Nuôi tôm sạch từ nguồn năng lượng xanh hướng phát triển bền vững ở Bạc Liêu

Để nghề nuôi tôm phát triển bền vững, các cấp chính quyền tỉnh Bạc Liêu đã vào cuộc hỗ trợ người dân sử dụng nguồn năng lượng xanh để nuôi tôm sạch. Hiện diện tích nuôi tôm sử dụng điện năng lượng mặt trời ngày càng được nhân rộng.
nuoi-tom-sach-nang-luong-xanh-01-1706586599.jpg
Sử dụng năng lượng mặt trời trong nuôi tôm giúp chủ động nguồn điện trong sản xuất, giảm chi phí tiền điện, giảm phát thải khí nhà kính. (Ảnh minh họa)

Nuôi tôm sạch giảm phát thải nhờ năng lượng xanh

Tại Bạc Liêu, mô hình kết hợp năng lượng mặt trời với nuôi tôm không chỉ góp phần giảm chi phí và phát thải CO2, mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc thích ứng với những thách thức của biến đổi khí hậu.

Nhờ điều kiện khí hậu đặc trưng, nhiều hộ nông dân trên địa bàn tỉnh đã đầu tư và phát triển điện mặt trời (ĐMT) ở những trại tôm, vừa đảm bảo được nguồn điện ổn định, vừa mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu hiện nay có khoảng 44 tổ chức và cá nhân có đầu tư lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời kết hợp với nuôi tôm trên diện tích khoảng 70ha.

Việc sử dụng năng lượng mặt trời trong nuôi tôm được ghi nhận đem lại những lợi ích như chủ động nguồn điện trong sản xuất, giảm chi phí tiền điện; giảm phát thải khí nhà kính. Qua đó, góp phần thực hiện cam kết của Việt Nam trong cắt giảm phát thải CO2 đến năm 2030.

Một trong những mô hình nổi bật về sử dụng ĐMT nuôi tôm là của gia đình ông Trịnh Văn Hoặt (xã Long Điền Tây, huyện Đông Hải). Gia đình ông sở hữu 20.000m2 đất; trong đó, diện tích hai ao nuôi thủy sản là 3.000 m2, phần còn lại được sử dụng để dự trữ nước.

Ông Hoặt cho biết, đã lắp đặt ĐMT áp mái vào năm 2021, sau hơn 2 năm sử dụng, bước đầu cho thấy tính hiệu quả không nhỏ trong tận dụng điện năng lượng mặt trời cho sản xuất, nhất là giúp giảm chi phí sản xuất.

Ông Trịnh Văn Hoặt chia sẻ: “Hiện gia đình tôi đang sử dụng 5kWh ĐMT để cung cấp năng lượng cho hệ thống quạt, sủi oxy cho ao vèo tôm của gia đình. Tôi thấy việc sử dụng ĐMT khá tiện lợi và ít tốn kém, nguồn điện ổn định. Cái khó là nguồn vốn đầu tư ban đầu để lắp đặt, còn lại thì chỉ cần quản lý, kiểm soát tốt việc vận hành các thiết bị phụ trợ mà không phải lo lắng về hóa đơn tiền điện mỗi tháng”.

nuoi-tom-sach-nang-luong-xanh-02-1706586636.jpg
Ao nuôi tôm công nghiệp sử dụng điện mặt trời của gia đình ông Trịnh Văn Hoặc ở ấp Bình Điền, xã Long Điền Tây (Đông Hải, Bạc Liêu). (Ảnh TTXVN)

Sử dụng năng lượng tái tạo trong nuôi trồng thủy sản đang là một trong những giải pháp giảm chi phí nuôi khá hiệu quả. Bởi điện năng là một trong các yếu tố quan trọng nhất để nuôi tôm thâm canh - bán thâm canh, siêu thâm canh. Theo nghiên cứu của ngành chuyên môn, 1 tấn tôm thâm canh sẽ tiêu thụ hơn 4.000 kWh điện, theo đó người dân sẽ chi số tiền không nhỏ.

Vì vậy, việc lắp đặt điện năng lượng mặt trời như của gia đình ông Hoặt sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao do tiết kiệm được chi phí sản xuất. Bên cạnh đó, mô hình này còn tạo ra cơ hội để nông dân tiếp cận, ứng dụng năng lượng tái tạo cho phát triển sản xuất; hướng đến sản xuất thân thiện với môi trường; tạo tính lan tỏa để người dân hiểu rõ hơn và ứng dụng tốt hơn những tiến bộ khoa học vào sản xuất để nâng cao đời sống người dân.

Hỗ trợ người dân chuyển đổi năng lượng sạch vào sản xuất

Để tạo điều kiện cho người dân áp dụng ĐMT vào sản xuất, Dự án “Chuyển đổi năng lượng và thích ứng với biến đổi khí hậu tại khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long” được triển khai từ năm 2021-2023 trên địa bàn 4 xã của huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu. Một trong những phần việc trọng tâm của dự án là việc sử dụng năng lượng hiệu quả, tiết kiệm gắn liền với ứng dụng mô hình năng lượng tái tạo biogas vào quy trình nuôi tôm phát thải thấp.

Gia đình chị Nguyễn Thị Hạt (ấp Bửu 2, xã Long Điền Đông) là một trong những hộ dân đã được dự án hỗ trợ lắp đặt mô hình biogas. Nhận thấy những ưu điểm của mô hình, trong thời gian qua chị đã tham gia vào nhóm “Năng lượng sạch” và thực hiện nhiều hoạt động tư vấn, hỗ trợ người dân địa phương tìm hiểu, thí điểm mô hình.

Chị Hạt chia sẻ việc thời tiết thay đổi thất thường do biến đổi khí hậu những năm qua đã có nhiều ảnh hưởng đến sinh trưởng của con tôm, đồng thời, tạo ra nhiều vấn đề tác động đáng kể đến sức khỏe và đời sống của phụ nữ - nhóm đối tượng đang dần gia tăng trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản.

Với việc bản thân cũng là một người lao động nuôi tôm, chị Hạt nhận định mô hình biogas đã mang lại những hiệu quả tích cực cho đời sống của bản thân nói riêng và gia đình mình nói chung. Hàng tháng, mô hình giúp tiết kiệm đáng kể chi phí sử dụng gas, điện; đồng thời, chị không phải tốn nhiều thời gian tìm than, củi để đun, nấu như trước đây, từ đó có thể chăm sóc bản thân và chăm lo gia đình, con cái tốt hơn.

Theo ông Nguyễn Trung Hiếu, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bạc Liêu, hiện nay, phần lớn những hộ gia đình nuôi tôm sử dụng nguồn điện sinh hoạt và điện sản xuất, kinh doanh để sản xuất nuôi tôm siêu thâm canh, thâm canh - bán thâm canh, dẫn đến lượng điện tiêu thụ rất lớn, giá điện tăng qua hàng năm dẫn đến chi phí sản xuất cao (7%-10% chi phí sản xuất tùy từng loại hình nuôi).

Trong khi đó, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có tiềm năng lớn để ứng dụng năng lượng mặt trời - nguồn năng lượng bổ sung giúp giảm chi phí, giảm phụ thuộc vào nguồn điện lưới và tăng thu nhập từ hoạt động bán điện dư thừa lên lưới.

Theo thông tin của các hộ có lắp đặt hệ thống điện mặt trời có thể giảm chỉ số năng lượng điện tiêu thụ từ điện lưới quốc gia đối với các hộ nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao từ 40-50% điện năng tiêu thụ hàng tháng.

Bên cạnh đó, việc “Sử dụng điện mặt trời là một tiêu chí để được chứng nhận ASC, BAP (Aquaculture Stewardship Council - Hội đồng quản lý nuôi trồng thủy sản). Khách hàng sẽ đánh giá rất cao đối với những sản phẩm có sự quan tâm đến vấn đề sử dụng năng lượng tái tạo, bảo vệ môi trường.”

nuoi-tom-sach-nang-luong-xanh-03-1706586673.jpg
Mô hình nuôi tôm thẻ siêu thâm canh ở huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu. (Ảnh minh họa)

Cần có thêm chính sách hỗ trợ để phát huy hết tiềm năng điện mặt trời

Năng lượng tái tạo (NLTT) và điện khí được Bạc Liêu xác định là một trong 5 trụ cột quan trọng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Vì vậy, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XVI) đã ban hành Nghị quyết 04 về xây dựng Bạc Liêu trở thành một trong những trung tâm năng lượng sạch của quốc gia.

Đối với lĩnh vực nông nghiệp, mặc dù bước đầu mang lại những lợi ích rõ rệt, nhưng sự phát triển của những mô hình nuôi tôm kết hợp năng lượng tái tạo đang gặp nhiều “điểm nghẽn” và chưa thể phát huy được hết tiềm năng.

Theo bà Phạm Thị Bích Liên (Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bạc Liêu):  Việc kết hợp năng lượng mặt trời trong nuôi tôm đem lại rất nhiều lợi ích, như: tấm quang điện được lợp trên mái của ao lắng có thể làm giảm nhiệt độ ao, giảm ô nhiễm nước và giảm các chi phí xử lý nước trong nuôi tôm công nghệ cao. Đặc biệt là giúp nông dân giảm chi phí tiền điện và thời gian thu hồi vốn nhanh. Đồng thời, góp phần cùng với Chính phủ thực hiện cam kết của Việt Nam trong cắt giảm phát thải khí CO2 đến năm 2030.

Đến nay, Bạc Liêu có hơn 1.610 khách hàng lắp đặt hệ thống ĐMT mái nhà, với tổng công suất 183,954kWp, với diện tích dành cho các công trình ĐMT lên đến hàng trăm héc-ta. Tuy nhiên, cả tỉnh chỉ có vài doanh nghiệp nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao áp dụng mô hình này. Riêng các công trình ĐMT được đầu tư xây dựng ở vùng sản xuất phía Bắc Quốc lộ 1A gần như chưa được đầu tư khai thác và các công trình này đều nằm đan xen với ruộng lúa. Vì vậy, việc nghiên cứu các mô hình nuôi cá nước ngọt hay trồng rau thủy canh để khai thác và phát huy tốt quỹ đất bỏ trống dưới các công trình ĐMT cũng là vấn đề cần được quan tâm.

Để tháo gỡ khó khăn thiếu điện phục vụ cho nuôi tôm, ngành Điện đã đề xuất nghiên cứu và triển khai hệ thống ĐMT trong nuôi tôm. Ưu điểm của ĐMT là đáp ứng nhu cầu điện năng cho hệ thống tải tiêu thụ tại chỗ. Cũng như tiết kiệm đáng kể chi phí vận hành, tiết giảm lượng điện sử dụng từ lưới điện và lượng điện dư thừa sẽ truyền lên lưới điện quốc gia để bán lại cho ngành Điện.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bạc Liêu Nguyễn Trung Hiếu cũng cho biết hiện nay nhà nước chưa có chính sách khuyến khích kết hợp giữa nuôi tôm và lắp đặt năng lượng mặt trời; khả năng truyền tải của hệ thống điện lưới quốc gia hiện tại cũng không đủ truyền tải dẫn đến việc hệ thống điện mặt trời của các tổ chức, cá nhân đầu tư chưa phát huy được hết công suất, hiệu quả.

Ngoài ra, một số dự án lắp đặt điện mặt trời kết hợp với nuôi tôm chưa làm tốt công tác quy hoạch, thiết kế ban đầu dẫn đến việc giai đoạn đầu chỉ tập trung thi công phần năng lượng điện mặt trời. Điều này dẫn đến việc triển khai các hoạt động nuôi tôm chưa phát huy hết hiệu quả.

Vốn đầu tư ban đầu tương đối lớn cũng là một yếu tố gây khó cho các hộ nuôi trồng quy mô nhỏ; thủ tục vay ngân hàng đòi hỏi phải có tài sản thế chấp nên khó tiếp cận.

Theo đề xuất của ngành nông nghiệp tỉnh Bạc Liêu, việc ứng dụng năng lượng tái tạo vào nuôi tôm ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long là một hướng đi đúng trong giai đoạn hiện nay, tạo điều kiện để con tôm được nuôi theo hướng thân thiện bảo vệ môi trường, việc sử dụng các loại năng lượng tái tạo cũng góp phần giúp sản phẩm tôm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân, doanh nghiệp và đất nước.

Trong thời gian tới, ngành nông nghiệp Bạc Liêu mong muốn nhà nước xem xét việc đề ra các chính sách khuyến khích mô hình trên; đồng thời, có hướng dẫn về thủ tục cụ thể hơn để tất cả người dân nuôi tôm có thể tiếp cận và đầu tư; đặc biệt, việc lắp đặt hệ thống điện mặt trời kết hợp với nuôi tôm cần phải có quy hoạch khu vực nuôi, thiết kế và thi công đồng bộ để tránh tình trạng khó triển khai thực hiện./.

Bình Nguyên