Hiệu quả từ các hầm biogas trong chăn nuôi trong hành trình giảm 30% phát thải khí mê – tan

Dự án Biogas cho ngành chăn nuôi được kỳ vọng đóng góp vào phát triển nông thôn và bảo vệ môi trường thông qua việc cung cấp năng lượng sạch và giá cả phải chăng cho các hộ gia đình nông thôn, cải thiện vệ sinh cộng đồng và sức khỏe của người dân nông thôn, tạo việc làm cho lao động nông thôn và giảm phát thải khí nhà kính.
phong-su-1-1731984010.jpg
Biogas cho ngành chăn nuôi giúp giảm phát thải khí mê - tan.

Theo Báo cáo kiểm kê quốc gia khí nhà kính gần đây cho thấy, phát thải khí nhà kính từ ngành chăn nuôi đang có xu hướng tăng qua các năm. Nếu như năm 2016, phát thải khí nhà kính từ ngành chăn nuôi là 18,5 triệu tấn CO2 tương đương, năm 2018 đã tăng lên mức 22,2 triệu tấn CO2, năm 2020 con số phát thải đã lên tới hơn 30,84 triệu tấn CO2.

Vì vậy, để đạt mục tiêu đến năm 2025, tổng lượng phát thải khí mê- tan trong chăn nuôi không vượt quá 16,8 triệu tấn CO2 tương đương, thì cần các giải pháp để quản lý chất thải trong chăn nuôi. Với lượng phát thải ra khí quyển lớn hơn 30,84 triệu tấn CO2 mỗi năm, nên đã thu hút được nhiều dự án thu hồi khí mê tan để bán tín chỉ carbon.

Hiện nay, tại Việt Nam dự án Biogas cho ngành chăn nuôi carbon thấp đã được Cơ chế Tiêu chuẩn vàng GS (Cơ chế GS được quản lý bởi Gold Standard Foundation - một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Thụy Sĩ) chứng nhận phát hành từ đầu năm 2021 với dự kiến 100.000 tín chỉ carbon mỗi năm. Ngoài ra, có ít nhất 2 dự án khác dự kiến thu hồi khí mê tan thông qua xử lý chất thải chăn nuôi có tên “Năng lượng sinh học cho nông nghiệp tuần hoàn” và dùng khí mê tan để phát điện đang trong giai đoạn đánh giá của GS.

Theo đó, chương trình hỗ trợ các trang trại chăn nuôi làm bể khí biogas, thu hồi khí mê tan trong quá trình xử lý phân trong chăn nuôi heo, để phát điện, đun nấu, thay cho dùng điện lưới, củi, than… Để chứng nhận phát hành tín chỉ carbon mục tiêu chung của dự án là khai thác hiệu quả công nghệ khí sinh học và phát triển ngành khí sinh học thương mại tại Việt Nam; đóng góp vào phát triển nông thôn và bảo vệ môi trường thông qua việc cung cấp năng lượng sạch và giá cả phải chăng cho các hộ gia đình nông thôn, cải thiện vệ sinh cộng đồng và sức khỏe của người dân nông thôn, tạo việc làm cho lao động nông thôn và giảm phát thải khí nhà kính.

phong-su-11-1731984010.jpg
Sử dụng biogas có thể giảm lượng lớn khí thải metan tại các trang trại nuôi bò sữa.

Ông Hoàng Anh Dũng, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Tư vấn đầu tư và Thương mại (INTRACO) cho biết: Tín chỉ carbon có giá trị cao đó là các dự án mang tính chất cộng đồng, nâng cao sức khỏe cho người dân. Ví dụ các dự án thu hồi khí mê – tan từ chất thải ngành chăn nuôi bằng các hầm biogas. Chương trình đem lại lợi ích cho 1 triệu người dân tại 53 tỉnh, thành phố, bằng cách hỗ trợ xây dựng các công trình khí sinh học tại nông hộ, hướng tới giảm phát thải khí nhà kính trong sản xuất, chăn nuôi. Đến nay dự án đã bán được hơn 4 triệu tín chỉ carbon, với nền nông nghiệp phát triển nhất là chăn nuôi, áp dụng các giải pháp để thu hồi khí mê tan, sẽ tạo ra được tín chỉ carbon và đây cũng là nguồn thu ổn định”.

Cùng với đó để đạt được mục tiêu trung hòa carbon, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đầu tư hầm biogas trong việc xử lý chất thải chăn nuôi. Điển hình tại 600 hộ liên kết nuôi bò sữa với Công ty CP Giống bò sữa Mộc Châu, Sơn La nên mỗi ngày, lượng chất thải trong quá trình chăn nuôi rất lớn. Vì vậy, toàn bộ chất thải hàng ngày của bò sữa được dọn rửa, đưa về bể thu gom để xử lý bằng men vi sinh, yếm khí, thổi khí. Sau đó chất thải sẽ được máy hút lên để tách nước và chất thải rắn.

Đối với nước khi được tách ra một phần chảy vào hầm biogas tạo ra khí đốt phục vụ sinh hoạt của gia đình, trang trại. Phần còn lại của nước thải chảy qua các bể xử lý bằng men vi sinh và enzym theo phương pháp hiếm khí. Sau đó, nước thải tiếp tục được đưa qua các bể lọc đến khi đạt tiêu chuẩn cho phép sẽ được đưa đi tưới cho đồng cỏ.

Ông Phạm Hải Nam, Tổng Giám đốc Công ty CP Giống bò sữa Mộc Châu, tỉnh Sơn La cho biết: Tại các trang trại, công ty đều cử cán bộ kỹ thuật đào tạo, chuyển giao công nghệ, hướng dẫn người nông dân quy trình xử lý chất thải. Với quy trình khép kín, sử dụng biogas có thể giảm lượng lớn khí thải metan, đồng thời giúp cắt giảm đáng kể chi phí năng lượng cho các hộ dân thay thế cho than, củi, điện. Thời gian tới, chúng tôi cũng sẽ áp dụng thêm các công nghệ mới để xử lý triệt để các nguồn chất thải này để có thể vừa là nguồn phân bón, cũng có thể thương mại mang lại nguồn thu ổn định cho người dân”.

phong-su-12-1731984010.jpg
Sử dụng triệt để khí metan sinh ra từ các công trình biogas giúp giảm phát thải khí nhà kính.

Tại COP26, Việt Nam cũng tham gia Cam kết giảm phát thải khí mê-tan toàn cầu. Việt Nam là một trong 103 quốc gia cam kết giảm phát thải khí mê-tan ít nhất 30% từ các hoạt động của con người vào năm 2030. Đến năm 2030, bảo đảm tổng lượng phát thải khí mê-tan trong chăn nuôi không vượt quá 15,2 triệu tấn CO2tđ.

Theo các chuyên gia, trong bối cảnh hiệu ứng nhà kính làm biến đổi khí hậu và tăng nhiệt độ toàn cầu. Ngành nông nghiệp Việt Nam, với vị trí là ngành “đóng góp” cao thứ hai vào phát thải khí nhà kính ở Việt Nam. Vì vậy, thực hiện các giải pháp giảm phát thải khí mê tan trong chăn nuôi  bằng thu hồi và sử dụng khí mê-tan trong xử lý chất thải đang mang lại hiệu quả cần được nhân rộng.

Ông Nguyễn Tiến Hải, Giám đốc Kỹ thuật - Công nghệ mới, Công ty Cổ phần Tư vấn Năng lượng và Môi trường (VNEEC) cho biết: Đối với việc xử lý khí metan sinh ra từ chất thải chăn nuôi, nhiều biện pháp quản lý chất thải chăn nuôi đã được ứng dụng như sử dụng triệt để khí metan sinh ra từ các công trình biogas cho mục đích phát điện, đun nấu. Nước thải của gia súc như bò có thể thu gom dưới hầm trở thành khí đốt từ mê tan, giúp cho các hộ nông dân tiết kiệm được thêm chi phí nhiệt năng. Đây là các giải pháp hiệu quả nhất để giảm phát thải mê – tan mà cộng đồng, doanh nghiệp có thể triển khai trong ngành chăn nuôi./.

Hương Lan