Những ngư dân Sa Huỳnh dạn dày sóng gió đưa con thuyền cưỡi sóng ra khơi. Thuở trước, họ lênh đênh trên những chiếc ghe câu khoan nhặt mái chèo, những chiếc thuyền buồm căng gió băng băng trên sóng nước. Đôi tay trần rám nắng buông lưới, thả câu cho thuyền cá đầy khoang khi về bến. Cá lấp lánh vảy bạc được chuyển vội lên bờ rồi tỏa đi các nơi, mang hương vị của biển cả vào trong bữa cơm gia đình. Cá tôm còn được ngư dân Sa Huỳnh phơi khô, chế biến thành món chả, món mắm… để ăn dần trong những ngày biển nổi phong ba và là vật phẩm trao đổi giữa đôi miền xuôi - ngược để nhận về những sản vật của núi rừng.
Sau bao đời vật lộn với sóng gió, giờ đây, ngư dân Sa Huỳnh vươn khơi trên những con tàu lớn với công suất hàng trăm mã lực. Họ vươn ra khơi xa tìm đàn cá lớn và là sự minh chứng về chủ quyền biển, đảo thân yêu của Tổ quốc mà cha ông họ đã bao đời gìn giữ. Sau những ngày lênh đênh trên biển, họ lại trở về với khoang thuyền đầy ắp cá tôm trong ánh mắt đợi chờ xen lẫn niềm vui khôn tả của những người mẹ, người vợ. Biển là người mẹ ban tặng cho họ cuộc sống ấm no, là mái nhà thân yêu dẫu nghìn trùng sóng gió và là nơi mưu sinh với bao nỗi nhọc nhằn. Sự ưu ái của biển đã tạo cho họ tính cách phóng khoáng trong đối nhân xử thế, tạo sự hòa hợp với cư dân các vùng miền.
Người dân cần mẫn “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”
Sa Huỳnh còn là một trong những vựa muối lớn ở miền Trung. Những ô ruộng muối phản chiếu lấp lánh dưới nắng như mời gọi lữ khách dừng chân thưởng lãm. Nắng và gió đã đúc tạc nên những diêm dân rắn rỏi với làn da đen bóng như đồng. Những đôi quang gánh nặng oằn vai với đôi chân bước nhanh thoăn thoắt, lưng áo đẫm mồ hôi, nhưng gương mặt của họ vẫn nở nụ cười đẹp rạng ngời trong nắng. Bao đời, họ “bán mặt cho muối - bán lưng cho trời” để làm ra những hạt muối trắng tinh khôi mang hương vị mặn mà của biển. Hạt muối mang nặng nghĩa tình của những mảnh đời cơ cực đến với mọi nhà cho cuộc đời thêm ý vị. Muối Sa Huỳnh giờ được công nhận thương hiệu là động lực để diêm dân an tâm gắn bó với ruộng muối, giúp sản phẩm vươn xa đến mọi miền.
Những thửa ruộng lúa chín vàng xen lẫn màu xanh của núi đồi đẹp tựa như tranh vẽ. Hạt lúa thấm đẫm mồ hôi của người nông dân hòa với hương vị của đại dương cùng núi đồi cho hạt gạo trắng như ngọc của đất trời. Nơi đây còn có giống lúa nếp ngự trứ danh mang tên nếp ngự Sa Huỳnh được cấy trồng trên những thửa ruộng ở thôn Đồng Vân. Những phong bánh nổ, đòn bánh tét được gói từ hạt nếp ngự nơi đây đã theo chân du khách gần xa, góp phần tạo nên “hương vị Sa Huỳnh” trong lòng bè bạn trong nước và quốc tế.
Hỡi khách lãng du! Hãy về Sa Huỳnh để tìm lại vết tích của người xưa! Tìm về gò Ma Vương để nghe tiếng thì thầm của những người đã yên nghỉ từ hàng nghìn năm trước vọng lên từ lòng đất. Những con sóng nào đã đưa thuyền, ghe của họ cập vào bờ? Những thửa ruộng nào đã được họ khai phá và con đường nào từng in dấu chân họ đi qua. Đến Sa Huỳnh để thưởng lãm “cát vàng - biển xanh” và được nghe tiếng sóng vỗ rì rầm kể lại chuyện từ hàng nghìn năm trước.
Và, dẫu có sự pha trộn theo thời gian, nhưng vùng đất Sa Huỳnh vẫn giữ được những nét đẹp văn hóa vốn có từ bao đời. Những tập tục, tín ngưỡng mang đậm bản chất của cư dân miền biển với những lễ hội cầu ngư, cúng thần Nam Hải, thờ phụng Thiên Y A Na và thờ cúng tổ tiên… Những bài văn tế, những điệu múa hát sắc bùa, hò bả trạo thể hiện sự thành kính đối với thánh thần và những bậc tiên tổ, cầu cho mưa thuận gió hòa, đánh bắt được nhiều cá tôm. Họ cũng luôn hướng đến điều thiện qua việc viếng chùa, thắp hương bái Phật cho gia đình yên vui, cuộc sống ngày càng no ấm…