Phát triển xuất khẩu nông sản thông qua các thị trường ngách

Ngoài việc tập trung xuất khẩu vào các thị trường truyền thống, thì thị trường ngách, thị trường mới là cơ hội để doanh nghiệp nông sản gia tăng xuất khẩu.
cay-ca-phe-1711533514.jpg
Nhiều cơ hội xuất khẩu cà phê sang thị trường Tunisia. Ảnh minh họa

Theo Thương vụ Việt Nam tại Algeria, mặc dù là một quốc gia nhỏ tại Bắc Phi với diện tích 163.610km2, dân số khoảng 12,5 triệu người, song Tunisia là một trong những nền kinh tế năng động, cạnh tranh nhất khu vực châu Phi-Arab, hội nhập quốc tế sâu rộng, có vị trí thuận lợi gần châu Âu (cách 140km). Bên cạnh đó, Tunisia đã tham gia 8 hiệp định thương mại tự do (FTA) đa phương và song phương. Do vậy, đây có thể xem là cửa ngõ để hàng hóa các nước, trong đó có Việt Nam, thâm nhập thị trường châu Phi, Ả rập, nhất là khu vực Bắc Phi.

Mỗi năm, Tunisia có nhu cầu mua 30.000 tấn cà phê thô (chủ yếu là robusta) và 30.000 tấn gạo. Các mặt hàng cơ bản như gạo, đường, cà phê thô và chè xanh do Cục Thương mại Tunisia độc quyền nhập khẩu thông qua đấu thầu quốc tế.

Năm 2022, trao đổi thương mại giữa Việt Nam và Tunisia đạt khoảng 66 triệu USD và trong 9 tháng đầu năm 2023, đã có sự tăng trưởng mạnh, đạt gần 70 triệu USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu các mặt hàng như cà phê thô, hạt tiêu, hạt điều, thủy sản, máy móc trang thiết bị, dao cạo, vải sợi… và nhập khẩu hải sản, chà là, hóa chất, đồ nhựa, quần áo, nguyên liệu làm thức ăn gia súc…

Riêng mặt hàng cà phê, theo số liệu của Trung tâm thương mại quốc tế (ITC), Việt Nam đã xuất khẩu cà phê nhân xanh sang Tunisia với kim ngạch 29,4 triệu USD năm 2021 và 22,7 triệu USD năm 2022.

gao-1711533443.jpg
Senegal được đánh giá là thị trường giàu tiềm năng cho xuất khẩu gạo. Ảnh minh họa

Bên cạnh đó, Senegal cũng được đánh giá là thị trường giàu tiềm năng cho xuất khẩu gạo. Theo Thương vụ Việt Nam tại Algeria kiêm nhiệm Senegal, đây là thị trường tiêu thụ nhiều gạo với khối lượng nhập khẩu từ 900.000 đến 1 triệu tấn, chủ yếu là gạo tấm 100% giá rẻ.

Năm 2023, xuất khẩu gạo của Việt Nam sang thị trường này đạt 12.392 tấn, kim ngạch đạt 5,35 triệu USD (tăng 215%). Trong 2 tháng đầu năm nay, số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam cho thấy, Việt Nam đã xuất khẩu sang Senegal 414 tấn gạo, kim ngạch đạt 307.820 USD.

Trong bối cảnh nguồn cung khan hiếm và Senegal đang chuẩn bị cho cuộc bầu cử tổng thống vào năm 2024, khả năng nước này sẽ tăng cường nhập khẩu gạo tấm từ châu Á. Trên thực tế, ngành trồng lúa nước của Senegal chỉ đáp ứng được từ 25 - 30% nhu cầu của nước này nên việc nhập khẩu là tất yếu.

Được biết, ngoài phục vụ thị trường trong nước hơn 18 triệu dân, Senegal còn nhập khẩu gạo để tái xuất sang các nước láng giềng như: Mauritania, Guinea-Bissau và Gambia.

Tuy nhiên, để xuất khẩu vào thị trường này, gạo Việt Nam phải cạnh tranh gay gắt về giá với gạo Ấn Độ, Thái Lan, Pakistan và Tây Ban Nha. Hơn nữa xuất khẩu gạo sang Senegal nói riêng và châu Phi nói chung vẫn phần lớn thực hiện qua trung gian là thương nhân châu Âu hoặc Trung Đông. Do đó, để gia tăng xuất khẩu gạo sang Senegal, thương vụ khuyến nghị doanh nghiệp cần có giá xuất khẩu hợp lý vì giá gạo các nước như Ấn Độ, Pakistan và Thái Lan hiện tại cạnh tranh hơn về giá.

Ngoài ra, với thị trường Senegal, bên cạnh yếu tố giá rẻ thì cần nắm được nhu cầu tiêu thụ của người dân nước này là gạo 100% tấm. Theo thương vụ, doanh nghiệp Việt Nam nên tính đến hướng mở kho ngoại quan, hợp tác đầu tư sản xuất, chế biến lúa gạo tại các thị trường này./.

Đông Nghi