Nuôi tôm tuần hoàn nước công nghệ cao, lời giải bài toán phát triển bền vững tại Bạc Liêu

Là tỉnh có thế mạnh về nuôi tôm, tỉnh Bạc Liêu cũng có nhiều nỗ lực ứng dụng công nghệ để nâng cao hiệu quả và bảo vệ môi trường nuôi. Mới đây dự án hỗ trợ và chuyển giao quy trình nuôi tôm tuần hoàn nước theo công nghệ GrowMax đã giúp nhiều nông dân liên tiếp trúng mùa và giảm khoảng 30% chi phí đầu tư.
nuoi-tom-tuan-hoan-nuoc-cong-nghe-cao-02-1706951192.jpg
Mô hình nuôi tôm công nghệ cao tuần hoàn nước của Công ty GrowMax. (Ảnh minh họa)

Bài toán phát triển thủy sản bền vững

Trong những năm qua, ngành thủy sản tỉnh Bạc Liêu phát triển với tốc độ rất nhanh, mang đến nhiều lợi ích kinh tế cho bà con nông dân, nhất là mô hình nuôi tôm thâm canh và siêu thâm canh. Tuy nhiên, điều này cũng đặt ra hàng loạt thách thức về môi trường cho phát triển bền vững.

Theo thông kê, đến nay tỉnh Bạc Liêu có khoảng 25 tổ chức và hơn 830 hộ dân nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao, chủ yếu tập trung ở vùng sản xuất phía Nam quốc lộ 1A. Để tăng cường công tác bảo vệ môi trường (BVMT) trên địa bàn tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bạc Liêu đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Quyết định 23 quy định về BVMT trong hoạt động nuôi trồng thủy sản (NTTS); Quyết định 948 của UBND tỉnh ban hành quy chế tiếp nhận, xử lý thông tin đường dây nóng về BVMT trên địa bàn tỉnh...

Bà Trịnh Khánh Ngọc, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường) tỉnh Bạc Liêu cho biết: Thời gian qua, cùng với sự phát triển ồ ạt của mô hình nuôi tôm siêu thâm canh trên địa bàn tỉnh đã kéo theo lượng chất thải phát sinh từ nuôi tôm ra môi trường rất lớn. Để nguồn chất thải này được xử lý và thu gom đúng cách, Sở đã tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành rất nhiều văn bản chỉ đạo. Đồng thời, tuyên truyền vận động người dân thực hiện công tác thu gom, xử lý chất thải đối với mô hình nuôi tôm siêu thâm canh.

“Bên cạnh đó là công tác quan trắc chất lượng môi trường nước mặt định kỳ hằng tháng và thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên trang web của Sở Tài nguyên và Môi trường để phục vụ cho sản xuất, đời sống, sinh hoạt của nhân dân. Đặc biệt là công tác quản lý BVMT trong NTTS được quan tâm tuyên truyền để nâng cao ý thức của người dân và doanh nghiệp”, bà Ngọc chia sẻ.

Cùng với đó, vận động, khuyến khích các tập đoàn, doanh nghiệp hỗ trợ, chuyển giao cho nông dân áp dụng những quy trình, công nghệ tiên tiến, sản xuất sạch thân thiện với môi trường, nhất là công nghệ, quy trình sử dụng tiết kiệm nguồn tài nguyên nước và áp dụng mô hình sản xuất tuần hoàn gắn với tăng trưởng xanh.

nuoi-tom-tuan-hoan-nuoc-cong-nghe-cao-01-1706951237.jpg
Mô hình tuần hoàn nước giúp bảo vệ môi trường tự nhiên và phát triển kinh tế ổn định. (Ảnh minh họa)

Điển hình như Công ty TNHH thức ăn Thủy sản GrowMax (gọi tắt là Công ty GrowMax) đã tiên phong hỗ trợ và chuyển giao quy trình nuôi tôm tuần hoàn nước theo công nghệ GrowMax miễn phí cho nông dân. Với việc áp dụng quy trình nuôi tôm tuần hoàn nước đã giúp nhiều nông dân liên tiếp trúng tôm và giảm khoảng 30% chi phí đầu tư. Đặc biệt hơn là có thể tái sử dụng lại nguồn nước để phục vụ cho vụ nuôi mới.

Ông Phạm Văn Chu (ấp Biển Đông A, xã Vĩnh Trạch, TP. Bạc Liêu) chia sẻ: Bắt đầu từ năm 2023, tôi làm quy trình tuần hoàn nước của Công ty GrowMax. Tôi khẳng định là rất thành công. Đối chứng với 4 trường hợp cùng thả nuôi tôm là các cháu trong gia đình, thả giống trước, sau 1 - 4 ngày nuôi, tới thời điểm này là đủ 100 ngày thả nuôi theo quy trình tuần hoàn nước và sử dụng thức ăn của Công ty GrowMax, tôm đạt trọng lượng khoảng 22 con/kg; còn tôm đối chứng chỉ đạt từ 30 - 32 con/kg. Mô hình tuần hoàn nước của Công ty GrowMax vừa cho năng suất cao, vừa bảo vệ môi trường.

Kỳ vọng đột phá nuôi tôm công nghệ cao khép kín tuần hoàn nước

Khu phức hợp ngành tôm công nghệ cao GrowMax Bạc Liêu thuộc Tập đoàn GrowMax, được thành lập và đi vào hoạt động gần 7 tháng qua, với diện tích 216 ha, thuộc địa bàn xã Long Điền Đông, huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu.

Qua 101 ngày thả nuôi tôm theo quy trình công nghệ cao tuần hoàn nước khép kín của GrowMax, sử dụng trọn bộ sản phẩm của Tập đoàn từ con giống, thức ăn, các chế phẩm sinh học và quy trình nuôi công nghệ cao tuần hoàn nước do Tập đoàn GrowMax sản xuất, đến nay đã thu hoạch đợt đầu tiên, với kích cỡ tôm đạt 21 con/kg, sản lượng đạt 7 - 8 tấn/ao (1.200 m2) dù đang ở trái vụ.

Đây là một kết quả rất tốt, chứng minh cho sự vươt trội về chất lượng của các sản phẩm GrowMax từ con giống, thức ăn, các chế phẩm sinh học, đặc biệt là quy trình nuôi tôm công nghệ cao tuần hoàn nước cục bộ.

nuoi-tom-tuan-hoan-nuoc-cong-nghe-cao-03-1706951270.jpg
Lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau tham quan thu hoạch tôm tại Khu phức hợp ngành tôm công nghệ cao GrowMax Bạc Liêu. (Ảnh minh họa)

Ông Mai Văn Hoàng, Tổng Giám đốc Tập đoàn GrowMax cho hay, Khu phức hợp ngành tôm công nghệ cao GrowMax Bạc Liêu đang tiến hành các thủ tục để triển khai các công trình dự án tiếp theo như: Khu nuôi tôm công nghệ cao khép kín tuần hoàn nước với quy mô khoảng 500 ao nuôi; Trại sản xuất tôm giống chất lượng cao với quy mô khoảng 3 tỷ tôm post mỗi năm; Nhà máy sản xuất thức ăn tôm với công suất 230.000 tấn/năm; và cuối cùng là Nhà máy chế biến tôm xuất khẩu .

Tất cả không chỉ để phục vụ cho khách hàng nuôi tôm, cho các đại lý bán hàng tại Bạc Liêu mà còn hướng đến các tỉnh lân cận như: Cà Mau, Kiên Giang, Sóc Trăng và Trà Vinh… được thuận lợi nhất trong viêc kịp thời cung ứng các sản phẩm, giúp giảm giá thành vì không tốn chi phí vận chuyển, chi phí kho bãi…

“GrowMax mong muốn lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu, các sở, ban, ngành của tỉnh ủng hộ, tạo điều kiện thuận lợi nhất trong việc sớm hoàn tất các thủ tục cấp phép cho các hạng mục tiếp theo, để các dự án còn lại của Khu phức hợp này nhanh chóng được tiến hành xây dựng theo kế hoạch”, ông Hoàng bày tỏ mong muốn.

nuoi-tom-tuan-hoan-nuoc-cong-nghe-cao-04-1706951300.jpg
Quy trình nuôi tôm tuần hoàn nước theo công nghệ GrowMax được nhiều hộ nuôi tôm khác ở khu vực ĐBSCL nhân rộng. (Ảnh minh họa)

Ông Phạm Văn Thiều, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cho biết: Bạc Liêu đang hướng đến mục tiêu trở thành trung tâm công nghệ ngành tôm của cả nước, vì vậy tỉnh luôn quan tâm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp và người nuôi tôm phát triển mô hình nuôi tôm công nghệ cao, trong đó đặc biệt ưu tiên cho các mô hình nuôi tôm công nghệ tiên tiến, khép kín, tuần hoàn nước để bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, chẳng hạn như mô hình mà Tập đoàn GrowMax đang triển khai hiện nay”, lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu khẳng định.

Hiện nay, quy trình nuôi tôm tuần hoàn nước theo công nghệ GrowMax không chỉ áp dụng cho nông dân tỉnh Bạc Liêu mà còn được nhiều hộ nuôi tôm khác ở khu vực ĐBSCL nhân rộng quy trình. Đây là việc làm cần được khuyến khích, nhân rộng trong điều kiện nguồn tài nguyên nước ngọt đang giảm và cạn kiệt. Ngoài ra, quy trình nuôi tôm tuần hoàn nước chính là giải pháp giúp xử lý tình trạng lạm dụng nguồn nước ngọt để dung hòa độ mặn phục vụ nuôi tôm công nghiệp trong mùa nắng nóng./.

Bình Nguyên