Lo thị trường biến động, doanh nghiệp cà phê chỉ sản xuất cầm chừng

Năm 2023 được đánh giá là năm thành công của cà phê Việt Nam khi giá xuất khẩu tăng kỷ lục, đem lại niềm vui cho người trồng cà phê. Tuy nhiên, khi bước sang năm 2024, nhiều doanh nghiệp lo lắng mặt hàng nông sản này có nhiều biến động thị trường và cả những tiêu chuẩn xuất khẩu mới phải tuân thủ.
ca-phe-xuat-khau-01-1706407227.jpg
Giá cà phê hiện tại cao khoảng gấp rưỡi niên vụ trước, đã mang lại niềm vui cho người trồng cà phê Tây Nguyên. (Ảnh minh họa)

Nông dân lo bán "hớ", doanh nghiệp chỉ cầm chừng

Giá cà phê hiện tại cao khoảng gấp rưỡi niên vụ trước, đã mang lại cú hích đáng kể để các tỉnh Tây Nguyên cải thiện tình hình kinh tế - xã hội, nâng cao thu nhập của người dân. Tuy nhiên, với người kinh doanh cà phê, đây là niên vụ đầy thách thức, vì giá mua-bán cà phê biến động khó lường, rủi ro luôn rình rập. Đảm bảo hoạt động kinh doanh vụ này là rất khó. Một số doanh nghiệp nhỏ chỉ dám kinh doanh cầm chừng, còn nông dân lại thấp thỏm vì bán ngay lo giá tiếp tục lên, còn giữ lại thì lo giá sẽ giảm nhiều.

Ông Nguyễn Trọng Ngọc có DN kinh doanh cà phê lâu năm ở huyện Krông Pắk (tỉnh Đắk Lắk) cho biết, năm ngoái, thời điểm cận Tết dương lịch, DN của ông đã thu mua gần 600 tấn cà phê nhân, tổng tiền vốn huy động khoảng 24 tỷ đồng. Niên vụ năm 2023 – 2024 này, dù cà phê trong dân rất nhiều, tiền vốn không thiếu, nhưng DN mới chỉ thu mua rất ít.

Theo ông Ngọc, một phần nguyên nhân là người dân có tâm lý găm hàng chờ giá tăng, phần khác là giá cà phê biến động với biên độ lớn, DN cảm nhận được nhiều rủi ro. Cụ thể, từ cuối tháng 8 đến đầu tháng 12, cà phê có những mạch tăng giá 7 ngày liên tiếp, nhưng cũng có mạch giảm giá 1 tháng liên tiếp, có ngày giảm đột ngột tới 7 triệu đồng/1 tấn.

Trong tháng 12 vừa qua, giá cà phê cơ bản giữ mức tăng, có lúc lên gần 70 triệu đồng/tấn, nhưng đầu tháng 1 lại trong xu thế giảm và hiện lại đang tăng. Ông Ngọc cho rằng, trong lúc thị trường lên xuống thất thường như hiện nay, ông bằng lòng với trạng thái mua bán cầm chừng.

“Cà phê rất nhạy cảm và rủi ro, có thể giá xuống bất chợt DN sẽ lỗ. Nếu theo giá thị trường giữ DN sẽ lãi một chút không sẽ hòa vốn. Nói chung kinh doanh cà phê theo từng giai đoạn thị trường và theo cảm nhận của mỗi DN, mua trước bán sau nên tuân theo quy luật thị trường”, ông Ngọc chia sẻ.

ca-phe-xuat-khau-04-1706407268.jpg
Toàn tỉnh Đắk Lắk hiện có 213.000 ha cà phê, sản lượng niên vụ 2023 – 2024 này ước đạt 580.000 tấn cà phê. (Ảnh minh họa)

Giá cà phê tăng-giảm với biên độ lớn không chỉ thử thách DN. Nhiều nông dân cà phê cũng bị rối trí, không biết nên bán ngay hay tiếp tục chờ sản phẩm tiếp tục lên giá.

Bà Nguyễn Thị Nguyệt ở xã Ea Yông, huyện Krông Pắk có 2.900 cây cà phê trồng xen sầu riêng. Mấy năm nay sầu riêng trúng mùa nên gia đình có điều kiện để chờ cà phê lên giá, nhưng chưa khi nào bà bán được cà phê đúng vào thời điểm giá tốt.

“Năm 2021 – 2022 cà phê nhà trồng bán giá 35.000 đồng/kg vì khi đó gia đình cần tiền. Nhưng cũng năm đó có thời điểm giá cà phê lên cao tới 48.000 – 49.000 đồng/kg và cứ nghĩ giá sẽ tăng nữa nhưng lại hạ, nên khi bán rẻ tiếc cũng phải chịu. Còn năm 2022 – 2023 gia đình cũng chờ giá lên đến 69.000 – 70.000 đồng/kg và nghĩ sẽ tăng nữa mới bán, nhưng giá lại hạ xuống 65.000 đồng/kg và do cần tiền lại phải bán. Vụ năm nay gia đình chưa vội chốt, để tính toán lại và chờ giá có lên nữa không. Cần tiền đến đâu sẽ bán tới đó, giá lên thì chờ, giá xuống đành chấp nhận”, bà Nguyệt tính toán.

Toàn tỉnh Đắk Lắk hiện có 213.000 ha cà phê, sản lượng niên vụ 2023 – 2024 này ước đạt 580.000 tấn cà phê. Sản lượng cả phê xuất khẩu của tỉnh dự kiến nằm ở mức 330.000 tấn. Nếu mức giá ở mức cao như hiện nay và biến động nhẹ trong thời gian tới, kim ngạch xuất khẩu cà phê có thể đạt tới 900 triệu USD.

Cà phê Việt đối mặt với những thách thức mới

Trong báo cáo xuất khẩu cuối năm 2023, Tổng cục Hải quan cho biết, kim ngạch xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt 4,24 tỷ USD, tăng 4,6% so với năm 2022 và là mức cao nhất từ trước đến nay. Đây cũng là năm thứ hai liên tiếp giá trị xuất khẩu cà phê của nước ta vượt 4 tỷ USD.

Dù kim ngạch đạt kỷ lục nhưng năm qua Việt Nam chỉ xuất đi 1,62 triệu tấn cà phê (tương đương 27,05 triệu bao), giảm 8,7% so với năm trước. Cho nên, kết quả này là nhờ giá Robusta trên thế giới và giá cà phê nội địa ở mức cao.

Trong những ngày đầu năm 2024, giá cà phê liên tục tăng cao là lợi thế với các nước xuất khẩu như Việt Nam. Theo ghi nhận từ MXV, giá Robusta hợp đồng tháng một kết phiên 16/1 ở mức 3.435 USD/tấn, thiết lập mức đỉnh mới trong 28 năm. Cùng với đó, giá cà phê nhân xô tại Việt Nam cũng xác lập kỷ lục với mức giá hiện đã vượt mốc 72.000 đồng/kg.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, các chuyên gia cũng nhận định về thách thức của cà phê Việt trên thị trường xuất khẩu. Theo Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV), tình hình căng thẳng trên Biển Đỏ đang khiến giá cước vận chuyển cà phê Robusta từ các quốc gia châu Á sang thị trường tiêu thụ như Mỹ và châu Âu tăng khoảng 56% so với thời điểm trước xung đột, thời gian vận chuyển cũng bị kéo dài.

Trước bối cảnh này, giới chuyên gia nhận định xuất khẩu cà phê trong quý I/2024 từ các quốc gia sản xuất lớn tại châu Á như Việt Nam, Indonesia và Ấn Độ có thể giảm 36% so với bình thường.

Đánh giá về sản xuất và thị trường cà phê xuất khẩu hiện nay, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, Việt Nam đang là nước xuất khẩu cà phê lớn thứ 2 thế giới nhưng kim ngạch khoảng 3,5-4 tỷ USD là con số còn hạn chế.

Sản xuất cà phê trong nước đối diện nhiều khó khăn khi diện tích ngày một giảm, sự chuyển dịch trồng cà phê chất lượng chưa đạt yêu cầu. Lượng cà phê xuất khẩu dù có sự chuyển dịch sang sản phẩm chế biến song tỷ lệ còn nhỏ - chiếm chưa đến 10% tổng sản lượng, chủ yếu tiêu thụ trong nước. Hơn nữa, các vùng trồng cà phê Việt Nam cần tuân thủ các quy định mới xuất khẩu tại nhiều thị trường.

ca-phe-xuat-khau-02-1706407193.jpg
Sản xuất cà phê trong nước đối diện nhiều khó khăn khi diện tích ngày một giảm, sự chuyển dịch trồng cà phê chất lượng còn hạn chế. (Ảnh minh họa)

Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam dự báo, niên vụ cà 2023-2024 thu hoạch muộn hơn niên vụ trước. Một số địa phương như: Gia Lai, Kon Tum, Sơn La sẽ thu hoạch sớm hơn vào cuối tháng 10, đầu tháng 11, thu hoạch rộ cuối tháng 12-2023. “Dù giá đang cao nhưng ngành hàng cà phê sẽ gặp những khó khăn nhất định như diện tích suy giảm, chịu ảnh hưởng bởi quy định mới từ châu Âu...”, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam Đỗ Hà Nam chia sẻ.

Các chuyên gia cho rằng, cùng với tái canh cây cà phê, khảo sát và bảo đảm diện tích nguyên liệu cho cà phê xuất khẩu thì các vùng trồng cà phê phải tuân thủ quy định chống phá rừng và suy thoái rừng từ châu Âu.

Thực tế, nhiều vùng trồng cà phê của Việt Nam đang chủ động tái canh, đưa các giống cà phê chất lượng, năng suất tốt vào chế biến. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, Bộ cùng các địa phương có diện tích trồng cà phê lớn tiến hành khảo sát, quy hoạch vùng gắn với định danh vùng trồng, bảo đảm tiêu chuẩn xuất khẩu từ quá trình gieo trồng.

Bộ cũng sẽ cùng các bộ, ngành, địa phương kiến nghị Chính phủ hỗ trợ về sản xuất, đặc biệt là xây dựng nhà máy chế biến cà phê tại các vùng trồng. Mục tiêu đề ra từ nay đến năm 2025, cả nước sẽ tái canh 75.000ha, ghép cải tạo 32.000ha cà phê, trong đó cà phê Arabica chiếm khoảng 20% tổng diện tích. Ngoài ra, hầu hết diện tích cà phê tái canh được trồng bằng giống mới có năng suất cao và chất lượng vượt trội./.

Bình Nguyên