Cà phê của Việt Nam được ưa chuộng tại Algeria, có thêm triển vọng xuất khẩu

Ngày giới thiệu các sản phẩm cà phê của Việt Nam được tổ chức tại thủ đô Algiers đã thu hút người tiêu dùng và đại diện các doanh nghiệp nhập khẩu. Algeria được đánh giá là một trong những thị trường tiêu thụ cà phê lớn, với mức nhập khẩu trung bình 130.000 tấn cà phê hạt/năm, kim ngạch trên 300 triệu USD.
ca-phe-xuat-khau-01-1709427852.jpg
Khu vực gian hàng giới thiệu và dùng thử cà phê Việt Nam tại trung tâm Thương mại Bab Ezzouar tại thủ đô Algiers.(Ảnh minh họa)

Chiều 2/3, Thương vụ Việt Nam tại Algeria đã phối hợp với Trung tâm Thương mại Bab Ezzouar tại thủ đô Algiers tổ chức Ngày giới thiệu các sản phẩm cà phê của Việt Nam. Bab Ezzouar là trung tâm thương mại lớn nhất Algeria với 45.000m2 làm cửa hàng, 20.000m2 văn phòng và 1 đại siêu thị UNO diện tích 7.200m2.

Tham dự sự kiện năm nay, ngoài khách hàng, người tiêu dùng còn có đại diện các doanh nghiệp nhập khẩu của Algeria. Khách tham quan, người tiêu dùng địa phương đã có dịp tìm hiểu thông tin về càphê của Việt Nam, nghe trình bày về cách thức chế biến cũng như được thưởng thức sản phẩm.

Nhân dịp này, Thương vụ cũng trưng bày catalogue, hàng mẫu của các doanh nghiệp Việt Nam và kết nối với khách hàng. Algeria được đánh giá là một trong những thị trường tiêu thụ cà phê lớn, với mức nhập khẩu trung bình 130.000 tấn càphê hạt/năm, kim ngạch trên 300 triệu USD, trong đó cà phê nhân xanh Robusta của Việt Nam thường chiếm từ 25-30% thị phần.

Các khách hàng địa phương sau khi dùng thử cà phê Việt Nam đều có cảm nhận tốt và đánh giá cao hương vị cũng như chất lượng sản phẩm. Rất nhiều khách hàng bày tỏ mong muốn được mua trực tiếp tại Algeria các loại cà phê hòa tan, cà phê nguyên chất của các thương hiệu nổi tiếng Việt Nam. Một số nhà nhập khẩu cho biết sẽ đến Việt Nam gặp gỡ đối tác ngay sau tháng Ramadan (khoảng giữa tháng 4/2024).

Đây là sự kiện quảng bá hàng Việt Nam thứ hai của Thương vụ tại hệ thống phân phối lớn của Algeria sau lần đầu tổ chức giới thiệu hai sản phẩm cà phê và cá tra, ba sa ở đại siêu thị Carrefour vào tháng 12/2023.

ca-phe-xuat-khau-02-1709427891.jpg
Algeria nằm trong danh sách 10 thị trường xuất khẩu cà phê thô lớn nhất của Việt Nam. (Ảnh minh họa)

Algeria là quốc gia không trồng cà phê nên phải nhập khẩu 100% để phục vụ nhu cầu trong nước. Cà phê cũng là đồ uống ưa chuộng nhất của người Algeria. Với dân số hơn 46 triệu người, mỗi năm, Algeria nhập khẩu khoảng 130.000 tấn cà phê hạt các loại với trị giá khoảng 300 triệu USD. Cà phê được nhập khẩu dưới dạng thô (hạt) và được các nhà nhập khẩu Algeria rang xay, chế biến tại các nhà máy theo thị hiếu của người tiêu dùng Algeria và chính sách nhập khẩu của nước này. Chủng loại cà phê Robusta chiếm phần lớn tỷ trọng trong tổng kim ngạch nhập khẩu cà phê của Algeria (trên 85%), còn lại là cà phê Arabica. Tổng thuế và phí nhập khẩu cà phê vào Algeria là 63%.

Hiện Algeria nằm trong danh sách 10 thị trường xuất khẩu cà phê thô lớn nhất của Việt Nam. Cà phê của Việt Nam chiếm từ 30-50% thị phần cà phê nhập khẩu của Algeria. Từ nhiều năm qua, cà phê cũng là mặt hàng xuất khẩu số 1 của Việt Nam sang Algeria, thường chiếm trên 60% tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa của nước ta vào thị trường này.

Những nước xuất khẩu cà phê chủ yếu cho Algeria là Việt Nam, Brazil, Colombia, Indonesia , Côte d’Ivoire, Ethiopia và Uganda. Tham tán thương mại Việt Nam tại Algeria Hoàng Đức Nhuận đánh giá cà phê Việt Nam vẫn còn dư địa xuất khẩu sang Algeria do được doanh nghiệp nhập khẩu và người tiêu dùng đánh giá cao về chất lượng, hương vị.

Ngoài Algeria, cà phê thô của Việt Nam còn có nhiều tiềm năng mở rộng thị phần tại các nước châu Phi khác, nhất là khu vực Bắc Phi như Ai Cập, Libya, Morocco, Tunisia. Chính sách của các nước Bắc Phi là nhập khẩu cà phê thô, cà phê nhân xanh để rang xay, chế biến trong nước cho phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng bản địa và nâng cao giá trị gia tăng, đồng thời tạo việc làm cho người dân. Mặt khác, nhà nhập khẩu thường tìm mua cà phê thô sàng (cỡ) 16 hoặc 18 có giá bán phải chăng, ngang bằng hoặc thấp hơn so với giá bán của các trung gian quốc tế./.

Bình Nguyên