Nghệ An: Những thành quả từ chương trình OCOP

Sau 6 năm triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), toàn tỉnh Nghệ An đã có 567 sản phẩm OCOP đạt hạng 3 sao trở lên. Chương trình OCOP đã góp phần phát triển sản phẩm chủ lực của địa phương, từng bước chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp manh mún, nhỏ lẻ sang sản xuất theo hướng liên kết chuỗi giá trị…
img-7705-1719502442.JPG
Sản phẩm mây tre đan của HTX Đức Phong đạt tiêu chuẩn OCOP 5 sao và được xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới.

Theo đó, Nghệ An hiện có 529 sản phẩm OCOP đạt 3 sao, 37 sản phẩm đạt 4 sao, 01 sản phẩm đạt 5 sao và 02 sản phẩm đạt tiềm năng 5 sao, hiện tỉnh đang hoàn thiện hồ sơ trình Trung ương đánh giá, công nhận.

Sự phát triển của các sản phẩm OCOP đã gắn với khai thác vùng nguyên liệu địa phương, gắn với chỉ dẫn địa lý như: Cam Vinh, Gừng Kỳ Sơn, Gà đồi Thanh Chương, Gạo Vĩnh Hòa, Lạc Diễn Châu. Doanh thu của các sản phẩm đạt hạng 03 sao trở lên hàng năm tăng khoảng 8,0%. Đến nay, có 94/562 sản phẩm OCOP đã vào được hệ thống các chuỗi cung ứng, hệ thống các cửa hàng thực phẩm, bách hóa, các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP.

Một số sản phẩm OCOP chế biến từ nông sản đã tìm được thị trường xuất khẩu ổn định, như: Sản phẩm chè búp có thị trường ổn định tại các nước Tây Á; sản phẩm nước mắm tiêu thụ tại thị trường Lào, Nhật Bản, Hàn Quốc và một số sản phẩm đã xuất khẩu qua các thị trường khó tính như: Pháp, Đức, Hà Lan, Thụy Điển, Đan Mạch, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc…

Đến hết tháng 5/2024, toàn tỉnh có 266.373 hộ sản xuất nông nghiệp được đưa lên các sàn thương mại điện tử; 300.047 hộ sản xuất nông nghiệp được đào tạo kỹ năng; 8.836 sản phẩm được đưa lên sàn, xếp thứ 5 cả nước về số sản phẩm nông nghiệp được đưa lên sàn.

Chương trình OCOP đã góp phần tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 2.300 lao động và 1.800 - 2.000 lao động thời vụ, với thu nhập bình quân 3,5 - 4 triệu đồng/người/tháng; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn, nhất là phát huy vai trò lao động nữ và lao động đồng bào dân tộc thiểu số.

Các sản phẩm OCOP sau khi được công nhận đã gia tăng giá trị, góp phần giúp các chủ thể tăng quy mô sản xuất và doanh thu. Sản phẩm OCOP đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm; có mẫu mã, bao bì đa dạng và thân thiện với môi trường, phù hợp với yêu cầu của thị trường.

img-7706-1719502442.JPG
Sản phẩm Sen Quê Bác hiện đã có 11 sản phẩm đạt sao OCOP và được Thủ tướng Chính phủ trao tặng danh hiệu sản phẩm Quốc gia.

Đến nay, toàn tỉnh đã có 36 dự án/kế hoạch liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm được phê duyệt hỗ trợ trên địa bàn 11 huyện, thị xã, với tổng kinh phí hỗ trợ từ năm 2019 đến 2025 là gần 65 tỷ đồng. Tổng số hộ dân tham gia trong các dự án/kế hoạch liên kết là gần 14.000 hộ, tổng quy mô thực hiện liên kết là gần 3.900 ha. Một số đơn vị đã áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, công nghệ cao, cơ giới hóa đồng bộ vào sản xuất và thực hiện rất tốt khâu sơ chế, chế biến sản phẩm sau thu hoạch.../.

Quốc Cường