Sau gần 6 năm thực hiện Chương trình OCOP, tỉnh Thanh Hóa đã có 479 sản phẩm được gắn sao và hàng chục sản phẩm đã được đánh giá, xếp hạng lại khi hết hạn 36 tháng công nhận. Song, đến nay toàn tỉnh mới có 1 sản phẩm được nâng hạng từ 3 sao lên 4 sao và 1 sản phẩm đã đăng ký nâng hạng, đang chờ thẩm định.
Theo đó, nhiều sản phẩm đã đầu tư máy móc, trang thiết bị, quy mô sản xuất để đảm bảo nâng hạng cho sản phẩm theo quy định. Tuy nhiên, quá trình thực hiện hồ sơ, chờ Hội đồng đánh giá, thẩm định lại gặp rất nhiều khó khăn.
Ông Phạm Minh Tôn, Giám đốc Công ty CP sản xuất chế biến cói xuất khẩu Việt Anh cho biết: “Ngay từ giai đoạn đầu Công ty đăng ký tham gia sản phẩm OCOP đã được Hội đồng đánh giá cao, và đã có sản phẩm đạt 4 sao. Để tiếp tục nâng sao cho sản phẩm công ty đã tích cực hoàn thiện các khâu làm hồ sơ cho 3 sản phẩm để OCOP lên 5 sao. Tuy nhiên đã 3 năm nay vẫn chưa có kết quả, trong khi thủ tục, hồ sơ sửa đi sửa lại nhiều lần rất mất thời gian”.
Không chỉ gặp khó khăn trong quá trình thẩm định nâng hạng cho sản phẩm OCOP, một số sản phẩm giai đoạn đầu khi đã hết hạn, đi thẩm định lại cũng gặp rất nhiều khó khăn.
Ông Nguyễn Văn Tuấn, Chủ thể sở hữu 6 sản phẩm OCOP về Đông trùng hạ thảo tại Nga Sơn cho biết: “Khi chúng tôi đã tập trung đầu tư để sản phẩm được nâng sao thì lại gặp không ít khó khăn về thủ tục, hồ sơ, vì ban đầu tôi chỉ đăng ký hộ kinh doanh, nhưng sau chuyển thành doanh nghiệp nên vướng mắc ở khâu bảo hộ. Không chỉ có vậy, một số sản phẩm OCOP sau khi hết hạn, tôi đã làm hồ sơ thẩm định lại cũng không được”.
Ông Phạm Văn Sinh, Phó Trưởng phòng NN&PTNN huyện Nga Sơn cho biết: “Bộ tiêu chí OCOP giai đoạn 2021-2025 Quyết định 148/QĐ-TTg ngày 24/2/2023 của Thủ tướng Chính phủ có nhiều thay đổi, tiêu chí đánh giá khắt khe hơn. Đồng thời bổ sung một số tiêu chí mới nhằm nâng cao chất lượng, giá trị và khai thác các giá trị văn hóa của sản phẩm OCOP, khuyến khích sự tham gia của phụ nữ, đồng bào dân tộc thiểu số, như: Sở hữu trí tuệ, tài liệu hướng dẫn sử dụng sản phẩm… dẫn đến nhiều sản phẩm đã lập hồ sơ để thẩm định nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả”
Cũng theo ông Sinh, sau khi Bộ Tài Chính ban hành Thông tư 55 ngày 15/8/2023 Quy định mức chi thưởng cho các sản phẩm OCOP 5 sao, 4 sao, 3 sao lần lượt là 15 triệu đồng, 10 triệu đồng và 8 triệu đồng; Mỗi sản phẩm OCOP chỉ được nhận thưởng 1 lần ở cùng mức độ sao công nhận. Trường hợp nâng sao chỉ được hưởng thêm mức chênh lệch giữa 2 mức độ sao. Tức là nếu nâng từ 3 sao lên 4 sao, sản phẩm được hưởng mức chênh là 2 triệu đồng, từ 4 sao lên 5 sao được hưởng 5 triệu đồng đã khiến cho các chủ thể gặp rất nhiều khó khăn, vì kinh phí thẩm định lại cũng tương đương với cấp mới.
Theo Quyết định số 148/QĐ-TTg nêu rõ, các sản phẩm OCOP sau khi hết hiệu lực, các chủ thể có thể đăng ký sản phẩm để được đánh giá, phân hạng, nâng hạng sản phẩm thường xuyên, liên tục (theo kế hoạch và chu trình OCOP của địa phương), chậm nhất là 30 ngày trước ngày hết hạn. Bên cạnh đó, Quyết định cũng nêu rõ thủ tục, hồ sơ đăng ký chứng nhận, nâng hạng sao cho sản phẩm OCOP khi đủ điều kiện theo quy định./.