Nghị quyết 33: Kịp thời tháo gỡ nhiều điểm nghẽn cho thị trường bất động sản

Theo các chuyên gia, Nghị quyết 33 ra đời đã kịp thời “bắt đúng mạch”, gỡ khó những điểm nghẽn cần khơi thông cho thị trường bất động sản trong thời điểm hiện nay. Với bước ngoặt này, thị trường được kỳ vọng sẽ sớm phục hồi mạnh mẽ trong thời gian tới.

Tháo gỡ khó khăn về vốn và pháp lý

Nhằm gỡ khó về dòng vốn cho doanh nghiệp, ngày 5/3, Chính phủ đã ban hành Nghị định 08 giúp doanh nghiệp bất động sản không rơi vào “ngõ cụt” khi cho phép doanh nghiệp phát hành trái phiếu đàm phán với trái chủ gia hạn thêm thời hạn tối đa 2 năm…

Tiếp đó, ngày 11/03/2023, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị quyết số 33/NQ-CP (Nghị quyết số 33) về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh bền vững đã cho thấy sự quyết liệt của Chính phủ về việc quyết tâm tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy trở lại sự ổn định, phát triển bền vững cho thị trường bất động sản Việt Nam.

Theo đó, Nghị quyết 33 đã tập trung tháo gỡ hai vướng mắc cơ bản của thị trường bất động sản là pháp lý và nguồn vốn.
Cụ thể, về pháp lý, nghị quyết đã yêu cầu các cơ quan Chính phủ nghiên cứu xây dựng, hoàn thiện và ban hành 4 nghị định sửa đổi, bổ sung các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai, Luật Đầu tư, các nghị định thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Xây dựng và các quy định về trình tự, thủ tục triển khai dự án nhà ở thương mại, khu đô thị…; yêu cầu các địa phương tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về pháp lý, thủ tục chuẩn bị đầu tư các dự án nhà ở và cải cách thủ tục hành chính, chấm dứt việc đùn đẩy trách nhiệm, gây khó khăn hoặc chậm trễ trong giải quyết các thủ tục triển khai dự án bất động sản.

Về nguồn vốn, Nghị quyết 33 đã nhấn mạnh sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp, nhà đầu tư, người mua nhà được nhanh chóng tiếp cận nguồn vốn tín dụng; có biện pháp cho doanh nghiệp bất động sản được giãn nợ gốc, lãi vay, cơ cấu lại nhóm nợ; có biện pháp hiệu quả giảm lãi suất cho vay; xem xét điều chỉnh phù hợp hệ số rủi ro đối với các phân khúc bất động sản khác nhau…

fdi-1681801053.jpg
Nghị quyết 33: Kịp thời tháo gỡ nhiều điểm nghẽn cho thị trường bất động sản. Ảnh minh họa

Hoãn nợ, giãn nợ cho doanh nghiệp gặp khó khăn

Theo Nghị quyết, Chính phủ sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, người mua nhà và nhà đầu tư được nhanh chóng tiếp cận nguồn vốn tín dụng. Cùng với đó là có biện pháp xử lý phù hợp cho các doanh nghiệp bất động sản khó khăn như giãn nợ gốc, lãi vay, cơ cấu lại nhóm nợ…

Ngoài ra, các dự án bất động sản có đủ điều kiện pháp lý, khả năng tiêu thụ sản phẩm và kế hoạch trả nợ cũng sẽ được tạo điều kiện tiếp cận tín dụng. Các doanh nghiệp nhận định, đây sẽ là động lực giúp các doanh nghiệp hoàn thành nốt các dự án đang dở dang, người dân có thể nhận nhà, tránh cảnh đình trệ, đóng băng giao dịch.

Theo ông Lê Hoàng Châu, chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, nút thắt cần gỡ sớm nhất là về vốn, trái phiếu và tín dụng cho bất động sản. Chính phủ đã ban hành nghị định 08 để gỡ khó về trái phiếu, nhưng Ngân hàng Nhà nước không cho phép ngân hàng thương mại và công ty con mua trái phiếu của doanh nghiệp nhằm mục đích đảo nợ, cũng không cho doanh nghiệp phát hành được vay để xử lý trái phiếu đáo hạn.

Cũng theo ông Châu, Nghị quyết 33 cho doanh nghiệp bất động sản được giãn nợ, tái cấu trúc khoản nợ để không nhảy nhóm sang nhóm nợ xấu. Trong khi đó, hệ thống ngân hàng phải đặt vấn đề an toàn hệ thống tín dụng lên trên hết. Do vậy, nếu không có biện pháp kịp thời, thiết thực thì sẽ không thực hiện được giải pháp giãn nợ, cấu trúc lại nợ, và nghị quyết không đi vào cuộc sống.

Gói tín dụng 120.000 tỷ đồng phát triển nhà ở xã hội

Nghị quyết 33 cũng được các chuyên gia đánh giá sẽ tạo ra động lực phát triển phân khúc nhà ở xã hội, cho người thu nhập thấp trong năm nay. Cụ thể, các vấn đề về quy hoạch, bố trí quỹ đất, quyền lợi và ưu đãi chủ đầu tư, xác định giá và đối tượng thụ hưởng nhà ở xã hội…, đã được định hướng rõ ràng. Từ đây, các địa phương đưa ra giải pháp phù hợp.

Bên cạnh đó, để có vốn hỗ trợ phát triển ít nhất 1 triệu căn nhà ở nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng từ nguồn vốn góp của 4 ngân hàng lớn, cho chủ đầu tư, người mua nhà của các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân. Mức lãi suất gói tín dụng này sẽ thấp hơn 1,5-2% lãi suất vay trung dài hạn bình quân của các ngân hàng thương mại Nhà nước trong từng thời kỳ. Nguồn vốn của gói tín dụng này có thể lớn hơn nếu có sự tham gia của các ngân hàng thương mại khác

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) cho rằng, nhà nước cần có những quy định cụ thể để triển khai gói 120.000 tỷ đồng mà ngân hàng nhà nước vừa công bố, đặc biệt là việc quy định rõ đối tượng những nhóm được tiếp cận nguồn vốn này.

"Chúng tôi đề xuất, ngoài những nhóm đối tượng phát triển nhà ở xã hội, giá rẻ, bình dân thì cũng cần lưu ý những dự án bất động sản đang ở giai đoạn gần hoàn thành nhưng chỉ vì thiếu vốn nên tắc nghẽn kể cả là dự án nhà ở cao cấp, trung cấp... Nếu được giải tỏa, chúng ta sẽ kích thích được nguồn cung trên thị trường, sẽ mang lại ý nghĩa và giá trị nhất định", ông Đính cho hay.

Ngoài ra, ông Đính cho rằng, đối với gói tín dụng trên cần phải có thông tư hướng dẫn cụ thể. Đây là việc trọng tâm cần thực thi, với cơ quan chủ chốt là Bộ Tài chính. Theo đó, nhà nước cần sớm ban hành các quy định để tháo gỡ cho phân khúc nhà ở xã hội. Hiện nay Chính phủ đang vận động nhiều doanh nghiệp đăng ký, nhưng vẫn còn rất nhiều rào cản vướng mắc trong các quy định, đặc biệt là các quy định pháp luật. Để thúc đẩy được loại hình này, rất cần những chính sách cụ thể nhằm tháo gỡ, nhất là về thủ tục hành chính pháp lý.

Cũng theo ông Đính, doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp lĩnh vực bất động sản nói riêng cần có các phương án tái cấu trúc cho phù hợp với nền kinh tế và nguồn lực của mình; đồng thời, cấu trúc lại dòng sản phẩm phù hợp để dễ hấp thụ với thị trường, nhằm có dòng tiền giúp doanh nghiệp khởi động trở lại./.

Đông Nghi