Nội dung trên được nhấn mạnh tại Hội thảo thúc đẩy liên kết chuỗi giá trị lúa gạo góp phần thực hiện Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030 (gọi tắt là Đề án) tổ chức tại tỉnh Hậu Giang ngày 25/10 vừa qua.
Hội thảo quy tụ khoảng 200 đại biểu là đại diện các cơ quan trực thuộc Bộ NN&PTNT, hiệp hội, các chuyên gia, doanh nghiệp, ngành nông nghiệp các tỉnh thành vùng ĐBSCL, hợp tác xã và nông dân để cùng thảo luận, nghiên cứu, đề xuất cơ chế chính sách; từ đó giúp tỉnh Hậu Giang có định hướng chỉ đạo thực hiện Đề án trong vụ đông xuân 2024 - 2025 và những mùa vụ tiếp theo.
Nhận diện thách thức trong triển khai đề án chuyên canh lúa chất lượng cao
Thông tin tại Hội thảo cho biết: Tỉnh Hậu Giang đóng vai trò quan trọng khi là nơi khởi đầu cho chiến lược quan trọng của ngành nông nghiệp Việt Nam. Cuối năm 2023, Bộ NN&PTNT chính thức phát động thực hiện Đề án trong khuôn khổ Festival Quốc tế ngành hàng lúa gạo.
Ngay sau lễ phát động, với sự đồng tình ủng hộ và tham gia của bà con nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp, Sở NN&PTNT tỉnh Hậu Giang liên tiếp tổ chức nhiều chương trình, kế hoạch, mô hình canh tác lúa thông minh, giảm phát thải khí nhà kính trải đều khắp các địa phương.
Trong đó, tỉnh đã lựa chọn 6 vùng trồng lúa trọng điểm ở TP Vị Thanh, TX Long Mỹ, huyện Vị Thủy, Châu Thành A, Long Mỹ và Phụng Hiệp để tập trung củng cố các diện tích được đầu tư từ Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững (VnSAT).
Tại Hội thảo, các đại biểu tập trung bàn luận nhằm đưa ra giải pháp cho những thách thức mà tỉnh Hậu Giang phải đối mặt, như diện tích canh tác nhỏ, manh mún, khả năng liên kết gặp nhiều trở ngại; hệ thống thủy lợi, đường giao thông một số nơi chưa hoàn thiện; các mô hình tổ chức sản xuất, liên kết sản xuất theo chuỗi chưa phát triển ổn định, thiếu bền vững…
Theo TS Trần Minh Hải, Phó Hiệu trưởng Trường Chính sách công và Phát triển nông thôn, nâng cao năng lực của các hợp tác xã (HTX) là điều cần thiết để đảm bảo khả năng cung cấp dịch vụ tốt cho doanh nghiệp. Một trong những yếu tố quan trọng là khả năng tổ chức của HTX; cần phải có những chiến lược rõ ràng để tăng cường khả năng quản lý và kết nối giữa các bên.
Ông Trần Minh Hải cho rằng, bên cạnh tự nâng cao quản lý, HTX có thể xem xét việc mời doanh nghiệp tham gia vào quá trình quản lý, đặc biệt là trong khâu tiêu thụ sản phẩm. Điều này không chỉ giúp HTX cải thiện năng lực mà còn tạo ra mối liên kết chặt chẽ hơn với thị trường.
Ngoài ra, việc áp dụng phương pháp này “1 phải 5 giảm” còn thấp. Để nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước, cần đầu tư vào bản đồ nông hóa thổ nhưỡng. Từ đó, cung cấp các thông tin chi tiết về loại đất, cải thiện các chương trình khuyến nông cũng như nghiên cứu khoa học và đánh giá tác động của các chính sách nông nghiệp, hỗ trợ quá trình xây dựng chính sách của nhà nước.
Trung tâm khuyến nông cần giữ vai trò kết nối giữa HTX và doanh nghiệp, giúp xác định thời điểm thu hoạch phù hợp, chốt giá cả trước mùa vụ và cung cấp thông tin thị trường cần thiết. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, việc này còn có thể giúp HTX và nông dân áp dụng các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính, từ đó không chỉ tăng cường tính bền vững mà còn tạo ra giá trị gia tăng cho sản phẩm nông nghiệp.
Hình thành các chuỗi liên kết giữa người dân và doanh nghiệp, giữa doanh nghiệp và HTX
Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết, ngoài các lợi ích về mặt kỹ thuật, đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao triển khai tại 12 tỉnh ĐBSCL còn hình thành các chuỗi liên kết giữa người dân và doanh nghiệp, giữa doanh nghiệp và HTX.
Cũng theo Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, qua khảo sát, nhiều địa phương như Hậu Giang có tiềm năng lớn nhưng gặp điểm nghẽn về tăng giá trị trên một đơn vị diện tích, chưa có đơn vị bao tiêu số lượng lớn.
“Lúa đã chất lượng, từ việc kế thừa Dự án VnSAT, nhưng đầu ra lại bỏ ngỏ”, ông Tùng nêu vấn đề.
Lãnh đạo Cục Trồng trọt cho rằng, vì những lẽ này nên việc xây dựng mối liên hệ chặt chẽ, thông qua các đối tác, các bên liên quan trong đề án là hết sức cần thiết. “Mỗi tổ chức, cá nhân sẽ nhận thức và đảm nhiệm được vai trò của mình”, ông Lê Thanh Tùng nhấn mạnh.
Bên cạnh những vấn đề trên, ông Lê Thanh Tùng nhìn nhận, giao thông nội đồng tại vùng dự án chưa thực sự thuận lợi, chưa thu hút được sự quan tâm, đầu tư của doanh nghiệp. Do đó, ngoài việc tăng cường, nâng cao yếu tố kỹ thuật, địa phương cũng nên lưu ý phát triển cơ sở hạ tầng một cách đồng bộ, giúp liên kết bền chặt.
Ông Đặng Kiều Nhân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển ĐBSCL, chỉ ra rằng, để nâng cấp và phát triển chuỗi lúa gạo, cần thực hiện tốt nhiều khâu, đặc biệt là khâu canh tác và sự hợp tác chặt chẽ giữa nông dân, hợp tác xã (HTX) và doanh nghiệp.
Chuỗi lúa gạo hiện nay giống như một khu rừng, trong đó, để phát triển bền vững phụ thuộc vào sự hòa hợp giữa các yếu tố: nông dân, hợp tác xã (HTX), doanh nghiệp và thương lái. Tuy nhiên, mối quan hệ giữa các bên chưa thực sự ăn ý, dẫn đến việc không hiểu nhau về lợi ích và mục tiêu.
Bên cạnh đó, tư duy kinh doanh của nông dân và HTX còn hạn chế, khiến họ khó nắm bắt được thị trường và các cơ hội kinh doanh. Thiếu cơ chế chia sẻ rủi ro cũng làm cho nông dân chịu áp lực lớn, trong khi doanh nghiệp và thương lái lại thu lợi từ sản phẩm của họ.
Một trường hợp khác là các bên chỉ lo giữ lại cái lợi cho mình mà quên đi mục tiêu chung. Cuối cùng, năng lực của HTX và nông dân vẫn còn yếu, dẫn đến sự thiếu hiểu biết về kinh doanh, cản trở sự phát triển của chuỗi giá trị lúa gạo.
Vì vậy, trong quá trình triển khai dự án, nhà nước, đặc biệt là trung tâm khuyến nông phải đóng vai trò như người điều phối để giúp các bên hiểu nhau và hợp tác hiệu quả. Sự hợp tác giữa nông dân - nông dân và nông dân - HTX là rất cần thiết trong áp dụng kĩ thuật khoa học và biện pháp canh tác hiệu quả.
Ngoài ra, để ba bên đạt được thỏa thuận chung, cần tổ chức các cuộc đối thoại thường xuyên và thông tin minh bạch giữa nông dân, HTX và doanh nghiệp. Điều này tạo điều kiện thuận lợi để cùng hướng đến một mục tiêu, giảm thiểu rủi ro, tăng lợi nhuận, nâng cao giá trị sản phẩm và cải thiện sức cạnh tranh trên thị trường.
Bên cạnh đó, việc nâng cao năng lực cho các HTX và kết nối giữa các HTX với nhau cũng là một yếu tố thiết yếu, giúp tạo ra một mạng lưới hợp tác vững mạnh và hiệu quả hơn trong ngành nông nghiệp.
Tổng kết Hội thảo, Giám đốc Sở NN&PTNT Hậu Giang Ngô Minh Long đánh giá, thông qua 7 mô hình thí điểm Đề án 1 triệu ha cách sử dụng phân bón cho lúa vùng ĐBSCL, có thể thấy hiệu quả về năng suất, chất lượng lúa gạo khi áp dụng quy trình kỹ thuật sản xuất lúa chất lượng cao và phát thải thấp đã đem lại những kết quả thực tế.
"Với những thành công bước đầu, chúng ta sẽ có thêm định hướng xây dựng các mô hình sản xuất lúa chất lượng cao phát thải thấp và công tác MRV của tỉnh Hậu Giang nói riêng và vùng ĐBSCL thời gian tới”, ông Long nói.
Lãnh đạo ngành nông nghiệp Hậu Giang cũng đánh giá cao sự vào cuộc tích cực, chủ động của 4 nhà (nhà nông - nhà doanh nghiệp - nhà khoa học - Nhà nước) trong phiên thảo luận về vấn đề “Liên kết chuỗi giá trị lúa gạo góp phần thực hiện Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao”.
Theo ông Long, các ý kiến đóng góp của các nhà quản lý, nhà khoa học, các chuyên gia, các doanh nghiệp và các HTX sẽ góp phần giúp ngành nông nghiệp tỉnh Hậu Giang tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện liên kết chuỗi giá trị lúa gạo khi thực hiện Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chất lượng cao./.
Tại sự kiện, diễn ra lễ ký kết hợp tác Sở NN&PTNT tỉnh Hậu Giang và Ngân hàng Agribank chi nhánh tỉnh Hậu Giang. Theo đó, phía Agribank Hậu Giang sẽ hỗ trợ tín dụng cho Đề án.
Bên cạnh đó, Sở ký kết hợp tác với Công ty Cổ phần chứng nhận và kiểm định Vinacontrol về cung cấp các giải pháp đảm bảo chất lượng, an toàn cho hàng hóa.
Ngoài ra, cũng tại Hội thảo, Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp tỉnh Hậu Giang tham gia ký kết hợp tác với 10 doanh nghiệp cung ứng vật tư đầu vào, máy móc cơ giới hóa phục vụ sản xuất lúa gạo.
Liên hiệp HTX lúa gạo Xà No Mekong thực hiện ký kết hợp tác với 6 doanh nghiệp kinh doanh ngành hàng lúa gạo.