Nhiều "ông lớn" ngành bán lẻ ồ ạt quay lại thị trường TP.HCM

Sau khi đại dịch Covid-19 đang dần qua đi, nhiều nhà bán lẻ nổi tiếng đã quay lại thị trường thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM), tiếp tục cuộc canh tranh với các nhà bán lẻ nội địa - vốn đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng sau 2 năm chống chọi với dịch bệnh.

Ghi nhận tại các trung tâm thương mại lớn như Takashimaya (quận 1), SCVivo City (quận 7), Emart (quận Gò Vấp), Thảo Điền Pearl (thành phố Thủ Đức) tỷ lệ đóng cửa các gian hàng đã giảm mạnh, độ phủ của các nhãn hàng cũng tăng lên. Nhiều thương hiệu nổi tiếng cũng bắt đầu trưng bày và quảng cáo nhiều hơn tại khu vực sảnh và hành lang ra vào, tạo ra một không khí nhộn nhịp như thời điểm trước khi xuất hiện dịch Covid-19.

Theo đánh giá của các chuyên gia, một trong số những nguyên nhân chính của việc các nhà bán lẻ tự tin quay lại Việt Nam là do sức mua của người dân tăng mạnh, sau khi dịch Covid-19 đã được kiểm soát, thu nhập ổn định hơn so với 2 năm qua. Ghi nhận từ Cục Thống kê TP.HCM, tổng mức bán lẻ hàng hóa lên đến 161.000 tỷ đồng, tăng 5% theo năm và chiếm 60% tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ.

Ngoài ra, đầu năm 2022, sau khi Việt Nam có hàng loạt các tín hiệu tích cực từ mở cửa đường bay quốc tế, chính sách giảm thuế, sức mua sắm hồi phục, lưu thông di chuyển cải thiện, hoạt động buôn bán mua sắm trở lại bình thường thì cửa hàng vật lý vẫn là kênh bán hàng trọng điểm của các nhà bán lẻ nổi tiếng.

f73a317c4f658ca5f0e0333574db9a90-1652598272.jpg
Công suất thuê mặt bằng bán lẻ tại các trung tâm thương mại tại TP.HCM vẫn đang ở mức cao.

Theo một báo cáo vừa được Savills Việt Nam công bố mới đây, với tín hiệu kinh tế tích cực, các khách thuê lớn dự kiến sẽ mở rộng tại Việt Nam trong năm nay. Khảo sát của đơn vị này cho thấy các nhãn hàng quốc tế đã trì hoãn việc tham gia vào 2021 do tình hình dịch bệnh Covid-19 nhưng vẫn có kế hoạch hoạt động tại TP.HCM và Hà Nội như Bath & Body Works, Prima Donna, và Sports Direct. Năm 2022, các thương hiệu quốc tế mới như Columbia, %Arabica, Ain & Tulpe, và 6ixty8ight sẽ vào Việt Nam.

Cũng theo Savills Việt Nam, trong quý I/2022, công suất thuê trung bình vẫn ở mức cao 92%, giảm nhẹ 1 điểm phần trăm theo quý và theo năm. Sự mở rộng cũng như gia nhập của các thương hiệu nổi tiếng đã hỗ trợ công suất này.

Đối với mặt bằng bị trả tại 27 trung tâm thương mại và khối đế bán lẻ, 43% diện tích là của ngành hàng thời trang và 25% đến từ ngành hàng ăn uống. Các thương hiệu nội địa bị ảnh hưởng mạnh và chiếm 58% diện tích mặt bằng bị trả.

Trong quý I/2022, giá chào thuê trung bình của thị trường bán lẻ TP.HCM là 1,2 triệu đồng/m2/tháng, tăng 3% theo quý và theo năm. Riêng với các dự án trong trung tâm thành phố, giá chào thuê ghi nhận gần chạm mốc 3 triệu đồng/m2/tháng.

a2a189bbb3ece6153cb4985e5f7e41f3-1652598287.jpg
Nhiều cơ sở dịch vụ đã quay lại thị trường sau 2 năm phải đóng cửa vì dịch bệnh.

Theo Savills Việt Nam, trong quý I/2022, tổng nguồn cung mặt bằng bán lẻ duy trì ổn định theo quý và theo năm với hơn 1,5 triệu m2. Sự phục hồi kinh tế đã thúc đẩy các chủ đầu tư tăng tốc xây dựng. Dự kiến trong các tháng tới sẽ có bảy dự án với tổng diện tích hơn 90.000 m2 đưa vào hoạt động, trong đó 74% là các dự án ở khu ngoài trung tâm.

Nguồn cung tương lai tới 2025 sẽ đạt gần 400.000 m2 từ 24 dự án. Đáng chú ý nhất là các nhà đầu tư trung tâm thương mại lớn như Aeon và Emart đang có kế hoạch mở rộng tại TP.HCM và các vùng lân cận. Theo đó, Thaco sẽ phát triển 2 dự án Emart ở Gò Vấp và TP.Thủ Đức, trong khi Aeon dự định mở thêm trung tâm thương mại tại Hóc Môn.

"Sự phục hồi đang diễn ra mạnh mẽ. F&B (ngành dịch vụ ẩm thực, nhà hàng) ghi nhận sự hồi phục nhanh nhất khi khách thuê ghi nhận doanh thu tốt. Các thương hiệu quốc tế mới đang tham gia vào thị trường", Phó Tổng Giám đốc Savills Việt Nam Troy Griffiths nhận định.