Nhờ sự hỗ trợ đắc lực của KHCN, trên địa bàn tỉnh đã có nhiều mô hình nông nghiệp công nghệ cao hình thành, một số sản phẩm nông nghiệp xây dựng được thương hiệu và từng bước khẳng định chỗ đứng trên thị trường.
"Khoa học và công nghệ được xem là giải pháp tác động trực tiếp đến năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa nông sản và dịch vụ trên thị trường. Nhiều kết quả nghiên cứu khoa học trong thời gian qua được chuyển giao, ứng dụng vào sản xuất nông nghiệp như giống mới, quy trình công nghệ, tiến bộ kỹ thuật mới đã góp phần giảm chi phí đầu tư, tăng lợi nhuận và mang lại hiệu quả kinh tế cao trong sản xuất nông nghiệp.
Sở Khoa học và Công nghệ Tuyên Quang đang tiếp tục phối hợp với các cơ quan, ban, ngành có liên quan tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp", ông Nguyễn Đại Thành, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ cho biết.
Trong khi nhiều nơi đã thu hoạch xong vụ chè đông và cho đốn cành, tạo tán cho chè chờ thu hoạch vụ chè Xuân, 4 ha chè của gia đình anh Nguyễn Mạnh Thắng, thôn Trung Long, xã Trung Yên (Sơn Dương) vẫn cho thu hoạch vụ chè Đông – Xuân, chè trái vụ nên giá bán và chất lượng chè cao hơn.
Anh Thắng cho biết, trồng chè theo phương pháp truyền thống, cây chè chỉ cho thu hoạch từ tháng 2 đến tháng 11 âm lịch hàng năm. Việc tưới chè chủ yếu được thực hiện qua việc dùng máy bơm áp lực, không đảm bảo được cường độ, không tưới được đều, vừa lãng phí nước, vừa bị rửa trôi phân bón.
Cách đây 5 năm về trước, gia đình anh đã ứng dụng công nghệ tưới phun mưa cho chè. Nước từ các van xoay phun mưa đều trên lá, trên luống chè như cơn mưa tự nhiên. Phương pháp này hiệu quả nhất đối với thời điểm ít mưa, chè trồng trên nương, đồi cao, giúp người trồng có thể chủ động về nước cũng như quá trình sinh trưởng của cây.
Diện tích chè nhờ được tưới phun mưa cho năng suất đạt 90 - 100 tấn/ha/năm, tăng 20% năng suất; tiết kiệm 30% lượng nước tưới; giảm 30% chi phí chăm sóc, chủ động được thời gian bón phân, phun thuốc; chất lượng chè tốt và ổn định, cây chè cho thu hoạch quanh năm.
Tham gia dự án “Ứng dụng các giải pháp khoa học và công nghệ quản lý hiệu quả chất thải chăn nuôi lợn”, người dân được chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật về cách phối trộn khẩu phần ăn cân bằng dinh dưỡng hoàn chỉnh cho lợn, vắc xin tiêm phòng, cách xử lý chất thải bằng hệ thống máy tách phân hiện đại và ủ phân theo công nghệ Nhật Bản - VCN...
Tương tự như anh Thắng, gia đình anh Hoàng Văn Mão, thôn Yên Phú, xã Đại Phú (Sơn Dương) chia sẻ, nhờ áp dụng triệt để các quy trình, kỹ thuật chuyển giao và sử dụng thức ăn tự phối trộn nên chi phí thấp hơn từ 1.000 đ - 1.500 đ/kg thức ăn, đàn lợn hơn 150 con lợn của gia đình lớn nhanh đạt khối lượng từ 110 - 120 kg/con, sức đề kháng tốt mà chất lượng thịt thơm, ngon. Trừ các khoản chi phí gia đình anh thu lãi từ 1,5 - 1,9 triệu đồng/con lợn.
Ngoài ra, sau khi tách ép chất thải cho xuống bể Bioga tạo khí sinh học, chất thải thu được để sản xuất phân bón hữu cơ, đảm bảo vệ sinh môi trường. Ngoài thu nhập từ lợn thương phẩm, gia đình anh có thêm khoản thu nhập từ số phân bón hữu cơ này.
Hoạt động nghiên cứu khoa học còn đóng góp quan trọng trong việc xây dựng nhãn hiệu và phát triển thương hiệu các sản phẩm đặc sản của tỉnh như: Bưởi Phúc Ninh, hồng Xuân Vân (Yên Sơn); trà đậu đen xanh lòng, bánh gai, lạc Chiêm Hóa; chè xanh Trung Long (Sơn Dương), chè Shan (Na Hang)...
Đồng thời, từng bước xây dựng chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm “Cam sành Hàm Yên”; xây dựng và phát triển nhãn hiệu Vịt bầu Minh Hương (Hàm Yên); lựa chọn được giống lạc phù hợp với địa bàn huyện Chiêm Hóa là giống lạc đặc sản L14; thay thế, thâm canh một số giống chè mới có năng suất, chất lượng cao gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị; nhân giống giống trâu ngố, cá Anh Vũ đặc sản quý hiếm bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo... Giúp người nông dân nâng cao giá trị sản phẩm, tăng thu nhập.
Có thể thấy, sau nhiều năm thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, việc ứng dụng KHCN vào sản xuất đã thực sự mang lại hiệu quả, tạo ra chuyển biến đột phá trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Công tác nghiên cứu và ứng dụng các kết quả nghiên cứu về công nghệ sinh học, vi sinh và giống cây trồng, vật nuôi đã góp phần phục vụ yêu cầu nâng cao giá trị sản phẩm hàng hóa, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cơ cấu kinh tế nông nghiệp địa phương phát triển bền vững./.