liệu để độ ẩm đạt khoảng 50 - 55%. Tiếp tục làm từng lớp như trên cho đến hết nguyên liệu.
Đống nguyên liệu đảo trộn đều và có độ ẩm đạt 50 - 55% (có thể kiểm tra nhanh bằng dùng tay bóp nhẹ nắm nguyên liệu, thấy có ít nước rỉ qua kẽ tay). Nếu nguyên liệu khô, cần bổ sung thêm nước. Kiểm tra pH của hỗn hợp: Nếu pH hỗn hợp < 7 cần bổ sung vôi bột sao cho pH đạt ≥ 7 - 7,5. Nếu sử dụng ở qui mô công nghiệp: Sử dụng máy xúc, máy trộn để trộn đều nguyên liệu hữu cơ và nguyên liệu bổ sung.
Chuyển nguyên liệu đã được đảo trộn vào vị trí ủ. Chiều cao đống ủ cao từ 1,2 - 1,5 m, rộng 2,0 m và chiều dài phù hợp với vị trí ủ và lượng phân ủ. Lưu ý không nén chặt đống ủ. Che kín bề mặt đống ủ bằng bạt tối màu để đảm bảo nhiệt độ 40 – 50 độ C.
Kiểm tra luống ủ: Luống ủ được coi là đạt yêu cầu khi nhận thấy dấu hiệu hoạt động của vi sinh vật như tạo các lớp màu trắng đồng nhất dạng sợi ngắn trên bề mặt và dưới bề mặt 20 - 30 cm, nhiệt độ khối ủ cao hơn nhiệt độ môi trường ít nhất 20 độ C trước khi đảo trộn lần 1.
Đảo trộn đống ủ sau 7-8 ngày và 15-17 ngày (tưới bổ sung thêm nước nếu đống ủ bị khô).
Thời gian ủ tùy thuộc vào loại nguyên liệu hữu cơ (rơm rạ: 30-35 ngày, thân lá đậu: 35-40 ngày, thân lá ngô: 40-45 ngày, cỏ: 25-30 ngày). Nguyên liệu đạt độ hoai mục khi nhiệt độ của khối nguyên liệu sau khi ủ cao hơn nhiệt độ môi trường tối đa 5 độ C.
Sản phẩm được dỡ ra và đảo trộn, đánh đống và để nguyên 1-2 tuần với mục đích ổn định chất lượng trước khi đưa ra sử dụng. Bảo quản phân ủ hoai mục trong điều kiện nhiệt độ không khí bình thường, khô ráo, thoáng mát và tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng mặt trời.
Sau khi phân ủ hoai mục hoàn toàn, bà con có thể sử dụng bón cho các loại cây trồng. Nên bón ngoài ruộng trước khi làm đất là tốt nhất. Không trộn chung với vôi và các loại thuốc bảo vệ thực vật./.
(1) Theo hướng dẫn tại ngheandost.gov.vn