Cho vay Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao thấp hơn lãi suất tối thiểu 1% và nhiều ưu đãi khác

Ngân hàng Nhà nước yêu cầu tổ chức tín dụng chủ động cân đối nguồn vốn, tiết giảm chi phí để xem xét áp dụng lãi suất cho vay thấp hơn tối thiểu 1%/năm so với lãi suất cho vay của kỳ hạn tương ứng đang áp dụng đối với Đề án 1 triệu ha lúa gạo. Ngoài ra, các chủ thể tham gia liên kết lúa gạo còn được hưởng nhiều ưu đãi khác.

Chiều 15/10, Ngân hàng Nhà nước vừa thông tin về việc triển khai đề án "Phát triển bền vững một triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030".

ho-tro-von-trong-lua-chat-luong-cao-2-1729049002.jpg
Ngân hàng Nhà nước yêu cầu tổ chức tín dụng chủ động cân đối nguồn vốn, xem xét áp dụng lãi suất cho vay thấp hơn tối thiểu 1%/năm đối với Đề án 1 triệu ha lúa gạo. (Ảnh minh họa)

Theo đó, Chương trình cho vay theo 2 giai đoạn (căn cứ theo 2 giai đoạn triển khai Đề án theo Quyết định 1490), trong đó giai đoạn thí điểm từ nay tới cuối năm 2025 do Agribank là ngân hàng chủ lực cho vay và giai đoạn mở rộng từ khi kết thúc thí điểm tới năm 2030 tại các tổ chức tín dụng.

Tổ chức tín dụng thực hiện cho vay bằng nguồn vốn tự huy động, do đó việc cho vay được thực hiện theo cơ chế thương mại với các điều kiện cho vay theo quy định hiện hành của tổ chức tín dụng đối với khách hàng.

Về thời hạn và mục đích cho vay: Đáp ứng nhu cầu vốn ngắn, trung, dài hạn của tất cả các khâu (sản xuất, thu mua, chế biến, tiêu thụ) trong liên kết lúa gạo.

Ngân hàng Nhà nước yêu cầu tổ chức tín dụng chủ động cân đối nguồn vốn, tiết giảm chi phí để xem xét áp dụng lãi suất cho vay thấp hơn tối thiểu 1%/năm so với lãi suất cho vay của kỳ hạn tương ứng đang áp dụng đối với khách hàng cùng kỳ hạn/cùng nhóm.

ho-tro-von-trong-lua-chat-luong-cao-1-1729048989.jpg
Việt Nam đang nỗ lực triển khai Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp tại ĐBSCL. (Ảnh minh họa)

Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết hiện nay Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố chưa công bố định mức chi phí thực tế thực hiện khâu sản xuất lúa gạo trong liên kết lúa gạo và xác định, công bố các vùng chuyên canh, các liên kết và chủ thể tham gia liên kết theo Quyết định 1490 nên các tổ chức tín dụng chưa có cơ sở đánh giá về nhu cầu vốn phục vụ các chuỗi liên kết theo đề án. Tuy nhiên, về nguyên tắc, khả năng giải ngân phụ thuộc vào khả năng hấp thụ vốn thực tế của các chủ thể tham gia liên kết.

Ngoài ưu đãi về mức giảm lãi suất tối thiểu 1% nêu trên, các chủ thể tham gia liên kết lúa gạo còn được hưởng nhiều ưu đãi khác theo quy định tại theo Nghị định 55 và Nghị định 116/2018/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn như:

Mức cho vay không có tài sản bảo đảm tối đa là từ 100 triệu đồng đến 3 tỷ đồng (tùy đối tượng khách hàng cá nhân, tổ hợp tác, hợp tác xã); chính sách cho vay khuyến khích sản xuất nông nghiệp theo mô hình liên kết, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với mức cho vay không có tài sản bảo đảm lên đến 70%-80% giá trị phương án, dự án; đồng thời, quy định về quản lý dòng tiền trong cho vay liên kết nông nghiệp nhằm hạn chế rủi ro, khuyến khích tổ chức tín dụng đẩy mạnh cho vay.

Bên cạnh đó, cơ chế xử lý nợ đặc thù như cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ đối với khách hàng gặp khó khăn do nguyên nhân khách quan, bất khả kháng; cơ chế khoanh nợ đối với khách hàng gặp rủi ro do thiên tai, dịch bệnh trên phạm vi rộng hoặc khách hàng là tổ chức đầu mối liên kết, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao gặp rủi ro do nguyên nhân khách quan, bất khả kháng; chính sách khuyến khích người dân mua bảo hiểm trong nông nghiệp thông qua giảm lãi suất cho vay với mức tối thiểu 0,2%/năm so với lãi suất của các khoản cho vay cùng loại và có thời hạn tương ứng.​

Như vậy, Ngân hàng Nhà nước và ngành ngân hàng đã ban hành đầy đủ các cơ chế, chính sách và có văn bản hướng dẫn triển khai cho vay theo chương trình để tạo thuận lợi cho các chủ thể tham gia liên kết trong vay vốn tổ chức tín dụng.

Trong thời gian tới, bám sát sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cùng sự phối hợp của các bộ, ngành, địa phương, Ngân hàng Nhà nước và ngành ngân hàng cam kết sẽ tiếp tục đồng hành và tích cực phối hợp với các cơ quan liên quan đẩy mạnh triển khai chương trình cho vay nói riêng và thực hiện đề án theo Quyết định 1490 nói chung.

ho-tro-von-trong-lua-chat-luong-cao-3-1729049083.jpg
Đề án 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao được kỳ vọng sẽ mang đến giải pháp tối ưu giúp gia tăng hiệu quả sản xuất cho nông dân và phát triển bền vững chuỗi giá trị ngành hàng lúa gạo tại ĐBSCL. (Ảnh minh họa)

Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 27/11/2023.

Mục tiêu của Đề án là hình thành 1 triệu ha vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tổ chức lại hệ thống sản xuất theo chuỗi giá trị, áp dụng các quy trình canh tác bền vững nhằm gia tăng giá trị, phát triển bền vững ngành lúa gạo, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, thu nhập và đời sống của người trồng lúa, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính, góp phần thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam.

Theo các chuyên gia nhận định, từ nay đến năm 2030, dự kiến cần khoảng 2,7 tỷ USD từ các nguồn vốn để thực hiện Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao. Để tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chủ động làm việc với nhiều tổ chức quốc tế như: Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Tổ chức SNV của Hà Lan, Viện Nghiên cứu lúa Quốc tế (IRRI)... Đến nay, WB đã cam kết cho vay vốn và hỗ trợ kỹ thuật; IRRI và một số tổ chức khác cam kết tham gia hỗ trợ kỹ thuật./.

Bình Nguyên