Nông nghiệp xanh và câu chuyện đại điền

Phát triển nông nghiệp xanh (NNX), tích hợp đa giá trị là mục tiêu mà ngành nông nghiệp Việt Nam hướng tới, nhưng để thực hiện được cần có quy mô sản xuất đại điền.
a4-1693887370.jpeg
Ruộng đồng manh mún, nhỏ lẻ là rào cản để ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp, khó đạt mục tiêu hướng tới một nền NNX.

Phát triển nông nghiệp xanh (NNX), tích hợp đa giá trị là mục tiêu mà ngành nông nghiệp Việt Nam hướng tới; nhưng để thực hiện được cần có quy mô sản xuất đại điền. Đây chính là “chìa khóa” mở ra nhiều cơ hội mới cho nền nông nghiệp hiện đại, bền vững.

Hướng đi tất yếu

Theo Tổ chức Hợp tác & Phát triển kinh tế (diễn đàn dành cho chính phủ của các nền kinh tế thị trường phát triển nhất thế giới), NNX là mô hình phát triển tối đa nguồn nông nghiệp sạch, từ đó cho ra một mô hình nông nghiệp phát triển bền vững gắn liền với bảo vệ môi trường xanh sạch. Mô hình này đem lại cho người nông dân những năng suất, hiệu quả vượt trội và đồng thời cũng giúp bảo vệ môi trường, sức khỏe người dân một cách tốt hơn.

Ở Việt Nam, những năm qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), các địa phương, doanh nghiệp và bà con nông dân đã đẩy mạnh ứng dụng thành tựu khoa học kỹ thuật, xây dựng thành công nhiều mô hình NNX. Điển hình, đối với cây lúa đã áp dụng các mô hình “ruộng lúa bờ hoa”, “1 phải 5 giảm”, “cánh đồng mẫu lớn áp dụng VietGAP”. Đối với cây ăn trái, áp dụng quy trình canh tác GAP và mô hình sử dụng khí sinh học trong chăn nuôi. Nuôi trồng thủy sản thì áp dụng kiểm soát chất lượng từ ao nuôi đến bàn ăn…

Một trong những cách thức canh tác nổi bật của NNX chính là sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Theo ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, thực hiện chiến lược phát triển nền nông nghiệp bền vững, Bộ NN&PTNT và các địa phương đã triển khai nhiều giải pháp để thúc đẩy gia tăng hàm lượng “xanh” trong sản xuất nông nghiệp. Kết quả rõ nét nhất cho nỗ lực này là diện tích sản xuất nông nghiệp hữu cơ của cả nước không ngừng tăng lên. Tính đến năm 2022, cả nước có khoảng 240.000ha canh tác hữu cơ tại 46 tỉnh, thành phố; trước đó, năm 2016, cả nước mới chỉ có 53.350ha.

a1-1693887532.jpg
Ứng dụng phương pháp canh tác lúa cải tiến với quy mô sản xuất đại điền đem lại nhiều lợi ích. (Ảnh minh họa)

Báo cáo của Bộ NN&PTNT cho thấy, sản phẩm nông nghiệp hữu cơ của Việt Nam hiện được tiêu thụ trong nước và xuất khẩu sang 180 nước trên thế giới, bao gồm: Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Trung Quốc, Nhật, Đức, Anh, Hàn Quốc, Nga, Singapore, Pháp, Bỉ, Hà Lan, Italy… Cả nước hiện có khoảng 160 doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh nông nghiệp hữu cơ với kim ngạch xuất khẩu hằng năm đạt khoảng 335 triệu USD, đứng thứ 8 trong 10 nước có diện tích nông nghiệp hữu cơ tại châu Á.

Ngày 28/01/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 150/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Chiến lược yêu cầu đến năm 2030 phát triển nền nông nghiệp xanh, thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm ô nhiễm môi trường nông thôn, phấn đấu giảm phát thải khí nhà kính 10% so với năm 2020.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho biết, là “trụ đỡ” của nền kinh tế nhưng ngành nông nghiệp đang đối mặt thách thức lớn từ nội tại tới khách quan như biến đổi khí hậu, biến động thị trường và biến đổi xu hướng tiêu dùng của thế giới. Do đó, phát triển theo hướng NNX, nông nghiệp sinh thái là hướng đi tất yếu; bằng việc áp dụng đồng bộ các quy trình, công nghệ; sử dụng hợp lý, tiết kiệm vật tư đầu vào cho sản xuất nông nghiệp, sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên, không gây ảnh hưởng tới môi trường, sức khỏe con người.

“Điểm nghẽn” đại điền

Theo các chuyên gia về nông nghiệp, để phát triển NNX thì việc tích tụ ruộng đất, hình thành cánh đồng lớn có ý nghĩa then chốt. Sản xuất đại điền sẽ giúp ngành nông nghiệp giải được bài toán về gia tăng lợi nhuận nhờ giảm chi phí, tăng chất lượng; bài toán về giảm phát thải nhà kính;…

Lấy ví dụ trong sản xuất lúa, bà Dương Thị Ngà, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Bắc (Cục Bảo vệ thực vật – Bộ NN&PTNT) cho biết, sản xuất lúa là hoạt động tạo ra khí thải nhà kính lớn nhất trong sản xuất nông nghiệp. Với quy mô đại điền, khi ứng dụng phương pháp canh tác lúa cải tiến (SRI) dựa trên những tác động kỹ thuật sẽ giảm chi phí đầu vào như giống, phân bón, thuốc trừ sâu, tiết kiệm nước tưới…

“Các kết quả thực nghiệm cho thấy, nếu áp dụng đầy đủ các nguyên tắc SRI sẽ mang lại hiệu quả đáng kể. Cụ thể, giảm 40 - 50% lượng giống so với tập quán, giảm trung bình 2 lần phun thuốc bảo vệ thực vật 1 vụ, nước tưới giảm 2 lần/vụ, năng suất tăng 7 - 15% tương đương 15 - 30 kg/sào, hiệu quả sản xuất lúa tăng 5 - 10 triệu đồng/ha”, bà Ngà thông tin.

a6-1693887579.jpg
NNX như là phương tiện để thực hiện chiến lược kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và kinh tế chia sẻ trong sản xuất nông nghiệp. (Ảnh minh họa)

Tại diễn đàn “Thúc đẩy mô hình sản xuất nông nghiệp đại điền” do Bộ NN&PTNT tổ chức hồi tháng 4 vừa qua, các chuyên gia đều khẳng định vai trò quyết định của sản xuất đại điền trong mục tiêu thực hiện nền NNX. Tuy nhiên, trở ngại lớn nhất hiện nay là chính sách hạn điền của nhà nước (phía Bắc không quá 2ha, phía Nam không quá 3ha). Chính sách này mang tính hạn chế nhu cầu tích tụ ruộng đất của hộ gia đình, cá nhân và không phù hợp với nhu cầu tích tụ ruộng đất, sản xuất lớn hiện nay.

Một kết quả khảo sát của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy, việc sử dụng đất của các hộ sản xuất nông nghiệp nước ta vẫn còn hết sức manh mún. Trong đó, đất nông nghiệp bình quân gần 1,6 ha/hộ nông thôn, gần 3 ha/hộ nông nghiệp; đất sản xuất nông nghiệp bình quân gần 0,68 ha/hộ nông thôn, gần 1,26 ha/hộ nông nghiệp. Chỉ số bình quân đất sản xuất nông nghiệp/hộ ở nước ta thấp hơn nhiều so với các quốc gia lân cận. Đây là điều rất đáng tiếc vì kết quả kiểm kê đất đai năm 2019 cho thấy, tổng diện tích tự nhiên nước ta là 33.131.713ha, trong đó nhóm đất nông nghiệp đã chiếm xấp xỉ 85%.

Để hiện thực hóa giấc mơ nông nghiệp đại điền, những “nút thắt” trong chính sách đang dần được tháo gỡ từ một số điểm mới của Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) về các hạn chế ở hạn mức, giao đất, chuyển nhượng, chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp quy định tại Luật Đất đai năm 2013. Đây là điều kiện “đủ” để thúc đẩy sản xuất đại điền, tạo nền móng vững chắc để xây dựng nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh.

Duy Bình