Thời điểm phục hồi cho doanh nghiệp bán lẻ

Trên cơ sở nhận định lợi nhuận của công ty bán lẻ tương quan chặt chẽ các biện pháp giãn cách xã hội, nhiều công ty chứng khoán đặt kỳ vọng lợi nhuận các công ty bán lẻ đầu ngành phục hồi mạnh mẽ khi thay đổi chiến lược phòng, chống dịch từ “zero COVID” sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả.

Thực tế được phản ánh qua kết quả thống kê tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 1/2022 do Tổng cục Thống kê công bố ước đạt 470,7 nghìn tỷ đồng, tăng 6,7% so với tháng trước và tăng 1,3% so với cùng kỳ năm trước.

Mặc dù, tháng 1 hàng năm là thời điểm sát Tết Nguyên đán nên hoạt động bán lẻ và kinh doanh dịch vụ tiêu dùng tăng so với tháng trước và cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, khi hoạt động kinh doanh dịch vụ dần trở về trạng thái "bình thường mới" chính là thời điểm phục hồi của các doanh nghiệp bán lẻ, đặc biệt là các nhà bán lẻ niêm yết có thương hiệu, hệ thống quản lý mạnh trên thị trường.

Như Công ty cổ phần Tập đoàn MaSan, năm 2021, doanh thu thuần hợp nhất 88.629 tỷ đồng, tăng 15% so với năm 2020. Riêng quý IV/2021, doanh thu thuần đạt 23.828 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ.

Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Masan Nguyễn Đăng Quang cho biết, năm qua, Masan không ngừng tích hợp các mảnh ghép chiến lược và hoàn thiện mô hình bán lẻ mini-mall, sẵn sàng để nhân rộng trên toàn quốc. Mục tiêu sắp tới là chuyển đổi The CrownX trở thành nền tảng tiêu dùng – công nghệ hàng đầu. Năm 2022, Masan sẽ số hóa nền tảng từ sản xuất, hậu cần cho đến phân phối để phục vụ 100 triệu người tiêu dùng Việt Nam.

Hay Công ty cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận, lũy kế cả năm 2021, trong khi doanh thu bán sỉ giảm 5,5%, mảng bán lẻ và vàng miếng lần lượt tăng trưởng 10,5% và 25% so với năm trước. Với việc cải tiến công nghệ và mẫu mã, mảng bán lẻ nhanh chóng tăng trưởng trở lại khi các biện pháp giãn cách xã hội được dỡ bỏ và mạng lưới cửa hàng có thể mở cửa lại hoàn toàn.

Các chuyên gia của Công ty cổ phần Chứng khoán SSI nhận định, sự thay đổi trong chính sách y tế công ở Việt Nam đã trở nên rõ ràng hơn khi hướng tới việc mở cửa trở lại. Tiêu dùng không thiết yếu sẽ phục hồi theo mô hình chữ K trong năm 2022.

ban-le-2-1644976113.jpeg
Ảnh minh hoạ

Bên cạnh đó, nhu cầu tiêu dùng được kỳ vọng sẽ hồi phục sớm hơn dự kiến khi quyết định cắt giảm thuế VAT chính thức có hiệu lực từ ngày 1/2. Đây sẽ là động lực thúc đẩy tiêu dùng nội địa, bên cạnh quyết định mở cửa lại đường bay quốc tế nội địa và toàn bộ đường bay thường lệ quốc tế từ ngày 15/2.

Đối với các doanh nghiệp bán lẻ trong lĩnh vực công nghệ như Công ty cổ phần Bán lẻ kỹ thuật số FRT, bên cạnh chuỗi cửa hàng FPT Shop tiếp tục tăng trưởng ổn định nhờ thị trường tiêu thụ iPhone mở rộng và nhu cầu sử dụng thiết bị điện tử gia tăng.

Theo Công ty cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Công Thương Việt Nam (CTS), mảng kinh doanh bán lẻ thuốc với chuỗi nhà thuốc Long Châu bắt đầu cho lợi nhuận. Đây sẽ là động lực tăng trưởng chính của doanh nghiệp này từ năm 2022.

Các chuyên gia của CTS ước tính, bước sang năm 2022, số cửa hàng của chuỗi Long Châu dự kiến đạt khoảng 550 cửa hàng, giúp doanh nghiệp từng bước thực hiện mục tiêu chiếm 30% thị phần bán lẻ qua kênh nhà thuốc. Ngoài ra, việc nới lỏng các hoạt động đi lại dự kiến giúp doanh thu trung bình mỗi cửa hàng tăng 10%.

Với bán lẻ, một trong những yếu tố khác cho thấy ngành này vẫn là một danh mục hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài, đó là dòng vốn FDI đổ vào lĩnh vực này. Đáng chú ý, đối với nhiều tập đoàn phân phối nước ngoài, sau khi đầu tư tại Việt Nam đã ký thỏa thuận với Bộ Công Thương về tiêu thụ hàng Việt Nam và xuất khẩu.

Theo thông tin từ lãnh đạo Tập đoàn AEON, tính chung cả năm 2019, tổng giá trị hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang Nhật Bản qua hệ thống AEON đã đạt 380 triệu USD; năm 2020 đạt khoảng 450 triệu USD.

Tỷ lệ hàng Việt Nam các hệ thống phân phối bán lẻ luôn chiếm tỷ trọng cao, trên 90% đối với hệ thống phân phối do doanh nghiệp trong nước làm chủ như tại Co.opmart từ 90 - 93%, Satra từ 90 - 95%, Vinmart 96%... và trên 70% tại các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại nước ngoài tại Việt Nam gồm Lotte, Go! 90%, AEON, Citimart từ 82 - 85%.

Như vậy, hoạt động kết nối các nhà sản xuất trong nước với các hệ thống phân phối lớn trên toàn quốc không chỉ tạo nguồn cung hàng hóa ổn định với chất lượng ngày càng cao mà góp phần tăng doanh thu, lợi nhuận cho các doanh nghiệp bán lẻ trong nước.

Theo báo Nikkei Asia, từ nay tới năm 2025, AEON dự định sẽ mở khoảng 100 siêu thị MaxValu tại Việt Nam, tăng mạnh so với con số 4 siêu thị ở khu vực Hà Nội như hiện nay. Nửa đầu năm 2022, hai trung tâm thương mại tại Quảng Ninh và Bắc Ninh sẽ được triển khai, với vốn đầu tư khoảng 150 - 190 triệu USD cho mỗi dự án. Thậm chí, không chỉ có AEON, nhiều tập đoàn bán lẻ khác của Nhật Bản cũng đang lên kế hoạch mở rộng hoạt động ở thị trường Việt Nam.

Đóng phiên giao dịch hôm nay (15/2), nhóm cổ phiếu bán lẻ đóng góp 0,75% vào mức tăng của các chỉ số trên sàn chứng khoán. Cổ phiếu MSN của Công ty cổ phần Tập đoàn MaSan tăng mạnh 5,9% lên 160.500 đồng/đơn vị, là cổ phiếu có sức ảnh hưởng lớn nhất đến chỉ số VN-Index . Ngoài ra, cổ phiếu PNJ của Công ty cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận tăng 0,9% lên 105.500 đồng/đơn vị. Cổ phiếu FRT của Công ty cổ phần Bán lẻ kỹ thuật số FRT tăng 0,1% lên 98.200 đồng/đơn vị. Trước đó, cổ phiếu MSN, PNJ, FRT đã tăng trưởng lần lượt là 92, 18 và 210% trong năm 2021./.