*Đòn bẩy sản xuất công nghiệp
Trên 1.200 công nhân của Công ty TNHH MTV Pangrim Neotex, thành phố Việt Trì đã quay trở lại làm việc sau kỳ nghỉ dài nhất trong năm. Hầu hết các công nhân sau khi tiếp nhận vị trí sản xuất đều tập trung cao độ cho công việc, với quyết tâm duy trì dây chuyền sản xuất an toàn, liên tục để tạo ra sản phẩm tốt cho thị trường.
Chị Phan Thị Tuyết Mai, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty TNHH MTV Pangrim Neotex cho biết, năm 2021 trong tình hình khó khăn chung nhưng công ty vẫn nỗ lực đảm bảo thu nhập cho người lao động; thực hiện các quyền lợi cho người lao động đầy đủ và thưởng Tết cho người lao động, nên 100% công nhân đã trở lại làm việc ổn định.
Tại Công ty CP TTD Phú Thọ có trụ sở tại xã Trung Giáp, huyện Phù Ninh không còn tình trạng “nhảy” việc, nghỉ việc như mọi năm, sau những ngày nghỉ tết, đến nay 100% công nhân lao động của công ty đã đi làm trở lại sớm hơn thường ngày để có thời gian khai báo y tế cũng như thực hiện các biện pháp phòng, chống địch.
Anh Cao Minh Tiến, Giám đốc Công ty CP TTD Phú Thọ cho biết, để đảm bảo đơn hàng phục vụ khách hàng, ngày từ mùng 5 Tết, tốt cả công nhân của công ty đã đi làm trở lại và bắt nhịp với công việc rất nhanh. Nhờ thực hiện tốt mục tiêu kép “vừa chống dịch vừa sản xuất kinh doanh”, từ cuối năm 2021, công ty đã ký kết được hợp đồng, nhận đơn hàng đến hết quý II/2022. Việc sớm có đơn hàng và tinh thần lao động hăng say của công nhân là những tín hiệu vui, kỳ vọng vào một năm mới thắng lợi mới. Công ty phấn đấu sản xuất đạt trên hai triệu sản phẩm vào những tháng đầu của năm mới.
Ông Nguyễn Ngọc Hanh, Trưởng Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh cho biết, nhờ chuẩn bị tốt về nhân lực, nguyên liệu, đến nay gần 100% doanh nghiệp tại các khu, cụm công nghiệp đã hoạt động trở lại. Nhiều doanh nghiệp tuyển dụng thêm lao động phục vụ mở rộng quy mô sản xuất; đồng thời, nâng cao chất lượng sản phẩm để giữ vững lượng khách hàng truyền thống. Nhiều doanh nghiệp cũng đang tích cực nghiên cứu, mở rộng thị trường mới để tăng doanh thu, tìm kiếm hợp đồng tiêu thụ sản phẩm.
Để giúp doanh nghiệp đứng vững trước ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, tỉnh Phú Thọ cũng đang chỉ đạo ngành y tế đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng, đặc biệt ưu tiên bố trí tiêm vaccine phòng dịch COVID-19 cho người lao động trong các doanh nghiệp. Song song đó, giao Sở Giao thông Vận tải và Sở Công Thương tiếp tục nắm bắt tình hình thực tế, có biện pháp phối hợp với các địa phương thực hiện tốt các nội dung liên quan đến vận tải, dịch vụ theo quy định, tránh tình trạng ách tắc, đứt gãy chuỗi cung ứng, vận chuyển hàng hóa.
Phú Thọ cũng giao cho Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông đề xuất triển khai hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp; nghiên cứu thiết lập trang thông tin chung, tiếp nhận phản ánh, ý kiến của doanh nghiệp để kịp thời giải đáp và tháo gỡ. Cùng đó, giao Sở Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp với UBND các huyện, thành, thị rà soát, thống kê, chỉ đạo các đơn vị liên quan hỗ trợ tuyển dụng, giải quyết việc làm cho lao động trở về tỉnh do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, bảo đảm an sinh xã hội.
Mặt khác, Phú Thọ cũng tiếp tục đẩy mạnh triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh như hỗ trợ giải quyết thủ tục thông quan cho doanh nghiệp; gia hạn nợ thuế, miễn, giảm tiền thuế, tiền thuê đất; miễn giảm tiền lãi, cơ cấu lại các khoản nợ vay; giảm tiền điện, nước, viễn thông cho doanh nghiệp.
*Đảm bảo vụ Xuân thắng lợi
Không còn quan niệm “Tháng Giêng là tháng ăn chơi”, nhiều bà con ở các huyện như Hạ Hòa, Thanh Ba, Tân Sơn, Thanh Sơn, Thanh Thủy, Đoan Hùng, Yên Lập… đã tranh thủ xuống đồng làm đất, chăm sóc mạ, chuẩn bị cấy nốt những thửa ruộng gần như cuối cùng của trà Xuân muộn.
Vụ Xuân năm nay do thời tiết rét đậm kéo dài, thậm chí có những ngày nhiệt độ xuống dưới 15 độ C, nhiều địa phương đã hướng dẫn bà con chủ động lấy nước đổ ải, bừa mượt từ trước Tết nên đến nay tỉnh Phú Thọ đã làm đất được 34.950/35.670 ha đất lúa vụ Xuân, diện tích lúa đã cấy đạt trên 60% kế hoạch. Đối với các loại cây trồng màu, diện tích ngô đã trồng trên 1.380 ha; rau các loại 1.710 ha; lạc 190 ha. Qua hai đợt lấy nước, diện tích đã lấy đủ nước đạt gần 90% kế hoạch gieo cấy.
Ông Trần Tú Anh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cho biết, để đảm bảo cho vụ Xuân đạt kết quả tốt, làm tiền đề cho những vụ sản xuất sau, đơn vị đã phối hợp với các huyện, thành, thị để chỉ đạo bà con nông dân tiếp tục hoàn thành việc gieo cấy diện tích còn lại đúng khung thời vụ. Đối với những diện tích đã cấy xong, đơn vị hướng dẫn và khuyến cáo bà con chủ động thực hiện các biện pháp chống rét cho lúa; tiến hành bón thúc đợt một. Đặc biệt, đơn vị đang theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, kiên quyết chỉ đạo bà con không cấy lúa, bón thúc trong những ngày nhiệt độ trung bình ngoài trời dưới 15 độ C.
Theo kế hoạch, vụ lúa Xuân năm 2022 toàn tỉnh gieo cấy 35.670 ha; trong đó, tập trung chủ yếu trà lúa Xuân muộn hơn 98% diện tích. Hiện nay, đơn vị ở đang tăng cương chỉ đạo các địa phương tâp trung gieo cấy hết diện tích theo kế hoạch, tránh tình trạng bỏ ruộng, bỏ vụ; đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát huy hiệu quả các cây trồng thế mạnh của địa phương, phát triển các mô hình sản xuất gắn với thị trường tiêu thụ, nâng cao hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích. Tỉnh khuyến khích tích tụ, tập trung đất đai, hình thành các vùng sản xuất tập trung áp dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất./.