Quảng cáo #128

Nhiều doanh nghiệp chăn nuôi đầu tư hệ thống giảm phát thải khí mê – tan

Chuyển đổi xanh hiện nay đang là xu hướng không thể đảo ngược. Ngành chăn nuôi là một trong các nguồn phát thải khí nhà kính như khí CH4, CO… có tiềm năng gây nóng lên toàn cầu. Vì vậy, việc giảm phát thải trong chăn nuôi không chỉ giúp bảo vệ môi trường mà còn là cam kết của Việt Nam tại hội nghị COP26.
chan-nuoi-2-1732833808.jpg
Ngành chăn nuôi là một trong các nguồn phát thải khí mê – tan lớn.

Hàng năm, lĩnh vực chăn nuôi đóng góp 25 - 26% vào GDP của ngành nông nghiệp duy trì mức tăng trưởng từ 4,5 đến 6%. Do vậy, đã từ lâu, chăn nuôi được xác định là một ngành chủ lực. Bên cạnh những đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế, ngành chăn nuôi cũng đặt ra nhiều thách thức cho vấn đề bảo vệ môi trường và phát thải khí nhà kính. Ước tính mỗi năm có trung bình 61 triệu tấn phân và trên 304 triệu m³ nước thải chăn nuôi được thải ra từ các loại vật nuôi chính.

Theo số liệu của Bộ Tài nguyên và Môi trường tại Báo cáo kiểm kê khí metan năm 2020, phát thải khí metan lĩnh vực chăn nuôi là 20,3 triệu tấn, chiếm 18,3% tổng lượng phát thải khí metan. Trong đó, nguồn phát thải chính của lĩnh vực chăn nuôi từ tiêu hóa thức ăn chiếm 77% và quản lý chất thải vật nuôi chiếm 23%. Chăn nuôi bò thịt đóng góp trên 50% tổng lượng phát thải toàn ngành chăn nuôi. Đối với chăn nuôi heo, hiện nay sản lượng heo sản xuất trong nông hộ nhỏ lẻ giảm còn 35-40%, tương đương khoảng 9-10 triệu con và đa phần hình thức chăn nuôi này, chất thải thường được thải trực tiếp ra môi trường.

TS Nguyễn Xuân Dương - Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam nhận định: Chăn nuôi là một trong những lĩnh vực phát thải nhiều khí nhà kính - tác nhân gây biến đổi khí hậu. Kiểm soát phát thải khí nhà kính trong chăn nuôi đã được các nhà khoa học chỉ ra từ lâu và được nhiều nước đang trong quá trình khuyến khích, từng bước sẽ bắt buộc người chăn nuôi đưa vào nội dung kiểm soát. Chỉ ra các yếu tố ảnh hưởng đến khí phát thải trong chăn nuôi, đó là sử dụng điện và năng lượng trong các nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi; sử dụng điện và năng lượng trong khâu chăn nuôi, ấp nở...và quá trình hô hấp, tiêu hóa và chất thải của vật nuôi.

Chia sẻ về giải pháp công nghệ để giảm phát thải khí mê - tan trong chăn nuôi, ông Hoàng Anh Dũng, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Tư vấn Đầu tư và Thương mại (Intraco) cho biết: Liên hợp quốc đã công nhận hai phương pháp chính để giảm khí mê-tan trong chăn nuôi. Phương pháp đầu tiên là thu gom nước thải từ vật nuôi thông qua hệ thống bồn biogas, hoạt động như một bể ủ kỵ khí. Tại đây, vi sinh vật kỵ khí phân hủy chất hữu cơ thành các khí có giá trị như methane và carbon dioxide. Khí methane sau khi thu gom có thể được sử dụng làm năng lượng cho các hoạt động của trang trại hoặc gia đình.

chan-nuoi-11-1732833808.jpg
Ông Hoàng Anh Dũng, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Tư vấn Đầu tư và Thương mại (Intraco).

Phương pháp thứ hai liên quan đến việc thu gom phân vật nuôi qua phương pháp compost, chủ yếu kết hợp các chất thải thực vật và phân động vật. Phương pháp này sử dụng vi sinh vật để cải thiện chất lượng sản phẩm, tạo ra phân bón hữu cơ giàu dinh dưỡng cho cây trồng. Cả hai phương pháp này đã được áp dụng rộng rãi trên thế giới và chứng minh hiệu quả cao trong việc giảm phát thải methane.

Tại Việt Nam, một số doanh nghiệp đã tự nguyện áp dụng công nghệ và thiết bị để kiểm soát phát thải methane trong các trang trại chăn nuôi. Nhiều trang trại lớn hiện đang sử dụng công nghệ biogas để xử lý chất thải chăn nuôi, thu hồi methane và sử dụng đệm lót sinh học nhằm giảm ô nhiễm môi trường. Các trang trại này chủ yếu thuộc lĩnh vực chăn nuôi bò sữa và lợn công nghiệp như THmilk, Vinamilk, CP, Mavin…

Ông Dũng cho biết thêm: "Với các phương pháp này, các doanh nghiệp có thể đầu tư hệ thống bằng kim loại với thu hồi mê – tan kín hiệu suất thu hồi đạt đến 90%. Điều này giúp họ chuyển đổi điện năng để sử dụng cho máy móc, lò hơi, và phát điện, đồng thời giảm thiểu sự phụ thuộc vào than đá và nhiệt điện, từ đó giảm đáng kể phát thải khí mê – tan”.

chan-nuoi-12-1732833808.jpg
Sử dụng công nghệ biogas để xử lý chất thải chăn nuôi, thu hồi mê – tan và sử dụng đệm lót sinh học nhằm giảm ô nhiễm môi trường.

Tuy nhiên, ông Dũng cho rằng hầu hết các doanh nghiệp nhỏ và hộ chăn nuôi vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc đầu tư vào hệ thống chăn nuôi giảm phát thải, do nhữn hạn chế về nguồn vốn. Để xây dựng một trang trại nuôi lợn hiện đại cần khoảng 100 tỷ đồng, trong khi đầu tư cho hệ thống xử lý chất thải khép kín có thể lên đến 50-70 tỷ đồng. Đây là số tiền lớn đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng như hộ gia đình. Trong bối cảnh hiện nay, khi các doanh nghiệp khó khăn trong việc tiếp cận vốn tín dụng xanh, việc nhân rộng mô hình chăn nuôi giảm phát thải vẫn là một thách thức lớn.

Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bộ tiêu chí xác định dự án xanh để giúp các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tín dụng xanh không chỉ trong nước mà còn từ nước ngoài. Dự thảo kế hoạch này đã đặt ra 5 quan điểm và mục tiêu với các nhóm nhiệm vụ, giải pháp cụ thể dành cho từng ngành. Đặc biệt, một trong các nhóm nhiệm vụ giải pháp là hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng kinh tế tuần hoàn trong sản xuất.

Bộ Tài nguyên và Môi trường khẳng định việc quản lý chất thải là một yếu tố quan trọng của kinh tế tuần hoàn, nơi chất thải từ ngành này có thể trở thành nguyên liệu cho ngành khác. Hỗ trợ thí điểm và nhân rộng các mô hình quản lý chất thải sẽ nằm trong kế hoạch này, nhằm tạo điều kiện về vốn và đất đai cho các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm thân thiện với môi trường.

Các doanh nghiệp đang kỳ vọng rằng dự thảo này sẽ mở ra cơ hội cho việc thúc đẩy nền chăn nuôi giảm phát thải, nhằm đạt được những mục tiêu đã cam kết tại Hội nghị Thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc lần thứ 26 (COP26), với mục tiêu không phát thải (Net Zero) vào năm 2050. Đây là xu hướng không chỉ cần thiết trong ngành chăn nuôi mà còn cho nhiều ngành khác./.

Đông Nghi