Nông dân nuôi tôm thu 90 tỷ đồng đề xuất mục tiêu xuất khẩu đạt 10 tỷ USD

Nông dân Đặng Văn Bảy là người nuôi tôm nổi tiếng ở tỉnh Bến Tre. Ông hiện có 45ha nuôi tôm công nghệ cao năm nay thu về 90 tỷ đồng, lợi nhuận khoảng 15 tỷ đồng.

Tại Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân, ông Bảy đã có những đề xuất tâm huyết để ngành tôm đạt mục tiêu xuất khẩu 10 tỷ USD.

ty-phu-nuoi-tom-02-1704019432.jpg
Ông Đặng Văn Bảy từ đầu cầu Bến Tre đặt câu hỏi tại Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân.

Tỷ phú nuôi tôm và mục tiêu xuất khẩu đạt 10 tỷ USD

Tại hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân Việt Nam năm 2023 chiều 30/12, nông dân Đặng Văn Bảy ở Bến Tre, cho biết, ông có 45ha nuôi tôm công nghệ cao.

Nhờ công nghệ số nên công nhân phụ trách các ao nuôi của ông chỉ cần cầm điện thoại thông minh mở app (ứng dụng), sau vài cú “gẩy tay”, hệ thống máy ở các ao tự động cho tôm ăn. Muốn biết kích cỡ tôm cũng chỉ việc mở app chụp ảnh con tôm cho ra ngay kết quả chính xác. Năm nay, doanh thu tính đến thời điểm này đạt 90 tỷ đồng, lợi nhuận khoảng 15 tỷ đồng.

Được biết, ông Đặng Văn Bảy là người tiên phong đi đầu trong việc phát triển mô hình nuôi tôm công nghệ cao, cũng là một nông dân tỷ phú đã từng được nhận danh hiệu "Nông dân Việt Nam xuất sắc".

Ông Bảy không chỉ là người đầu tiên ở Thạnh Phú nuôi tôm công nghệ cao mà ông còn luôn sẵn sàng dành thời gian chia sẻ cho mọi người cách nuôi tôm công nghệ cao.

ty-phu-nuoi-tom-04-1704019471.jpg
Hiện ông Đặng Văn Bảy đã có 6 trang trại nuôi tôm công nghệ cao.

Chia sẻ về điểm khác biệt của hai cách thức nuôi tôm này ông Bảy bảo: 1 ha đất sẽ có 2 ao nuôi, mỗi ao khoảng 4.000m2 mặt nước. Diện tích còn lại là ao lắng xử lý nước, tuy có thể thả tôm với mật độ dày nhưng lợi nhuận không cao.

Với cách nuôi tôm công nghệ cao, 1ha đất nhưng ông Bảy chỉ nuôi khoảng 1.500m2 mặt nước, còn diện tích còn lại ông làm ao lắng, ao chứa xử lý nước. Cách làm này có thể thả tôm với mật độ cao (thả dày đặc), rồi liên tục thay đổi nguồn nước sạch nên tôm lớn nhanh, ít bệnh, cho năng suất cao (năng suất tôm nuôi theo hình thức công nghệ cao tăng hơn 3 lần so với thả nuôi theo bình thường).

Trong quá trình nuôi tôm, chất thải từ ao nuôi tôm luôn được lọc kỹ, thu gom thường xuyên. Đây là một trong những yếu tố quan trọng để mang lại sự thành công trong nuôi tôm công nghệ cao.

Đến nay, ông Bảy đã mở rộng diện tích nuôi tôm lên đến 50ha, trong đó có 25ha chuyên dụng cho 40 ao nuôi theo mô hình nuôi tôm tuần hoàn khép kín, sản lượng tôm thương phẩm đạt bình quân từ 15 đến 17 tấn/ha, trọng lượng 15 con/kg với giá bán từ 200.000 đến 250.000đ/kg.

Tổng sản lượng tôm nuôi của gia đình ông Bảy đạt 400 tấn/năm, tổng doanh thu mỗi năm từ 80 đến 100 tỷ đồng, lợi nhuận gần 30 tỷ đồng/năm. Hiện tại ông Bảy đã giải quyết việc làm cho trên 80 lao động thường xuyên, mức thu nhập hàng năm từ 80 đến 100 triệu đồng/lao động/năm.

Hiện, tôm Việt Nam có mặt ở trên 180 nước trên thế giới. Hàng năm, riêng kim ngạch xuất khẩu ngành tôm đạt 3,5-4,3 tỷ USD, trở thành mặt hàng chủ lực không chỉ của ngành nông nghiệp mà của cả nền kinh tế.

ty-phu-nuoi-tom-03-1704019416.jpg
Nông dân Đặng Văn Bảy ở Bến Tre có 45ha nuôi tôm công nghệ cao.

Là vùng nuôi tôm chủ lực của tỉnh Bến Tre, huyện Thạnh Phú đang hướng tới mục tiêu 1.500 ha nuôi tôm công nghệ cao, trong đó tập trung chủ lực vào nuôi tôm biển.

Thời gian qua, huyện Thạnh Phú (Bến Tre) tập trung thực hiện kế hoạch phát triển 1.500 ha nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao đến năm 2025, quyết tâm cùng các huyện ven biển trong tỉnh thực hiện đạt mục tiêu đến năm 2025 phát triển 4.000 ha nuôi tôm biển ứng dụng công nghệ cao theo Nghị quyết số 04 ngày 29/1/2021 của Tỉnh ủy Bến Tre về phát triển tỉnh Bến Tre về hướng đông giai đoạn 2021 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030.

Theo đó, huyện Thạnh Phú đang kêu gọi nông dân chuyển đổi từ nuôi, khai thác, chế biến thủy sản từ phương thức truyền thống sang công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao theo hướng bền vững.

Hiện toàn huyện có diện tích nuôi thủy sản ổn định 18.400 ha. Trong đó, diện tích nuôi tôm theo hướng ứng dụng 2, 3 giai đoạn, mô hình nuôi công nghệ cao khoảng 800 ha, tập trung ở các xã: Thạnh Hải, Thạnh Phong, Giao Thạnh, An Điền, An Nhơn, An Quy, An Thuận, An Thạnh, Mỹ An; năng suất thu hoạch trung bình khoảng 70 tấn/ha diện tích mặt nước nuôi.

Theo kế hoạch phát triển 1.500 ha nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao đến năm 2025, huyện sẽ tập trung phát triển nuôi tôm biển, với mô hình tổ chức sản xuất phù hợp, ứng dụng công nghệ cao để nâng cao năng suất, sản lượng, chất lượng, đảm bảo thích ứng biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường sinh thái, mang lại lợi ích cho người dân, doanh nghiệp và kinh tế của huyện tại 5 vùng nuôi tập trung thuộc 9 xã thuộc tiểu vùng 2 và tiểu vùng 3.

Những giải pháp cấp bách với ngành tôm

Theo ông Bảy, trong thời gian qua, ở một số địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã phát triển mô hình lúa - tôm cho hiệu quả khá tốt. Chính phủ cũng đã có chủ trương về xây dựng hệ sinh thái nông nghiệp, trong đó có hệ sinh thái ngành tôm; xây dựng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, hướng tới mục tiêu ngành tôm xuất khẩu đạt 10 tỷ USD.

Ông Bảy bày tỏ mong muốn thời gian tới Chính phủ sẽ có những chính sách hỗ trợ cho nông dân để xây dựng chuỗi công nghiệp và hệ sinh thái tôm phát triển mạnh hơn.

ty-phu-nuoi-tom-05-1704019514.jpg
Trại nuôi tôm của ông Bảy tạo việc làm cho gần 60 công nhân là người dân địa phương, với mức thu nhập ổn định.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định lợi thế của ĐBSCL là nơi có nhiều mô hình sinh thái con tôm ôm lúa. Mô hình này từ Bạc Liêu, Sóc Trăng, Cà Mau, lan tới Bến Tre, Trà Vinh... Đây chính là nông nghiệp tuần hoàn.

Song tiếc rằng, vùng ĐBSCL chưa khai thác được thương hiệu gạo kèm với con tôm. Bà con mới chỉ chú trọng bán tôm chứ chưa nghĩ tới bán gạo từ ruộng tôm. Đó là điều chúng ta cần thay đổi tư duy để có thể tận dụng hết những lợi thế của ngành nông nghiệp. Làm được sẽ tạo ra giá trị gấp nhiều lần cho con tôm, cây lúa, Bộ trưởng Hoan gợi mở.

Ông cũng chỉ rõ vấn đề hạn chế của ngành hàng tôm ở ĐBSCL là về môi trường, liên kết chuỗi ngành hàng giữa nông dân và doanh nghiệp. Các tỉnh ĐBSCL phải nhanh chóng xây dựng Hiệp hội ngành hàng tôm, trong đó có sự tham gia của hợp tác xã, doanh nghiệp, người nuôi tôm. Nếu cứ làm riêng thì vấn đề tổn thất về dịch bệnh... của con tôm ở ĐBSCL đáng báo động.

Hiện một số thị trường nhập khẩu lớn áp dụng các quy định về chống bán phá giá tôm nước mặn, do người nuôi không bảo đảm môi trường. “Vì vậy, tôi rất mong những người có tầm ảnh hưởng như anh Bảy có thể đứng ra hiệu triệu, kêu gọi bà con nông dân cùng tham gia hợp tác xã, cùng xây dựng chuỗi liên kết, cấu trúc lại ngành hàng tôm để cùng nhau sản xuất an toàn”, Bộ trưởng nói.

Theo Bộ trưởng, vấn đề bất cập thứ hai của ngành tôm chính là con giống. Việc chưa kiểm soát được chất lượng con giống cũng ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng của ngành tôm. Ông thừa nhận đây chính là điểm yếu kém của ngành nông nghiệp.

Trước đề xuất của nông dân Đặng Văn Bảy, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo: Đây cũng là mô hình tuần hoàn, tôm thải ra gì thì lúa có thể hấp thụ được và ngược lại. Muốn có hệ sinh thái tốt thì công tác quy hoạch vẫn là vấn đề đầu tiên.

Bên cạnh quy hoạch thì Nhà nước cũng sẽ có cơ chế chính sách, cụ thể là Nhà nước phải đi ký kết các hiệp định để có thị trường, lo được đầu ra cho bà con. Rồi có cơ chế chính sách lo đầu vào cho bà con, đó chính là bình ổn giá các mặt hàng phân bón, các loại sinh phẩm…

Thứ ba, Nhà nước sẽ hỗ trợ cho bà con các vấn đề về vốn, rồi chế biến ra sao để có thể tận dụng được triệt để cả những phần mà trước tới nay chúng ta vẫn thường bỏ đi như đầu, vỏ tôm.

"Tuy nhiên, cũng cần nhấn mạnh, Nhà nước lo trên cơ sở bà con có liên kết sản xuất như Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói và phải có đề xuất rõ ràng, cụ thể", Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh./.

Trọng Bình