Tăng cường năng lực cạnh tranh, hướng đến xuất khẩu
Đắk Nông đang tăng tốc chuyển đổi nông nghiệp theo hướng xanh và bền vững, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao nhằm giảm thiểu tác động đến môi trường. Tỉnh tập trung phát triển nông nghiệp hữu cơ, triển khai các mô hình canh tác thông minh giúp tiết kiệm nước, hạn chế sử dụng hóa chất và bảo vệ hệ sinh thái.

Nhiều hợp tác xã, doanh nghiệp địa phương đã chủ động chuyển đổi sang sản xuất cà phê, hồ tiêu, sầu riêng… theo tiêu chuẩn quốc tế như Rainforest Alliance, GlobalGAP. Sự thay đổi này không chỉ nâng cao giá trị nông sản mà còn góp phần bảo vệ tài nguyên đất, nước, mở rộng cơ hội xuất khẩu vào các thị trường khó tính.
Bên cạnh đó, tỉnh Đắk Nông cũng khuyến khích mô hình kinh tế tuần hoàn, tận dụng phụ phẩm nông nghiệp để sản xuất phân bón hữu cơ, giảm phát thải khí nhà kính và tối ưu hóa nguồn tài nguyên. Những bước đi này đang góp phần định hình một nền nông nghiệp hiện đại, thân thiện với môi trường và có sức cạnh tranh cao.

Nhằm thúc đẩy nông nghiệp thông minh và nâng cao hiệu quả quản lý, Đắk Nông đang xây dựng nền tảng dữ liệu số nông nghiệp. Hệ thống này gồm 6 phân hệ chính, tích hợp 47 nhóm chức năng quan trọng, hỗ trợ toàn diện các lĩnh vực như trồng trọt, chăn nuôi, bảo vệ rừng… Qua đó, doanh nghiệp và nông dân có thể dễ dàng ứng dụng công nghệ vào sản xuất, tối ưu quản lý và nâng cao năng suất.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng vận hành Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa. Hiện đã có 76 cơ sở với 145 sản phẩm tham gia, giúp nâng cao tính minh bạch trong sản xuất, tạo niềm tin cho người tiêu dùng và mở rộng cơ hội xuất khẩu cho nông sản địa phương.
Nông nghiệp cắt giảm hóa chất triệt để
Là một trong những doanh nghiệp tiên phong trong xu hướng phát triển nông nghiệp xanh, Công ty Cổ phần Nông nghiệp sạch Đắk Nông (TP. Gia Nghĩa) đang từng bước khẳng định vị thế với mô hình canh tác theo tiêu chuẩn GlobalGAP trên diện tích 22ha. Công ty tập trung sản xuất đa dạng nông sản như dâu tây, dưa lưới, dưa hấu baby, măng cụt, sầu riêng, bơ, vải thiều…
Toàn bộ quy trình xử lý phân bón và phòng trừ sâu bệnh tại Công ty đều tuân theo hướng hữu cơ 100%, nói không với hóa chất bảo vệ thực vật. Đặc biệt, công ty phát triển mô hình 2 ha trồng dâu, nuôi tằm, tận dụng phân tằm làm nguồn dinh dưỡng tự nhiên cho cây trồng, góp phần bảo vệ môi trường.

Bên cạnh đó, công ty còn ứng dụng công nghệ cao nhằm tối ưu hóa sản xuất và tiết kiệm tài nguyên. Hệ thống tưới tiêu tự động, công nghệ khử khuẩn tiên tiến theo tiêu chuẩn Israel và Nhật Bản được áp dụng để nâng cao chất lượng sản phẩm. Đồng thời, các giải pháp tiết kiệm năng lượng như nâng cấp máy móc, cải tiến công nghệ cũng được triển khai, giúp tăng công suất vận hành và giảm đáng kể mức tiêu thụ điện năng.
Bà Bùi Thị Khánh Hòa – Giám đốc Công ty cho biết định hướng sản xuất xanh đã được đặt ra từ nhiều năm trước và dần chuyển đổi trong từng khâu sản xuất. “Hiện công ty đang áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn khép kín, tận dụng phế phẩm nông nghiệp để sản xuất phân xanh, ủ thành phân hữu cơ, giúp cải tạo đất và giảm thiểu tối đa lượng phân bón hóa học.” - bà Khánh Hòa cho hay.
Cùng xu hướng chuyển đổi xanh, Công ty TNHH Thương mại Xuất nhập khẩu Nghiệp Xuân (TP. Gia Nghĩa) – một trong những doanh nghiệp xuất khẩu nông sản lớn của Đắk Nông – đã chủ động triển khai hàng loạt giải pháp nhằm xanh hóa sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm.

Đáng chú, công ty áp dụng phương thức canh tác hữu cơ và sinh học, xây dựng hệ sinh thái vườn cân bằng, hạn chế tối đa việc sử dụng hóa chất. Nhờ đó, các sản phẩm nông sản của doanh nghiệp không chỉ đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm mà còn loại bỏ nguy cơ tồn dư hóa chất độc hại, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu vào những thị trường khó tính.
Bên cạnh việc tối ưu hóa quy trình sản xuất, công ty cũng thực hiện nghiêm ngặt việc ghi chép nhật ký canh tác, sản xuất và thu hoạch. Quy trình này giúp đảm bảo khả năng truy xuất nguồn gốc minh bạch, góp phần nâng cao giá trị thương hiệu và sức cạnh tranh của nông sản Đắk Nông trên thị trường quốc tế.
Công nghiệp “xanh” theo hướng hiện đại và bền vững
Theo Đề án tái cơ cấu ngành Công Thương, Đắk Nông đặt mục tiêu phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững, lấy công nghệ tiên tiến làm động lực nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. Chủ trương này giúp công nghiệp Đắk Nông phát triển theo hướng bền vững và tạo động lực thu hút đầu tư, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương theo hướng hiện đại và hiệu quả hơn.

Dự kiến đến năm 2030, tốc độ tăng năng suất lao động công nghiệp của tỉnh đạt khoảng 7% mỗi năm, trong khi chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng trung bình 18,8%/năm. Đây là những chỉ tiêu quan trọng nhằm thúc đẩy tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành công nghiệp địa phương.
Bên cạnh đó, tỉnh đặc biệt chú trọng chiến lược nội địa hóa chuỗi cung ứng, giảm dần sự phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu. Đồng thời, Đắk Nông cũng định hướng phát triển công nghiệp xanh, công nghiệp carbon thấp, từng bước đưa doanh nghiệp tiếp cận xu hướng sản xuất thân thiện với môi trường, phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế.

Đắk Nông đặt mục tiêu đến năm 2030, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm 23% GRDP, trong đó giá trị sản phẩm công nghệ cao đạt khoảng 20%. Đây là bước đi quan trọng nhằm nâng cao giá trị gia tăng trong sản xuất công nghiệp, đồng thời thúc đẩy tăng trưởng theo hướng hiện đại và bền vững. Các nhà máy luyện kim, chế biến sâu bô xít trên địa bàn được yêu cầu ứng dụng công nghệ tiên tiến, tiết kiệm năng lượng, hạn chế phát thải nhằm đảm bảo phát triển công nghiệp không ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường.
Song song đó, tỉnh cũng khuyến khích đầu tư vào năng lượng tái tạo, thúc đẩy mô hình tuần hoàn tài nguyên trong sản xuất. Những giải pháp này không chỉ giúp ngành công nghiệp phát triển bền vững mà còn mở ra cơ hội thu hút đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh cho Đắk Nông trên bản đồ công nghiệp cả nước./.