Sự tăng trưởng của kinh tế Việt Nam, đặc biệt là xuất nhập khẩu những năm qua mang đến tiềm năng lớn. Theo bảng xếp hạng của Agility 2022, thị trường logistics Việt Nam được xếp hạng thứ 11 trong nhóm 50 thị trường logistics mới nổi toàn cầu. Tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) giai đoạn 2022 - 2027 của thị trường logistics Việt Nam được dự báo đạt mức 5,5%, song hành cùng với sự phục hồi mạnh mẽ của cả nền kinh tế sau đại dịch Covid-19.
Theo Bộ Công Thương, Việt Nam hiện là quốc gia đứng đầu trong các nước ASEAN về số lượng doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics được Cơ quan quản lý hoạt động hàng hải của Mỹ (FMC) cấp phép. Số lượng và chất lượng dịch vụ logistics được nâng cao, qua đó giúp xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ chiếm tỷ lệ ngày càng cao so với quy mô GDP, tăng từ 72,9% năm 2015 lên 93,3% năm 2021. Khối lượng vận tải hàng hóa của Việt Nam liên tục tăng ở mức mức cao trong giai đoạn từ 2015 tới nay, bình quân khoảng 17%/năm, từ mức 1,15 tỷ tấn (2015) lên 1,64 tỷ tấn (2021); Khối lượng hàng hóa luân chuyển tăng khoảng trên 30%, từ mức 230 tỷ tấn.km (2015) lên 303 tỷ tấn.km (2021). Đóng góp trực tiếp của lĩnh vực logistics vào GDP hàng năm ở mức 4 - 5%.
Chia sẻ về vấn đề này, tại Diễn đàn Logistics Việt Nam 2022, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh cho biết, bên cạnh những thành tựu đạt được vẫn còn nhiều tồn tại, căn bệnh kinh niên là chi phí logistics của chúng ta vẫn ở mức cao, đặc biệt câu chuyện của chúng ta là sự kết nối doanh nghiệp logistics với nhau và vai trò dẫn đắt nội địa chưa được hình thành, đảm bảo.
Hoạt động kết nối doanh nghiệp logisitcs và chủ hàng chưa lớn, chưa toàn diện, việc phát triển vận tải đa phương thức cũng diễn ra chậm, ứng dụng khoa học công nghệ chưa theo kịp theo yêu cầu, cơ sở hạ tầng thiếu đồng bộ, chuyển đổi số của doanh nghiệp chưa đáp ứng được nhu cầu về mặt công nghệ, bên cạnh đó ô nhiễm môi trường lượng phát thải khí nhà kính ngành vận tải gia tăng làm hạn chế sự phát triển logistics xanh.
Nhiệm vụ đặt ra là làm sao tiếp tục có tư duy thống nhất, đảm bảo vai trò logistics trong chuỗi cung ứng hàng hóa dịch vụ toàn cầu khi mà địa chính trị, xung đột vũ trang, có tính thường xuyên không dự báo được. Câu chuyện là chúng ta phải khẳng định mình qua chất lượng, tiến vào thị trường và khẳng định chuỗi cung ứng quan trọng - Trưởng ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh.
Cũng theo các chuyên gia, ngành logistics đang đứng trước nhiều thay đổi của thị trường, nhu cầu vận tải được dự báo tăng lên trong những năm tới, đi cùng đó là sự đổ bộ của các nhà vận tải quốc tế với hình thức vận chuyển mới, ứng dụng công nghệ số hiện đại…
Do đó, liên kết đủ mạnh sẽ giúp mỗi doanh nghiệp phát huy được lợi thế riêng biệt trong chuỗi cung ứng toàn diện, từ đó nâng cao sức cạnh tranh ở thị trường quốc tế. Cần hình thành được các “sếu đầu đàn” trong ngành logistics, tạo động lực kết nối thêm nhiều doanh nghiệp quy mô nhỏ hơn tham gia hợp tác ở một số dịch vụ cụ thể và hỗ trợ phát triển chuỗi cung ứng.
Bên cạnh đó, cần chú trọng vào đẩy mạnh đào tạo logistics ở bậc đại học, nâng cao số lượng và chất lượng giảng viên về logistics, kết nối các tổ chức đào tạo, doanh nghiệp logistics Việt Nam với các tổ chức đào tạo nước ngoài. Đặc biệt, cần tăng cường hợp tác giữa nhà trường với nhà trường, nhà trường với doanh nghiệp để gắn hoạt động đào tạo, thực hành, thực tập, tuyển dụng với thực tiễn một cách thực chất và tăng cường vai trò dẫn dắt của doanh nghiệp với hoạt động phát triển toàn diện nguồn nhân lực; đẩy mạnh kết nối giữa khối đại học, cao đẳng nghề với khối bồi dưỡng ngắn hạn; khuyến khích việc đào tạo liên thông và công nhận tín chỉ lẫn nhau.
Để làm được điều này, Hiệp hội Phát triển nhân lực Logistics Việt Nam và Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam cùng Hiệp hội Logistics tại các địa phương đóng vai trò cầu nối quan trọng nhằm xây dựng được nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu của thị trường về số lượng và chất lượng, góp phần phát triển bền vững ngành logistics trong bối cảnh mới.