Khuyến khích sản xuất thuốc bảo vệ thực vật sinh học vì nền nông nghiệp xanh

Đề án phát triển sản xuất thuốc bảo vệ thực vật sinh học đặt ra nhiều mục tiêu để thúc đẩy phát triển ngành BVTV đến năm 2030. Theo đó, nhiều chính sách, chương trình được triển khai nhằm khuyến khích sản xuất và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) sinh học.
thuoc-bao-ve-thuc-vat-sinh-hoc-03-1707349267.jpg
Việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học sẽ bảo đảm được chất lượng nguồn rau và bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng. (Ảnh minh họa)

Khuyến khích thuốc BVTV trong thời gian tới

Tại họp báo thông tin về các đề án phát triển sản xuất thuốc bảo vệ thực vật sinh học, đề án về phát triển sản xuất và sử dụng phân bón hữu cơ và đề án phát triển quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM) đến năm 2030 vừa được bộ phê duyệt, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) đã đưa ra một số thông tin về các chương trình khuyến khích thuốc BVTV trong thời gian tới.

Bà Bùi Thanh Hương, Trưởng phòng Thuốc bảo vệ thực vật (Cục BVTV) cho biết, đề án phát triển sản xuất thuốc bảo vệ thực vật sinh học đặt ra nhiều mục tiêu để thúc đẩy phát triển ngành BVTV đến năm 2030.

Về các giải pháp, chính sách để đạt được mục tiêu của đề án cũng như giúp các thuốc BVTV sinh học được doanh nghiệp đưa nhiều hơn vào sản xuất, bà Hương cho hay, trong đăng ký, thuốc BVTV sinh học có nhiều chi tiết đơn giản hơn so với thuốc hóa học như hồ sơ đăng ký chỉ tiêu, thành phần hồ sơ ngắn hơn.

Các thuốc sinh học khi đăng ký chỉ cần khảo nghiệm diện rộng, không cần khảo nghiệm diện hẹp, do đó thời gian, số lần thực hiện và chi phí thực hiện sẽ thấp hơn.

Thuốc bảo vệ thực vật sinh học cũng được khuyến khích trong các buổi đào tạo, tập huấn, các chương trình khuyến nông quốc gia để người dân tiếp cận.

thuoc-bao-ve-thuc-vat-sinh-hoc-02-1707349254.jpg
Xu hướng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học ngày càng gia tăng. (Ảnh minh họa)

“Đối với thuốc BVTV sinh học, trước đây chưa có cụ thể hóa nhưng tại Luật Bảo vệ thực vật đã có cụ thể hóa các chính sách liên quan rất rõ ràng. Hồ sơ đăng ký chỉ tiêu giảm so với thuốc BVTV hóa học, số lượng khảo nghiệm giảm… giúp tiết kiệm thời gian, chi phí”, bà Hương thông tin.

Bên cạnh đó, sản xuất thuốc BVTV cần phải có giấy chứng nhận, nhưng riêng với thuốc BVTV sinh học, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân chỉ cần đáp ứng đầy đủ quy định hiện hành mà không cần Cục BVTV xem xét đánh giá và cấp giấy chứng nhận về điều kiện sản xuất.

Sử thuốc BVTV sinh học là xu thế tất yếu

Liên quan vận chuyển, thuốc BVTV là ngành hàng nguy hiểm, phải được cấp giấy phép vận chuyển trong trong quá trình vận chuyển thuốc. Tuy nhiên, đối với thuốc sinh học lại không cần loại giấy phép này.

Đặc biệt liên quan đến kho bãi, cơ sở sản xuất thuốc BVTV phải tuân thủ đúng quy định liên quan đến lưu trữ, các quy định về an toàn hóa chất, biện pháp phòng ngừa, xử lý sự cố hóa chất… Trong khi thuốc BVTV sinh học cấu thành từ các hoạt chất nguồn gốc tự nhiên, cao chiết thực vật và sinh khối của vi sinh vật, vi sinh vật và sinh vật đối kháng, không cần áp dụng đến những quy định này.

Quy trình và thủ tục tục đánh giá thuốc BVTV sinh học cũng nhanh gọn, được cụ thể trong Luật Bảo vệ thực vật và Thông tư 21 của Bộ NN-PTNT về quản lý thuốc bảo vệ thực vật.

Ngoài những chính sách thuận lợi, đại diện Cục BVTV cũng nêu một số vướng mắc, khó khăn trong quá trình chuyển giao từ nghiên cứu vào sản xuất thuốc BVTV sinh học. Theo đó, bà Hương cho biết Cục BVTV sẽ tiếp tục tiếp thu nội dung, ý kiến từ phía các doanh nghiệp, nhà nghiên cứu phản ánh tại các hội nghị, hội thảo, từ các viện trường để đưa ra các giải pháp rà soát, sửa đổi thêm văn bản từ luật đến nghị định, cũng như hoàn thiện các phương pháp thử để kiểm soát thuốc BVTV tốt hơn, đặc biệt là nâng cao số lượng thuốc BVTV trong doanh nghiệp đến năm 2030, góp phần xây dựng ngành thuốc BVTV bền vững.

Theo PGS.TS Nguyễn Xuân Hồng - Phó Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam, sử dụng thuốc hóa học gây ra những hậu quả xấu về an toàn thực phẩm, môi trường, đa dạng sinh học, hiện tượng kháng thuốc và bùng phát dịch hại…

"Giải pháp sử dụng các biện pháp sinh học và thuốc bảo vệ thực vật sinh học thay thế thuốc hóa học là xu thế tất yếu, phù hợp với chiến lược IPM, tăng trưởng xanh và đạt được sự đồng thuận cao của các quốc gia trên thế giới", PGS.TS Nguyễn Xuân Hồng chia sẻ.

thuoc-bao-ve-thuc-vat-sinh-hoc-01-1707349319.jpg
Giải pháp sử dụng các biện pháp sinh học và thuốc bảo vệ thực vật sinh học thay thế thuốc hóa học là xu thế tất yếu. (Ảnh minh họa)

Bà Bùi Thanh Hương, Trưởng phòng Thuốc Bảo vệ Thực vật (Cục Bảo vệ thực vật) cho biết, xu hướng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học ngày càng gia tăng, phổ biến ở các quốc gia phát triển và đang phát triển.

Trên thị trường thế giới, dự báo năm 2023 - 2028, thị trường thuốc bảo vệ thực vật sinh học sẽ phát triển với tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) đạt 15,9%, năm 2023 đạt 6,7 tỷ USD và dự kiến năm 2028 sẽ đạt 13,9 tỷ USD. Dự báo thị trường thuốc bảo vệ thực vật sinh học sẽ tương đương với thị phần thuốc bảo vệ thực vật hóa học trong năm 2040 - 2050.

Đề án phát triển sản xuất và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đặt mục tiêu nâng tỷ lệ sản phẩm thuốc BVTV sinh học trong Danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam lên 30% so với tổng số thuốc BVTV. Tăng lượng sử dụng thuốc BVTV sinh học lên 30% so với tổng lượng thuốc BVTV sử dụng. Nâng tỷ lệ các cơ sở sản xuất thuốc BVTV sinh học lên 90% so với tổng số cơ sở sản xuất thuốc BVTV đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất thuốc BVTV. Ít nhất 80% các địa phương tập huấn về sử dụng thuốc BVTV sinh học an toàn và hiệu quả cho người sử dụng.

Xây dựng được mô hình sử dụng thuốc hiệu quả trên 09 nhóm sản phẩm chủ lực quốc gia (lúa, cà phê, cao su, điều, hồ tiêu, chè, cây ăn quả, rau, sắn). Đồng thời, phấn đấu đến năm 2050, Việt Nam trở thành quốc gia có tỷ lệ sử dụng thuốc BVTV sinh học dẫn đầu trong trong khu vực.

Các cơ sở sản xuất thuốc BVTV sinh học quy mô công nghiệp có công nghệ, trang thiết bị hiện đại, chủ động sản xuất được các thuốc BVTV sinh học tiên tiến đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu./.

Bình Châu