Ngành chăn nuôi bò thịt đứng trước thách thức và cơ hội để phát triển hơn nữa
Theo ông Phạm Kim Đăng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, chăn nuôi bò là nghề truyền thống của ngành nông nghiệp để cấp thịt, sức kéo, phân bón và làm nguyên liệu cho một số ngành nghề. Bộ NN&PTNT đã có nhiều chính sách khuyến khích, đẩy mạnh phát triển chăn nuôi bò nhằm là tạo việc làm, tăng thu nhập và cải thiện điều kiện sống cho người nông dân. Sản lượng bò thịt đang đáp ứng nhu cầu thực phẩm ngày càng cao của người tiêu dùng.
Về tiêu thụ, những năm gần đây, thói quen tiêu dùng thịt của người dân đã có xu hướng thay đổi, tăng tỷ trọng thịt bò (tăng trung bình 3,3%/năm) thịt gia cầm 8,4%/năm và giảm tiêu thụ thịt lợn. Sản lượng thịt bò nuôi trong nước chưa thể đáp ứng nhu cầu tiêu dùng.
Trong 9 tháng năm 2024, Việt Nam đã nhập khẩu gần 45.300 tấn thịt và phụ phẩm thịt từ bò, tăng 8% so với cùng kỳ năm 2023; trong đó, 3 thị trường cung ứng thịt và phụ phẩm thịt từ bò lớn nhất cho Việt Nam kể từ đầu năm lần lượt là Australia (66%), Canada (17%) và Mỹ (8%).
Tuy nhiên, lượng thịt bò của nước ta mới chỉ đáp ứng được khoảng 45 - 50% nhu cầu tiêu dùng trong nước, còn lại phải nhập khẩu. Mỗi năm, bình quân 1 người Việt Nam tiêu thụ khoảng 65 - 68 kg thịt hơi các loại và lượng tiêu thụ thịt bò mới chỉ khoảng 7 - 8 kg. Như vậy, mức tiêu thụ thịt bò của Việt Nam thấp hơn mức tiêu thụ thịt bò trung bình của thế giới là 9,5 kg.
Trong khi đó, thu nhập bình quân đầu người hàng năm ngày càng được cải thiện, mức tiêu thụ thịt các loại của người tiêu dùng Việt Nam cũng tăng lên đáng kể, đặc biệt là thịt bò. Đây là một thách thức nhưng cũng là một cơ hội để phát triển hơn nữa ngành chăn nuôi bò thịt tại Việt Nam trong thời gian tới.
Cũng theo ông Đăng, xu hướng chăn nuôi bò thịt trên thế giới đang có sự chuyển đổi mạnh mẽ dựa trên công nghệ và yêu cầu của thị trường như: sử dụng công nghệ quản lý và giám sát đàn bò, thức ăn chăn nuôi có công thức tối ưu giảm phát thải, chăn nuôi bò hữu cơ và nuôi cỏ tự nhiên, tăng cường lai tạo các giống bò thịt có năng suất cao, ứng dụng trí tuệ nhân tạo quản lý đàn bò, phát triển hệ thống xử lý chất thải và năng lượng tái tạo trong chăn nuôi. Các xu hướng này nhằm hướng tới mục tiêu tăng năng suất, chất lượng thịt, đồng thời giảm phát thải khí nhà kính từ hoạt động chăn nuôi.
Hiện nay, trên 90% số lượng bò thịt ở nước ta được nuôi theo phương thức nhỏ, phân tán trong các nông hộ, tập quán chăn nuôi cũ. Việc sử dụng thức ăn chăn nuôi bò chủ yếu vẫn là tận dụng các loại phụ phẩm trong nông nghiệp và chăn thả tự nhiên; trồng cỏ và chế biến thức ăn thô xanh chưa được ứng dụng rộng rãi. Vì chăn nuôi nhỏ lẻ, chất lượng con giống thấp, công nghệ chăn nuôi lạc hậu, chi phí đầu vào cao.
Bên cạnh đó, mô hình liên kết trong chăn nuôi bò thịt còn hạn chế. Hầu hết, bò thịt được bán cho thương lái khi đến tuổi giết thịt. Các chuỗi giá trị trong chăn nuôi bò có quá nhiều khâu trung gian làm giảm khả năng cạnh tranh của từng tác nhân nói riêng và toàn chuỗi giá trị nói chung; các sản phẩm chăn nuôi bò luôn bị thương lái ép giá. Do vậy, giá cả sản phẩm này bấp bênh, phụ thuộc nhiều vào tình hình thị trường, dịch bệnh.
Cần nâng vị thế ngành chăn nuôi bò thịt gắn với lộ trình giảm phát thải
Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho rằng, đối với một đất nước đi theo nền công nghiệp hóa, tự động hóa thì không thể nào tách rời sự phát triển của chăn nuôi bò thịt. Hiện cũng đã có nhiều chính sách để phát triển chăn nuôi bò thịt.
Việt Nam hiện có nhiều giống bò bản địa và lai chất lượng, phù hợp để phát triển đàn và chất lượng đàn bò. Việt Nam có thể học hỏi cách làm của Hàn Quốc về giống, thức ăn dinh dưỡng để nâng cao chất lượng, sản lượng cho đàn bò thịt nói riêng. Ngành Chăn nuôi cần rà soát lại các chương trình, công thức lai, đặc biệt là thụ tinh nhân tạo. Chúng ta có thể học hỏi kinh nghiệm của Hàn Quốc để chọn các vùng lai tạo bò thịt. Các hợp tác này phải đặt mục tiêu về kinh tế và chất lượng thịt.
Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, ngành chăn nuôi Việt Nam đang từng bước xây dựng vị thế với quy mô đàn lợn, gia cầm ở top đầu thế giới. Ngoài phục vụ nhu cầu tiêu dùng của hơn 100 triệu dân còn hướng tới xuất khẩu. Tuy nhiên, với đàn bò thịt thì gần đây quy mô có xu hướng giảm dù nhu cầu tiêu dùng tăng.
Mỗi năm sản lượng bò chăn nuôi trong nước đạt khoảng 500.000 tấn, chỉ mới đáp ứng được khoảng 60% nhu cầu tiêu dùng của người dân, phần còn lại phải nhập khẩu từ nước ngoài. Dù đã nhập khẩu thì mức tiêu thụ thịt bò bình quân đầu người của Việt Nam vẫn đang rất thấp so với các quốc gia khác.
Chiến lược phát triển chăn nuôi đặt mục tiêu nâng tỷ trọng thịt bò đạt 9 -10% trong tổng sản lượng (trên 8 triệu tấn) thịt các loại, hiện nay chỉ mới đạt 5 - 6%. Do đó, dư địa thị trường để phát triển ngành chăn nuôi bò thịt còn rất lớn, bao gồm các khâu từ sản xuất giống, thức ăn chăn nuôi, thú y phòng bệnh, giết mổ, chế biến.
Tuy nhiện, hiện nay, quy mô nhỏ lẻ, phân tán của bò thịt nói riêng chiếm tỷ lệ cao, với trên 90%. Thức ăn cho bò vẫn là chăn thả rông và tận dụng các loại phụ phẩm trong nông nghiệp. Kiểu chăn nuôi này dễ chịu rủi ro cao về dịch bệnh, hiệu quả thấp và làm gia tăng lượng phát thải ra ngoài môi trường. Chăn nuôi bò thịt đóng góp trên 50% tổng lượng phát thải toàn ngành chăn nuôi.
Theo ông Nguyễn Đức Trọng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Trang trại và doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam cho biết, ước tính mỗi năm ngành chăn nuôi tại Việt Nam thải ra 61 triệu tấn phân, trên 304 triệu m³ nước thải và thải ra gần 15 triệu tấn CO2. Vì vậy, trong thời gian tới, cần khuyến khích chăn nuôi phát triển theo hướng chuyên nghiệp hóa, áp dụng các mô hình chăn nuôi theo kinh tế tuần hoàn, giảm phát thải khí nhà kính…
Trao đổi về vấn đề này, ông Dương Tất Thắng, Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết, ngành Chăn nuôi đang tăng cường nhiều biện pháp kiểm soát môi trường và nâng cao hiệu quả xử lý chất thải chăn nuôi trong chăn nuôi bò thịt.
Cục Chăn nuôi đang khuyến khích các địa phương, doanh nghiệp đẩy mạnh ứng dụng các loại công nghệ xử lý chất thải chăn nuôi gắn với sản xuất phân bón hữu cơ và sản xuất năng lượng tái tạo. Các mô hình chăn nuôi bò thịt theo kinh tế tuần hoàn cũng được nhân rộng. Các trang trại chăn nuôi cũng phải được ứng dụng công nghệ thông tin, kiểm soát môi trường chăn nuôi bò cũng như theo dõi các chỉ số sinh lý, sinh hóa của vật nuôi nhằm tối ưu hóa môi trường chăn nuôi.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhận định, phát triển chăn nuôi bò thịt nói riêng phải tính đến kế hoạch triển khai thực hiện các cam kết của Việt Nam tại COP26, đưa ra phát thải ròng về 0 vào năm 2025.
“Chúng ta phải bảo đảm tổng lượng phát thải khí mê-tan không vượt quá 96,4 triệu tấn CO2 tương đương. Phát thải khí nhà kính trong ngành chăn nuôi giảm 18%, trong đó phát thải khí mê tan trong chăn nuôi không vượt quá 16,8 triệu tấn năm 2025 và 15,2 triệu tấn năm 2030. Đây là nhiệm vụ không dễ thực hiện”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh./.