Cần chính sách đột phá để thu hút đầu tư phát triển nền "nông nghiệp xanh"

Nông nghiệp Việt Nam đã từng bước hướng đến nền nông nghiệp xanh phát triển bền vững, nông nghiệp thân thiện với môi trường, mang lại chất lượng nông sản cao để đạt được giá bán cao góp phần xóa đói giảm nghèo.

Thời gian qua, tham gia vào xu hướng sản xuất xanh thân thiện môi trường và đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã và đang chú trọng hơn sử dụng nguồn nguyên vật liệu tự nhiên, nhiên liệu, hóa chất không gây độc hại. Cùng với đó, các doanh nghiệp cũng đầu tư công nghệ, trang thiết bị dây chuyền sản xuất hiện đại theo các tiêu chuẩn quốc tế để cải tiến quy trình, hướng tới sản xuất xanh.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mới đây cho hay, ngành Nông nghiệp không chỉ đáp ứng đủ nhu cầu trong nước mà còn đứng vào Top 15 cường quốc xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới, vươn tới thị trường trên 190 quốc gia và vùng lãnh thổ.

0-1689400830.jpg
Thúc đẩy nền nông nghiệp xanh bền vững tại Việt Nam. Ảnh minh họa

Từ đó, có thể thấy, nông nghiệp xanh tại Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc. Tuy nhiên, thực tế, vẫn còn tồn tại một số “điểm nghẽn” cần được tháo gỡ, đó là: chưa có các quy hoạch về sản xuất hữu cơ hay chính sách riêng hỗ trợ cho sản xuất hữu cơ; chưa có nhiều tổ chức kiểm tra chứng nhận sản xuất hữu cơ “made in Vietnam” đa phần việc chứng nhận đều phải thuê các tổ chức nước ngoài với mức phí cao; nông nghiệp vẫn hoạt động dựa trên nền tảng quy mô nhỏ lẻ nên việc áp dụng các hình thức sản xuất khép kín, tập trung lớn của nông nghiệp xanh là khá khó khăn; người tiêu dùng chưa thực sự tin tưởng và chưa có kinh nghiệp phân biệt giữa sản phẩm sản xuất hữu cơ và các sản phẩm thông thường khác; nguồn nhân lực tinh thông trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ còn hạn chế so với nhu cầu; chưa có các chương trình trọng điểm và đầu tư nguồn lực tương xứng để tạo đột phá nông nghiệp xanh...

Vì vậy, theo bà Trương Thị Lệ Khanh - đại diện Công ty Cổ phần Thủy sản Vĩnh Hoàn cho rằng, để xây dựng một nền nông nghiệp xanh và bền vững cần tập trung những mặt sau: Thứ nhất, về chính sách đó là chính sách thu hút đầu tư các doanh nghiệp có năng lực về công nghệ chế biến và có năng lực phát triển thị trường; Đầu tư cơ sở hạ tầng để phát triển kinh tế nông thôn; các vùng nguyên liệu tập trung.

Chính sách phải nhất quán, hài hòa, đồng bộ về quy hoạch nông nghiệp định hướng phát triển bền vững tránh xung đột về môi trường và nguồn lực. Nhất quán trong chủ trương sử dụng đất ổn định và lâu đài và có chính sách môi trường phù hợp.

Bên cạnh đó, các chính sách khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng công nghệ theo hướng giảm thiểu phát thải. Quy hoạch xây dựng vùng luân canh/chuyên canh tập trung. Đồng thời, có cơ chế về tín dụng cho các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp bền vững; hỗ trợ tài chính cho các nông dân tiên phong tham gia vào các chương trình nông nghiệp xanh. Nhà nước hỗ trợ kết nối nông dân đồng hành cùng doanh nghiệp cam kết các chương trình nông nghiệp xanh.

Thứ hai, về đào tạo, đưa vào các chương trình giáo dục về xây dựng nền nông nghiệp xanh, bền vững từ khi các em còn ngồi trên ghế nhà trường; Đào tạo các đội ngũ tham gia vào lĩnh vực nông nghiệp. Có chương trình khuyến khích các lực lượng lao động có trình độ cao vào nông nghiệp. Đào tạo về ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ đến từng hộ nông dân; Đào tạo hội nhập.

Thứ ba, về Khoa học kỹ thuật, đẩy mạnh các chương trình phát triển nông nghiệp xanh thông qua việc áp dụng công nghệ trồng trọt và chế biến theo hướng tối ưu hóa năng suất và chất lượng, nâng cao giá trị sản phẩm.

Thứ tư, về truyền thông: Tăng cường tuyên truyền đến từng hộ dân nhỏ lẻ về nông nghiệp xanh; Tuyên truyền, kết nối đến người tiêu dùng về sản phẩm nông nghiệp xanh.

Thứ năm, về năng lực nhà đầu tư: Chọn lựa nhà đầu tư có quan điểm phát triển bền vững, có năng lực thực hiện dự án đúng cam kết.

luong-thuc2-1689400868.jpg
Xây dựng chính sách phát triển nông nghiệp cần quan tâm đến lợi ích của người nông dân nuôi trồng nhỏ lẻ. Ảnh minh họa

Còn theo ông Võ Quan Huy – Công ty TNHH Huy Long An, thời gian vừa qua ngành Nông nghiệp đã ghi nhận là bệ đỡ của nền kinh tế đất nước khi hàng hoá đã giúp củng cố niềm tin với bạn bè quốc tế và người tiêu dùng trong nước. Nhiều sản phẩm nằm trong Top 10 như: tiêu, cà phê, cao su, chế biến gỗ gia dụng…Tuy nhiên, nhiều nông dân, nhiều ngành hàng còn gặp nhiều khó khăn về sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Đơn cử, trong lĩnh vực trồng trọt. Hiện nay, trồng trọt có nhiều mô hình rất thành công. Tuy nhiên bên cạnh những thành công thì đâu đó những người nông dân còn gặp rất nhiều khó khăn do bắt nguồn từ giá cả vật tư đầu vào bị tăng cao, thậm chí là rất cao nhưng đầu ra không ổn định đã đẩy người nông dân vào thế cùng cực, không có người dẫn dắt, định hướng sản xuất phù hợp với nhu cầu của thị trường.

Do đó, trong xây dựng chính sách phát triển nông nghiệp, ông Huy cho rằng, cần quan tâm đến lợi ích của người nông dân nuôi trồng nhỏ lẻ; dẫn dắt họ có được cuộc sống ấm no hơn để họ có thể theo đuổi và sống được với nghề, như: xây dựng đầu mối hợp tác để giúp đỡ họ từ cung cấp vật tư đầu vào, quy trình sản xuất, chất lượng sản phẩm cho đến đầu ra… để họ có thể ổn định cuộc sống; tìm kiếm kênh đầu tư ổn định (sử dụng vật tư để thanh toán qua ngân hàng, các tổ chức tín dụng, không nhận tiền mặt…).

Còn đối với ngành thuỷ sản, theo ông Huy, mặc dù ngành đang phát triển tốt nhưng người nông dân lại rất khó khăn, hưởng lợi ít, thậm chí rất khó khăn vì: công nghệ và phân khúc bởi các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp FDI nắm giữ và chi phối. Vì vậy, rất cần Nhà nước hỗ trợ cho những đối tượng này để họ có thể sống được với nghề và cho ra những sản phẩm tốt, góp phần phát triển ngành nông nghiệp theo hướng bền vững.

Đông Nghi