Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chính thức được phê chuẩn vào ngày 30/12/2018 và có hiệu lực đối với Việt Nam kể từ ngày 14/1/2019, được coi là bước ngoặt quan trọng tạo ra xung lực mới thúc đẩy hợp tác thương mại đầu tư giữa Việt Nam và các nước đối tác thành viên. Việc thực thi CPTPP đã đem lại tăng trưởng xuất khẩu ấn tượng cho Việt Nam, là động lực mở rộng đường cho hàng hóa Việt sang các thị trường mới mẻ và tiềm năng.
Theo số liệu của Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương cho biết, ngay trong năm đầu tiên thực thi Hiệp định, Việt Nam đã xuất siêu sang thị trường CPTPP trên 1 tỷ USD. Đặc biệt, đối với hai thị trường lần đầu chúng ta có quan hệ thương mại tự do mới là Canada và Mexico, cũng ghi nhận tăng trưởng xuất khẩu đạt gần 30%.
Năm 2021, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này đạt khoảng 45,7 tỷ USD, tăng 18,1% so với năm trước đó. Ở chiều ngược lại, nhập khẩu của nước ta từ các thị trường này đạt khoảng 45,5 tỷ USD, tăng khoảng 37,6 % so với năm 2020.
10 tháng đầu năm nay, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai bên đạt 88,1 tỷ USD, tăng khoảng 19,2% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 45,1 tỷ USD, tăng 22,1% so với cùng kỳ. Kim ngạch nhập khẩu đạt khoảng 43 tỷ USD, tăng khoảng 16,26% so với cùng kỳ. Đặc biệt, xuất nhập khẩu sang thị trường các nước đối tác mà Việt Nam chưa có FTA trước đó gồm Canada và Mexico đạt kim ngạch tăng trưởng ấn tượng, lần lượt đạt khoảng 6 tỷ USD, tăng 24,1% và 4,6 tỷ USD, tăng 9,9% so với cùng kỳ năm 2021.
Ông Bùi Tuấn Hoàn, Trưởng phòng châu Mỹ, Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương) cho biết, CPTPP mở ra cơ hội rất lớn cho doanh nghiệp Việt Nam, nhưng thách thức mà doanh nghiệp phải đương đầu cũng không nhỏ. Việc lệch múi giờ nên khó khăn trong làm việc và giao tiếp, khoảng cách địa lý xa xôi giữa hai thị trường dẫn đến chi phí vận tải tăng lên rất nhiều lần. Thị trường châu Mỹ, đặc biệt Canada và Mexico đưa ra những tiêu chuẩn chất lượng rất khắt khe, trong khi đó, hiểu biết của doanh nghiệp về thị trường xuất khẩu còn hạn chế.
“Nhiều sản phẩm của Việt Nam không có thương hiệu và giá trị giá tăng, nên ít được quan tâm. Thay vì nhập khẩu sản phẩm của Việt Nam, các thị trường CPTPP sẽ nhập khẩu từ Thái Lan, Trung Quốc và các nước khác khu vực ASEAN…”, ông Hoàn cho hay.
Vị này cho rằng ngoài tăng chất lượng sản phẩm, cần tăng cường xúc tiến thương mại để doanh nghiệp tiếp cận thông tin về thị trường, đồng thời tổ chức các chiến dịch quảng cáo, marketing…cho hàng Việt Nam. Đặc biệt, doanh nghiệp hoàn toàn có thể tận dụng hệ thống thương vụ, hệ thống phân phối người Việt tại nước ngoài là những hạ tầng thương mại hữu ích để đưa hàng hóa vào các nước CPTPP.
Dù Việt Nam là một trong những nước đầu tiên phê chuẩn CPTPP, tuy nhiên theo ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương, những lợi thế ban đầu sẽ không còn. Do vậy thời gian tới, việc tập trung giải quyết những khó khăn đang tồn đọng của doanh nghiệp sẽ được Bộ Công Thương và các bộ ngành địa phương chú trọng.
“Mục tiêu là đưa CPTPP trở thành động lực cho tăng trưởng trên cơ sở nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt trong sự cân bằng với các doanh nghiệp FDI, góp phần định vị thương hiệu sản phẩm Việt trên thị trường quốc tế”, ông Thái nhấn mạnh.