Nông nghiệp chiếm 50% tổng thiệt hại toàn thành phố, Hải Phòng nỗ lực chỉ đạo khắc phục thiệt hại và phục hồi sản xuất

Thông tin từ UBND thành phố Hải Phòng cho biết, Bão số 3 và mưa lũ thời gian qua đã gây ra những thiệt hại nặng nề, trong đó thiệt hại về nông nghiệp của Nhân dân và các doanh nghiệp chiếm khoảng gần 50% thiệt hại toàn thành phố. Thời điểm này, Hải Phòng tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động chỉ đạo, hỗ trợ khắc phục hậu quả và khôi phục sản xuất nông nghiệp.
hai-phong-phuc-hoi-san-xuat-sau-bao-so-3-1-1728114010.jpg
Bão số 3 và mưa lũ thời gian qua đã gây ra những thiệt hại nặng nề cho thành phố, trong đó thiệt hại về nông nghiệp của Nhân dân và các doanh nghiệp chiếm khoảng gần 50% thiệt hại toàn thành phố.(Ảnh minh họa)

Tích cực phối hợp với ngành nông nghiệp hỗ trợ phục hồi nuôi trồng thủy sản

Sau bão số 3, Hải Phòng có 4.600 ha nuôi trồng thủy sản bị ảnh hưởng, nhiều diện tích nuôi mất trắng; trong đó, huyện đảo Cát Hải là một trong những địa phương bị ảnh hưởng nặng nhất. Các địa phương trên địa bàn thành phố Hải Phòng đang tích cực phối hợp với ngành nông nghiệp hỗ trợ, hướng dẫn người dân khắc phục thiệt hại, từng bước khôi phục sản xuất.

Theo UBND huyện Cát Hải, bão số 3 đã ảnh hưởng, gây thiệt hại cho hơn 70 hộ nuôi trồng thuỷ sản tại các vịnh thuộc quần đảo Cát Bà. Trong đó, gần 20 bè nuôi trồng thuỷ sản tại xã Gia Luận và thị trấn Cát Bà bị đứt dây neo, trôi dạt, hư hỏng nặng; gần 50 bè nuôi trồng thuỷ sản tại vịnh Bến Bèo bị tốc mái và hư hỏng một phần. Chỉ tính riêng trong lĩnh vực thuỷ sản của huyện Cát Hải, thiệt hại ước tính hơn 35,7 tỷ đồng.

Ngay sau bão, UBND Huyện Cát Hải đã phối hợp các Sở, ngành của thành phố Hải Phòng thống kê thiệt hại, lập danh sách các cơ sở, các hộ bị thiệt hại để đề xuất trung ương, thành phố Hải Phòng có cơ chế hỗ trợ; đề xuất ngân hàng hoãn, giãn nợ, giảm lãi đối với các khoản vay của các cơ sở, các hộ gia đình. Huyện Cát Hải cũng huy động các nguồn xã hội hoá, vận động doanh nghiệp, nhà hảo tâm hỗ trợ các gia đình khắc phục thiệt hại ban đầu; trong đó, mỗi bè được hỗ trợ từ 15 đến 50 triệu đồng, tuỳ mức độ thiệt hại.

hai-phong-phuc-hoi-san-xuat-sau-bao-so-3-2-1728113988.jpg
Sau bão số 3, Hải Phòng có 4.600 ha nuôi trồng thủy sản bị ảnh hưởng, nhiều diện tích nuôi mất trắng.(Ảnh minh họa)

Không chỉ tại huyện Cát Hải, bão số 3 đã gây thiệt hại nặng nề trong lĩnh vực nuôi trồng thuỷ sản của các địa phương Đồ Sơn, Kiến Thuỵ, Dương Kinh... của thành phố Hải Phòng; ước tính thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng. Ông Nguyễn Đức Thọ, Phó Chủ tịch UBND TP.Hải Phòng cho biết, cùng với những hỗ trợ về vật chất, UBND TP Hải Phòng chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thành phố phối hợp với ngành nông nghiệp các địa phương xây dựng kế hoạch và giải pháp khôi phục, phát triển nuôi trồng thủy sản phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.

“Liên quan đến lĩnh vực thuỷ sản, đây là thiệt hại lớn. TP.Hải Phòng đã giao cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các địa phương rà soát các hộ bị thiệt hại và bắt đầu có hỗ trợ. Thứ nhất là động viên, kết nối doanh nghiệp hỗ trợ bà con, để bà con sớm khối phục sản xuất. Thứ hai là hướng dẫn quy trình xử lý sau bão; cái này rất quan trọng, nếu chúng ta không làm bài bản thì có thể để lại hậu quả”, ông Nguyễn Đức Thọ cho biết.

Ngành Nông nghiệp TP.Hải Phòng cũng phối hợp Cục Thuỷ sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tiến hành quan trắc, giám sát môi trường nuôi trồng thủy sản; kết nối các doanh nghiệp sản xuất con giống, thức ăn, sản phẩm xử lý môi trường, vật tư phục vụ nuôi trồng thủy sản để cung ứng cho các hộ nuôi.

Ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thuỷ sản lưu ý, Hải Phòng cũng như các địa phương cần tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn người dân làm sạch môi trường, chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện trước khi thả giống, phục hồi sản xuất.

“Hiện nay, trên biển và trên sông, đặc biệt là hệ thống nuôi lồng trên sống vẫn còn rất gian nan với môi trường. Rác thải, cây, xác động vật sẽ làm chậm tiến độ để chúng ta xuống giống và khôi phục lại sản xuất cho nuôi biển và sản xuất lồng bè. Môi trường ổn định đạt điều kiện thì mới thả giống. Khi môi trường chúng ta chưa dọn dẹp sạch sẽ, chưa đảm bảo các điều kiện mà chúng ta lại vội vàng thả xuống thì thiệt hại lại tăng lên rất nhiều”, ông Trần Đình Luân cho biết.

hai-phong-phuc-hoi-san-xuat-sau-bao-so-3-3-1728114085.jpg
Cục trưởng Thủy sản Trần Đình Luân kiểm tra công tác khắc phục hậu quả sau bão số 3.(Ảnh minh họa)

Từ nay đến cuối tháng 10/2024, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn TP.Hải Phòng cử cán bộ chuyên môn bám sát địa bàn, hướng dẫn các cơ sở nuôi trồng thuỷ sản, các hộ nuôi thực hiện các biện pháp khắc phục thiệt hại, đặc biệt là các quy định về phòng, chống dịch bệnh trên thủy sản, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để sớm khôi phục sản xuất.

Huy động tối đa các nguồn lực hợp pháp để triển khai ngay các chính sách hỗ trợ

Nhằm tập trung chỉ đạo, triển khai các biện pháp nhanh chóng phục hồi sản xuất nông nghiệp sau Bão số 3 và mưa lũ, ngày 03/10 vừa qua, Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng đã có ý kiến chỉ đạo nêu rõ Bão số 3 và mưa lũ thời gian qua đã gây ra những thiệt hại nặng nề cho thành phố, trong đó thiệt hại về nông nghiệp của Nhân dân và các doanh nghiệp chiếm khoảng gần 50% thiệt hại toàn thành phố.

Để sớm khôi phục sản xuất nông nghiệp, thành phố đã chỉ đạo các Sở, ngành, đơn vị liên quan tích cực triển khai công tác thống kê, hỗ trợ để sớm ổn định, khôi phục sản xuất. Chủ tịch UBND thành phố kêu gọi các hộ nông dân, người dân, các hợp tác xã, doanh nghiệp,... tiếp tục đồng hành, chia sẻ cùng thành phố, tiếp tục phát huy tính tự lực, tự cường, sáng tạo chủ động khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức khôi phục sản xuất kinh doanh; đồng thời thành phố luôn luôn lắng nghe các góp ý, hiến kế để có giải pháp kịp thời, phù hợp, hiệu quả để chung tay khắc phục hậu quả do bão lũ gây ra.

hai-phong-phuc-hoi-san-xuat-sau-bao-so-3-4-1728114131.jpg
Ngư dân sửa chữa tàu sau bão.(Ảnh minh họa)

Các Sở, ngành và UBND các quận, huyện căn cứ chức năng, nhiệm vụ khẩn trương thực hiện hiệu quả chỉ đạo của UBND thành phố tại Văn bản số 2131/UBND-TL ngày 25/9/2024 về triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để khẩn trương khắc phục hậu quả Bão số 3. Tiếp tục rà soát, thống kê đầy đủ, chính xác thiệt hại đối với sản xuất nông nghiệp; chủ động, tích cực huy động tối đa các nguồn lực hợp pháp để triển khai ngay các chính sách hỗ trợ đối với các đối tượng bị thiệt hại theo đúng quy định của pháp luật.

Cùng với đó, tập trung chỉ đạo, chủ động đẩy mạnh tổ chức sản xuất nông, lâm, thủy sản theo định hướng, chỉ đạo của cấp có thẩm quyền; hướng dẫn, hỗ trợ Nhân dân triển khai kịp thời các giải pháp phục hồi sản xuất, nhất là trồng trọt, thủy sản, chăn nuôi, việc cung ứng các loại giống cây trồng, vật nuôi tại những vùng bị ảnh hưởng, thiệt hại do thiên tai để thúc đẩy sản xuất kinh doanh, bảo đảm ổn định đời sống cho người dân trong những tháng cuối năm 2024, đặc biệt là dịp Tết nguyên đán Ất Tỵ 2025.

Tổ chức theo dõi, giám sát, nắm chắc tình hình thúc đẩy sản xuất kinh doanh ngành nông nghiệp, nhất là việc cung, cầu các mặt hàng nông sản thiết yếu, giá cả vật tư đầu vào cho sản xuất nông nghiệp trên địa bàn để chủ động có giải pháp bảo đảm nguồn cung, kiểm soát giá cả, không để xảy ra tình trạng đầu cơ trục lợi bất chính, thao túng tăng giá đột biến, bất hợp lý, ảnh hưởng đến đời sống của người dân.

Chủ tịch UBND thành phố giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo dõi, đôn đốc các ngành, địa phương thực hiện các nội dung trên, kịp thời báo cáo UBND thành phố những vấn đề vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện./.

Bình Châu