Đi biển xuyên Tết cầu mong may mắn cả năm
Còn gần 10 ngày nữa mới đến Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, nhưng trong những ngày này tại Cảng cá Quy Nhơn (Bình Định) không khí Tết đã lan tỏa khắp cầu cảng, không khí Tết hiện rõ trên gương mặt rạng rỡ những ngư dân vận chuyển cá lên bờ tiêu thụ.
Ngư dân Nguyễn Hải, thuyền viên đi bạn cho tàu cá mang số hiệu BĐ 96806-TS hành nghề lưới vây do ngư dân Lê Đức Vinh ở phường Hoài Thanh (thị xã Hoài Nhơn, Bình Định) làm thuyền trưởng, vừa làm việc vừa vui vẻ trò chuyện. Theo anh Hải, năm nay thời tiết biển ủng hộ nghề khai thác thủy sản xa bờ nên tàu cá anh đi bạn không bỏ chuyến biển nào. Đặc biệt, chuyến biển cuối năm âm lịch tàu cá anh đi bội thu sản phẩm, đánh bắt được đến 20 tấn cá ngừ sọc dưa, mỗi phần bạn được chia hơn 20 triệu đồng.
“Chuyến biển này anh em thuyền viên thống nhất về nhà ăn Tết sớm với gia đình, đến 27 tháng Chạp tàu của chúng tôi sẽ vươn khơi đánh bắt chuyến biển xuyên Tết với hy vọng có tiếp chuyến biển bội thu để lấy lộc năm mới. Với nghề biển, nếu chuyến biển đầu năm mới bội thu sản phẩm thì may mắn này sẽ theo con tàu xuyên suốt cả năm”, ngư dân Hiếu chia sẻ.
Không ngoại lệ, những ngày này, Cảng cá Tam Quan ở thị xã Hoài Nhơn (Bình Định) cũng đầy ắp không khí phấn khởi bởi tàu cá nào cũng cập bờ cũng đầy ắp cá ngừ đại dương. Theo ông Nguyễn Chí Công, Phó Chủ tịch UBND thị xã Hoài Nhơn, hiện địa phương này có 2.350 tàu cá đánh bắt trên biển; trong đó, có 2.100 tàu đăng ký đánh bắt xa bờ, chủ yếu hành nghề câu cá ngừ đại dương và hành nghề lưới vây chuyên đánh bắt cá ngừ sọc dưa. Trong mùa trăng tháng Chạp vừa qua, có 500 tàu cá đánh bắt xa bờ cập bờ bán sản phẩm.
Theo ngư dân Hoài Nhơn, những năm trước đây, từ tháng 11 âm lịch đến tháng Chạp biển thường động vì mưa bão và áp thấp nhiệt đới xảy ra liên tục, nên hầu hết tàu cá đều neo bờ, ngư dân thất thu. Năm nay ít mưa bão nên ngư dân đi bạn cho các tàu cá bám biển đều đều, có thu nhập ổn định.
Không chỉ nghề đánh bắt cá ngừ sọc dưa trúng cá, nghề câu cá ngừ đại dương của ngư dân Bình Định trong chuyến biển cuối năm âm lịch cũng bội thu, bình quân mỗi tàu đánh bắt được 2,2 tấn, có tàu đánh bắt được cả 4 tấn. Hiện cá ngừ đại dương ở Bình Định có giá bình quân 100.000 - 110.000 đồng/kg, đây là mức giá cao nhất trong năm nay. Tàu đánh bắt được 2,2 tấn cá ngừ đại dương mỗi thuyền viên đi bạn sẽ có thu nhập 15 triệu đồng, hứa hẹn có cái Tết ấm áp với gia đình.
Ngư dân Phan Văn Điệp, chủ tàu cá mang số hiệu BĐ 95757-TS hành nghề lưới vây ở phường Hoài Thanh (thị xã Hoài Nhơn, Bình Định) vừa cập bờ chuyến biển cuối năm tại Cảng cá Quy Nhơn trong rằm tháng Chạp, phấn khởi cho hay: “Cá ngừ sọc dưa đánh bắt trong chuyến biển này bán được 31.000 - 32.000 đồng/kg, giảm so với chuyến biển trước 2.000 - 3.000 đồng/kg, nhưng đây vẫn là cái giá mơ ước của ngư dân. Hơn nữa, chuyến biển này tàu của tôi đánh bắt đạt sản lượng. Chuyến biển 15 ngày mà đánh bắt được 16 tấn cá ngừ sọc dưa, nên thuyền viên đi bạn được chia mỗi người 7 triệu đồng, anh em ai cũng phấn khởi vì rủng rỉnh tiền sắm Tết cho vợ con”.
Không chỉ có tàu cá của anh Điệp đánh bắt đạt sản lượng, chuyến biển của tàu cá BĐ 91376-TS do ngư dân Phạm Văn Đại làm chủ tàu kiêm thuyền trưởng ở phường Hải Cảng (thành phố Quy Nhơn, Bình Định) dài hơn chuyến biển của tàu anh Điệp 5 ngày; sau 20 ngày đánh bắt, tàu của anh Đại cũng đánh bắt được 17 tấn vừa cá ngừ sọc dưa vừa cá chù. Sau khi trừ phí tổn, mỗi thuyền viên đi bạn cho tàu anh Đại được nhận hơn 6 triệu đồng, hứa hẹn gia đình ngư dân nào cũng có cái Tết ấm áp, ra Giêng tiếp tục vươn khơi mở chuyến biển mới.
“Chuyến biển cuối năm trúng cá là tín hiệu vui cho chuyển biển đầu năm Giáp Thìn nên anh em thuyền viên ai cũng phấn khởi”, anh Đại chia sẻ.
Tuyên truyền ngư dân khai thác hải sản bền vững
Những năm qua, số lượng tàu cá ở Bình Định giảm đáng kể, nếu như trước đây tỉnh này có hơn 6.000 tàu cá đăng ký đánh bắt hải sản thì nay chỉ còn 5.331 chiếc. Trong đó, có 3.260 chiếc đăng ký đánh bắt vùng khơi, 846 chiếc đánh bắt vùng lộng và 1.225 chiếc đánh bắt vùng bờ.
Các nghề đánh bắt thủy sản chủ lực của ngư dân Bình Định là nghề câu cá ngừ đại dương và nghề lưới vây chuyên đánh bắt cá ngừ sọc dưa. Ngoài ra, ngư dân Bình Định còn làm các nghề khác như nghề mành chụp, câu mực, lưới rê, lưới kéo, tàu hậu cần nghề cá…
Trong năm 2023, nhờ thời tiết thuận lợi nên hầu hết tàu cá ở Bình Định đều kiên trì bám biển. Tổng sản lượng thủy sản khai thác trong năm 2023 đạt 273.000 tấn, tăng 3,17% so với năm 2022. Một số loài thủy sản đánh bắt có sản lượng tăng cao so cùng kỳ như: Cá ngừ tăng 15,05%, cá bạc má tăng 13,2%, cá hố tăng 16,4%. Trong đó, giá cá ngừ sọc dưa bình ổn từ 24.000 - 33.000 đồng/kg nên những tàu hành nghề lưới vây yên tâm vươn khơi bám biển sản xuất.
Mùa trăng tháng Chạp vừa qua, những tàu hành nghề lưới vây chuyên đánh bắt cá ngừ sọc dưa ra khơi vào cuối tháng 11 hoặc đầu tháng Chạp âm lịch lần lượt cập bờ, không ngờ chuyến biển cuối năm âm lịch đã cho ngư dân niềm vui lớn vì tàu nào cũng cá mực đầy khoang.
Thời gian qua, tỉnh Bình Định đã tập trung chỉ đạo triển khai các giải pháp chống khai thác IUU, xem đây là nhiệm vụ hàng đầu. Kết quả, công tác này có nhiều chuyển biến tích cực. Ngư dân đã ý thức được việc chấp hành các quy định của pháp luật khi khai thác thủy sản và có trách nhiệm hơn trong thực hiện các giải pháp tháo gỡ “thẻ vàng” của EC.
Hoạt động nghề đánh bắt hải sản với hơn 40 năm qua, ngư dân Đào Duy Phấn (thôn Phú Thứ, xã Mỹ Đức, huyện Phù Mỹ) chủ tàu cá BĐ 94897 TS cho biết, trước mỗi chuyến xuất bến ra khơi, ông đều phải kiểm tra lại các thiết bị giám sát hành trình và các giấy tờ đảm bảo điều kiện để vươn khơi đúng theo quy định của nhà nước. Từ khi Chính phủ có chủ trương lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá, tôi cũng như các ngư dân khác đều tuân thủ mọi quy định của Nhà nước với hi vọng góp một phần cùng với địa phương chấm dứt tình trạng tàu cá khai thác bất hợp pháp, sớm gỡ thẻ vàng EC của Châu Âu, để bà con ngư dân hoạt động sản xuất được thuận lợi, ông Phấn chia sẻ.
Còn ngư dân Trương Văn Đạt, xã Mỹ Đức là thuyền trưởng tàu cá BĐ 94612 TS hành nghề đánh bắt hải sản cũng hơn 30 năm cho hay: “để chấp hành tốt việc không vi phạm khai thác hải sản vùng biển nước ngoài, tàu cá của ông đã lắp đặt trang bị thiết bị giám sát hành trình và luôn tuân thủ mở máy 24/24h để không vi phạm quy định của nhà nước. Và nhờ có thiết bị giám sát hành trình tàu cá đã giúp cho hoạt động đánh bắt được thuận lợi không lo sợ xâm phạm lãnh thổ nước bạn”.
Trong thời gian tới, tỉnh Bình Định tiếp tục tập trung nguồn lực đảm bảo ngăn chặn, chấm dứt tàu cá, ngư dân địa phương vi phạm IUU; quản lý đội tàu và theo dõi, kiểm tra, kiểm soát hoạt động tàu cá; tổ chức tốt công tác xác nhận, chứng nhận nguồn gốc nguyên liệu thủy sản khai thác. Kiện toàn tổ chức bộ máy, bổ sung nguồn nhân lực và các nguồn lực vật chất khác cho các ban quản lý cảng cá, Chi cục Thủy sản, kiểm ngư, thanh tra. Tập trung củng cố lực lượng có thẩm quyền kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm khai thác bất hợp pháp theo đúng quy định của pháp luật./.