Người dân Thanh Đông tiên phong làm nông nghiệp hữu cơ

Sau gần 10 năm canh tác nông nghiệp theo tiêu chuẩn hữu cơ, đến nay bà con nông dân thôn Thanh Đông đã thấm nhuần tư duy sản xuất nông nghiệp không sử dụng phân bón vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật…

Khu sản xuất rau củ hữu cơ Thanh Đông (xã Cẩm Thanh, thành phố Hội An, Quảng Nam) là nơi khởi đầu cho một nền nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ tại miền Trung. Được thành lập từ cuối năm 2013 với 8 hộ nông dân, với tổng diện tích hơn 6.300m2; nhưng đến cuối năm 2021, diện tích canh tác hữu cơ đã tăng lên 12.373m2.

Các nhóm rau được đưa vào sản xuất cũng tăng lên mạnh. Trước kia, vào vụ sản xuất, nông dân Thanh Đông chủ yếu trồng ngô, lạc; vào mùa mưa, họ chỉ biết trông trời và cây trồng chủ lực là rau lang - một loại rau có thể chịu được mưa.

vi-suc-khoe-nguoi-tieu-dung-de-tam-luon-an-nhien-tu-tai-1651029645.jpg
Rau hữu cơ sau khi thu hoạch đều được gắn tem chứng nhận sản phẩm

Đến nay, khu sản xuất rau củ hữu cơ Thanh Đông đã có hơn 30 loại chủng rau khác nhau, gồm rau ăn lá, củ quả và gia vị. Đây là những chủng loại rau nông dân chưa bao giờ nghĩ có thể trồng được ở vùng đất này, đặc biệt vào mùa mưa.

Những năm qua, bà con nông dân Thanh Đông không chỉ thay đổi tư duy sản xuất từ canh tác theo lối truyền thống sang canh tác theo tiêu chuẩn hữu cơ, mà còn xóa bỏ tư tưởng “đèn nhà ai, nhà ấy rạng”. Các hộ dân có trách nhiệm hơn trong sản xuất; tích cực chia sẻ kinh nghiệm, kĩ thuật chăm sóc, không chỉ ở những buổi sinh hoạt nhóm mà họ chia sẻ với nhau ngay tại đồng ruộng.

187902362-1776038582578933-207292222496749563-n-767x1024-1651029645.jpg
Nhiều bạn nhỏ đến trải nghiệm, tham quan vườn rau hữu cơ Thanh Đông.

Tất cả đều hướng về mục tiêu chung là quảng bá hình ảnh đẹp về nền nông nghiệp hữu cơ đến với nhiều người. Đồng thời, cung ứng những sản phẩm sạch, đạt chất lượng đến tay người tiêu dùng với nhãn hiệu chứng nhận của PGS Hội An.

Nhớ về khoảng thời gian đầu khi mới tiếp cận nông nghiệp hữu cơ, nông dân Phạm Mèo, Trưởng nhóm tâm sự: Lúc mới làm vườn cực lắm, thời tiết thì khắc nghiệt, mưa to gió lớn. Kỹ thuật nông nghiệp hữu cơ chưa nắm bắt kịp, cơ sở vật chất thiếu thốn, vốn đầu tư còn hạn hẹp…

Khó khăn là thế, nhưng ông Mèo và bà con nông dân nơi đây vẫn cố gắng, tích cực học hỏi và quyết tâm theo đuổi đến cùng nền nông nghiệp sạch. Để rồi, đến ngày hôm nay, khu sản xuất rau củ hữu cơ Thanh Đông đã có tên trên bản đồ hình chữ S, được nhiều người tiêu dùng ở Hội An nói riêng và Quảng Nam nói chung biết đến.

Nói như nông dân Huỳnh Tư (một thành viên trong nhóm), ngày nào không ra ruộng nhìn rau và hoa là ông cảm thấy thiếu thứ gì đó. Có lẽ, tình yêu với nông nghiệp hữu cơ, với những luống rau, bờ hoa…, đã in sâu vào trong trái tim ông.

Có dịp đến tham quan khu sản xuất rau củ hữu cơ Thanh Đông, du khách không chỉ được thưởng thức rau sạch, hít bầu không khí trong lành, mà còn được hòa mình vào những loài hoa đang đua nhau khoe sắc.

277813699-10160228137858322-5415033175579841172-n-1651029645.jpg
Sản phẩm hữu cơ của PGS Hội An được trưng bày tại 1 Hội thảo mới diễn ra ở Hà Nội.

“Hầu hết xen kẽ các luống rau đều được bà con nông dân trồng hoa. Ngoài tác dụng làm đẹp cho vườn, hoa là nơi vô cùng lý tưởng cho loại côn trùng sinh sống và dẫn dụ các loại sâu bọ tới ăn, thay vì ăn rau”, một nông dân chia sẻ.

Với nỗ lực của nông dân, cùng sự ủng hộ hết mình của lãnh đạo các cấp, đặc biệt là Ban điều phối PGS Hội An, khu sản xuất rau củ hữu cơ Thanh Đông sớm trở thành điểm cung cấp rau sạch, an toàn cho người tiêu dùng. Hiện, các nhóm rau đang canh tác tại đây đều được hệ thống PGS Hội An giám sát và cấp chứng nhận.

PGS lâm thời Hội An ra đời vào năm 2014, gồm 17 thành viên. Từ khi thành lập, PGS Hội An phát triển nông nghiệp hữu cơ dựa trên bộ tiêu chuẩn PGS Việt Nam được IFOAM công nhận, để hướng dẫn kỹ thuật cho nông dân sản xuất và làm căn cứ đánh giá sự tuân thủ.

Mặc dù, tuổi đời còn non trẻ, song những năm qua, PGS Hội An đã góp công sức lớn lao làm thay đổi tư duy sản xuất của người dân, giúp họ nhận thức được việc nếu lạm dụng thuốc BVTV, phân bón vô cơ… quá nhiều sẽ ảnh hưởng xấu tới sức khỏe của đất, môi trường và con người.