Nghiên cứu và xây dựng mô hình thí điểm điện mặt trời kết hợp nông nghiệp

Vừa qua, Chương trình Hỗ trợ Năng lượng GIZ (GIZ/ESP), Trường Đại học Đà Lạt, ENVELOPS Co. Ltd., HAEZOOM Corp., Korea Leading Engineering System Inc., Green Technology Center và Fraunhofer Institute for Solar Energy Systems ISE e.V. đã tổ chức Lễ ký kết Biên bản ghi nhớ với mục tiêu thiết lập mối quan hệ đối tác chặt chẽ và hợp tác tích cực giữa các bên trong việc nghiên cứu và xây dựng mô hình thí điểm điện mặt trời kết hợp nông nghiệp.

Đây là một trong những hoạt động hợp tác giữa Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức GIZ, dưới sự tài trợ của Bộ Hợp tác Kinh tế và Phát triển CHLB Đức (BMZ) với các đối tác phát triển, đối tác nghiên cứu và tư nhân nhằm thực hiện mục tiêu xây dựng và thúc đẩy triển khai các giải pháp năng lượng xanh, giúp Việt Nam từng bước hiện thực hóa tiến trình chuyển dịch năng lượng bền vững và đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Lễ ký kết có sự tham gia của ông Nguyễn Văn Sơn, Phó chủ tịch UBND TP Đà Lạt; ông Kim Kyoung-Min, Phó đại diện Cơ quan năng lượng Hàn Quốc tại Việt Nam; ông Nguyễn Văn Khánh, Phó giám đốc Sở Công Thương tỉnh Lâm Đồng; ông Võ Danh Tuyên, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng; ông Huỳnh Đức Thuận, Phó phòng Quản lý Công nghệ - Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Lâm Đồng; ông Nguyễn Tất Thắng, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Đà Lạt; và đại diện các đối tác của dự án và doanh nghiệp tư nhân.

Phát biểu tại buổi lễ ký kết, ông Thomas Krohn, Quản lí dự án - Chương trình Hỗ trợ Năng lượng GIZ (ESP) nhấn mạnh: “Mô hình kết hợp điện mặt trời với nông nghiệp là một mô hình mới mẻ không chỉ tại Việt Nam mà còn trên thế giới. GIZ thấy rằng đây là một mô hình với nhiều tiềm năng cho Việt Nam, một quốc gia với nền nông nghiệp quy mô lớn và nhu cầu sử dụng điện ngày càng cao để đáp ứng tốc độ phát triển kinh tế.

nghien-cuu-va-xay-dung-mo-hinh-thi-diem-dien-mat-troi-ket-hop-nong-nghiep-1650893132.jpg
Lễ ký kết thí điểm điện mặt trời kết hợp nông nghiệp.

Trong mô hình này, hiệu số sử dụng đất được tăng lên nhờ việc tận dụng khoảng không gian phía trên đất nông nghiệp cho sản xuất điện từ năng lượng mặt trời. Nếu được nghiên cứu bài bản và tính toán cẩn thận, khi được nhân rộng mô hình này sẽ tạo ra nguồn năng lượng sạch đáng kể không chỉ cho nông nghiệp mà cả các hoạt động kinh tế trong vùng. Chúng tôi hy vọng rằng GIZ có thể chung tay mở ra một hướng đi mới giúp đưa Việt Nam tới trung hòa carbon vào năm 2050”.

PGS.TS Nguyễn Tất Thắng, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Đà Lạt cho biết: “Biên bản ghi nhớ hợp tác này giữa các bên sau khi được triển khai thực hiện sẽ giúp cho nhà trường xây dựng hệ thống điện mặt trời cho hệ thống nhà kính và hệ thống nông nghiệp ngoài trời, phục vụ nghiên cứu ứng dụng trong nông nghiệp công nghệ cao, và chuyển giao công nghệ nói trên cho nông dân tỉnh Lâm Đồng nói riêng và khu vực Tây Nguyên nói chung. Chúng tôi tin tưởng rằng, công nghệ này là một đóng góp quan trọng không chỉ cho ngành nông nghiệp của tỉnh mà còn là giải pháp năng lượng sạch cho khu vực”.

Kinh nghiệm của các đối tác Hàn Quốc với các dự án điện mặt trời kết hợp nông nghiệp, đặc biệt về khía cạnh thiết kế hệ thống, mô hình hóa, dự đoán quang năng, nông nghiệp thông minh, sẽ được chia sẻ với các bên cùng tham gia vào dự án này. Thông qua hợp tác giữa ba chính phủ Việt Nam, Đức và Hàn Quốc, mô hình điện mặt trời kết hợp nông nghiệp có thể được tối ưu hóa cho nền nông nghiệp của TP Đà Lạt nơi hiện nay, các hoạt động sản xuất nông nghiệp còn phụ thuộc nhiều vào nguồn năng lượng truyền thống.

Kết quả của dự án có thể hỗ trợ chiến lược của TP Đà Lạt về giảm lượng khí thải carbon và thúc đẩy hệ thống nông nghiệp thông minh. Hợp tác chính phủ giữa Việt Nam và Hàn Quốc sẽ do Green Technology Center chủ trì. ENVELOPS, nhà phát triển dự án năng lượng tái tạo tập trung vào các vấn đề biến đổi khí hậu, hiện đang tiến hành nghiên cứu khả thi về dự án điện mặt trời nông nghiệp 10MW tại Đà Lạt với Bộ Doanh nghiệp vừa và nhỏ Hàn Quốc, và dự án thử nghiệm này sẽ là một trong những dấu mốc quan trọng của nghiên cứu về tiềm năng thực tế của hệ thống tại Đà Lạt.

Trong buổi lễ này, Cơ quan Năng lượng Hàn Quốc (KEA) cũng đã gửi một lời chúc mừng tới sáng kiến ​​quan trọng này. KEA là cơ quan chính phủ thuộc Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng thực hiện các chính sách năng lượng quốc gia về cải thiện hiệu quả năng lượng, phổ biến năng lượng mới và tái tạo và giảm thiểu biến đổi khí hậu.

Biên bản ghi nhớ hợp tác này sẽ có hiệu lực trong 3 năm, thể hiện tầm nhìn và nỗ lực của các bên trong việc cùng nhau thực hiện thành công mục tiêu phát triển bền vững.

Mô hình điện mặt trời kết hợp nông nghiệp (agrivoltaics) là mô hình kết hợp lắp đặt các tấm quang năng lên trực tiếp diện tích đất sản xuất nông nghiệp. Ưu điểm của mô hình này là hiệu suất sử dụng đất cao, tận dụng được khoảng không trong nông nghiệp cho sản xuất điện sạch. Điện được làm ra sẽ được tận dụng cho chính các hoạt động sản xuất, chế biến và lưu trữ nông sản tại chỗ cũng như hoạt động kinh tế ở các khu vực lân cận.
Dự án thí điểm này tại Đà Lạt do bảy đối tác cùng thực hiện bao gồm: Chương trình Hỗ trợ Năng lượng GIZ (GIZ/ESP), Trường Đại học Đà Lạt, ENVELOPS Co. Ltd., HAEZOOM Corp., Korea Leading Engineering System Inc., Green Technology Center và Fraunhofer Institute for Solar Energy Systems ISE e.V.