Phát triển logistics vùng kinh tế trọng điểm phía Nam để thúc đẩy xuất nhập khẩu

Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam gồm: TP.HCM, Bình Phước, Tây Ninh, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Long An, Tiền Giang đóng góp khoảng 45% vào kinh tế đất nước. Chính phủ đã có định hướng phát triển đối với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam là tập trung vào sản xuất, lắp ráp các sản phẩm điện, điện tử; công nghiệp chế biến chế tạo; kinh tế số; tài chính ngân hàng; bất động sản. Cho nên, phát triển logistics cần được chú trọng nhiều hơn nữa để thúc đẩy xuất nhập khẩu.

Theo đó, để nhận diện thực trạng, đặc biệt là những hạn chế, “điểm nghẽn”, cũng như tìm giải pháp hay thúc đẩy phát triển dịch vụ logistics vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, được sự đồng ý của Tổng cục Hải quan, ngày 06/4, Tạp chí Hải quan đã tổ chức buổi Tọa đàm “Phát triển logistics vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, thúc đẩy xuất nhập khẩu hàng hóa”.

Ngành logistics được ví như “mạch máu” của nền kinh tế quốc dân, nó có vai trò quan trọng trong việc hình thành năng lực sản xuất mới gắn với khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và kết nối, hỗ trợ, thúc đẩy các ngành kinh tế phát triển, nâng cao khả năng tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Hoạt động logistics vùng kinh tế trọng điểm phía Nam trong những năm qua đã có nhiều đóng góp cho phát triển kinh tế của vùng cũng như cả nước. Nền kinh tế nước ta đã có độ mở rất cao, việc phát triển nâng cấp hệ thống dịch vụ logistics là vấn đề then chốt, là xu thế tất yếu để thúc đẩy nhanh tốc độ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đảm bảo phát triển kinh tế nhanh và bền vững.

Trong những năm qua, ngành Hải quan nói chung và các Cục Hải quan vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói riêng đã chủ động có nhiều giải pháp hỗ trợ, đồng hành với các doanh nghiệp dịch vụ logistics để thúc đẩy hoạt động thương mại. Nhiều năm qua, ngành Hải quan ở phạm vi Trung ương và các cục Hải quan tỉnh, thành phố đều ban hành và triển khai Kế hoạch “Phát triển quan hệ đối tác Hải quan - Doanh nghiệp” trong đó bao gồm cả các doanh nghiệp xuất nhập khẩu và doanh nghiệp dịch vụ logistics.

Việc hỗ trợ, hợp tác của cơ quan Hải quan với các hiệp hội và doanh nghiệp logistics trong việc cung cấp thông tin, chính sách, quy định pháp luật liên quan đến thủ tục hải quan và chính sách xuất nhập khẩu một cách thường xuyên, kịp thời cũng như trong việc đào tạo, huấn luyện cho nhân viên Đại lý làm thủ tục hải quan nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, tạo dựng được uy tín để thu hút các doanh nghiệp xuất nhập khẩu tăng khả năng cạnh tranh trong khu vực. Tuy vậy, vẫn còn những hạn chế, "điểm nghẽn" kìm chế sự phát triển logistics của vùng chưa tương xứng. 

logistics-viet-nam-1680794807.jpeg
Phát triển logistics vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, thúc đẩy xuất nhập khẩu hàng hóa. Ảnh minh họa

Đánh giá về thực trạng logistics vùng kinh tế trọng điểm phía Nam tại tọa đàm, ông Đặng Vũ Thành, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam cho biết, Chính phủ đã có định hướng phát triển đối với vùng kinh tế trong điểm phía Nam là tập trung vào sản xuất, lắp ráp các sản phẩm điện, điện tử; công nghiệp chế biến chế tạo; kinh tế số; tài chính ngân hàng; bất động sản. Do đó việc phát triển ngành logistics cần đi đôi và song hành với sự phát triển của khu vực và đáp ứng cho hoạt động giao nhận vận chuyển xuyên suốt.

Bên cạnh đó, trong Đề án phát triển ngành logistics trên địa bàn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, TP.HCM xây dựng chiến lược phát triển logistics trở thành ngành dịch vụ mũi nhọn của thành phố, chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong cơ cấu GRDP; nâng cao vai trò đầu mối giao lưu hàng hóa trong nước và kết nối thị trường trong nước với thị trường quốc tế; góp phần kéo giảm tỷ lệ chi phí logistics cả nước so với GDP quốc gia đến năm 2025 khoảng 10 đến 15%.

"Tuy nhiên, hạ tầng giao thông tại TP.HCM nói riêng và cả vùng Ðông Nam Bộ nói chung thiếu tính kết nối, thiếu đồng bộ, gây tắc nghẽn trong vận chuyển hàng hóa, làm tăng chi phí về logistics của các doanh nghiệp. Do vậy, để ngành logistics phát huy đúng với tiềm năng, thế mạnh, cần sớm có các dự án nạo vét hệ thống kênh rạch để thu hút sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ. Bên cạnh đó, Chính phủ cần có chính sách kêu gọi và hỗ trợ đầu tư trung tâm logistics. Ngoài ra, sự thiếu hụt về nguồn nhân lực chất lượng cao về logistics cũng đang là rào cản khiến cho hoạt động này chưa thật sự phát triển", ông Thành nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, ông Đỗ Xuân Minh, Giám đốc Trung tâm dịch vụ Logistics,Tổng Công ty Tân cảng Sài Gòn cho rằng, để tạo thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu cần phát triển theo hướng vận tải xanh. Theo đó, cần xem xét miễn phí cơ sở hạ tầng tại TPHCM đối với phương thức vận tải bằng đường thủy, các hệ thống bến cảng thủy nội địa, thúc đẩy tính liên kết vùng, liên kết giữa các tỉnh, thành phố có thuận lợi kết nối bằng đường thủy nội địa.

Đồng thời, xây dựng các chính sách để hỗ trợ quá trình phát triển cảng thương mại tự do, trong đó có miễn thuế và tạo điều kiện thuận lợi cho các thương nhân và nhà đầu tư. Thiết lập hệ thống công nghệ thông tin kết nối với các cảng hiện hữu và dữ liệu của hải quan để đảm bảo kiểm soát hàng hóa trong cảng thương mại tự do hoàn toàn chính xác. Có lộ trình thu hút đầu tư, kinh doanh bao gồm cả hàng hóa trung chuyển, quá cảnh với "thuế quan bằng 0%, thuế suất thấp và hệ thống thuế đơn giản" nhằm thúc đẩy dòng thương mại, đầu tư, vốn và nguồn nhân lực xuyên biên giới thuận tiện hơn, cũng như an toàn và an ninh thông tin, dữ liệu./.

Hương Lan