Trong năm vừa qua, ngành Nông nghiệp Nghệ An đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch 4 chỉ tiêu cơ bản của ngành. Tổng sản phẩm (GRDP) nông, lâm, ngư nghiệp nước đạt 46.696 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng ước đạt 4,14% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó nông nghiệp ước tăng 3,67%; lâm nghiệp ước tăng 7,05% và thủy sản ước tăng 4,53%. Đặc biệt là chỉ tiêu về xây dựng nông thôn mới (NTM), với số xã đạt chuẩn NTM trong năm đạt 08/KH07 xã, số xã đạt chuẩn NTM nâng cao đạt 34/KH25 xã, số xã đạt NTM kiểu mẫu đạt 10/KH06 xã và 01 huyện về đích NTM theo đúng kế hoạch.
Cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mùa vụ tiếp tục có sự chuyển đổi mạnh, công nghệ cao được ứng dụng ở nhiều công đoạn trong sản xuất. Công tác bảo vệ thực vật, thú y, công tác dự báo, dự tính tình hình phát sinh, phát triển sâu bệnh, dịch bệnh được triển khai thường xuyên, phát hiện và xử lý kịp thời, nhất là công tác phòng chống dịch tả lợn Châu Phi. Năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế nhiều loại cây trồng, vật nuôi tăng khá, nhất là năng suất lúa bình quân toàn tỉnh trong năm đạt 60,34 tạ/ha (riêng vụ xuân đạt tới 69,15 tạ/ha) cao nhất từ trước đến nay.
Các biện pháp khắc phục Thẻ vàng Ủy ban Châu Âu (chống khai thác IUU) có nhiều chuyển biến tích cực; có nhiều giải pháp để giải quyết những khó khăn giúp ngư dân phát triển đánh bắt xa bờ. Nuôi trồng thủy sản phát triển theo hướng đầu tư thâm canh, đưa vào sản xuất các loại thủy sản có giá trị cao, sản lượng thủy sản trong năm ước đạt 287.500 tấn, vượt 9,32% so với kế hoạch, tăng 3,4% so với cùng kỳ.
Sản xuất lâm nghiệp tiếp tục chuyển biến mạnh về chất, tập trung phát triển, nâng cao chất lượng rừng trồng nguyên liệu với gần 25.000 ha rừng trồng được cấp Chứng chỉ quản lý rừng bền vững (FSC); hoàn thành công tác thẩm định quy hoạch Khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao vùng Bắc Trung Bộ, là tiền đề để thu hút đầu tư cho chế biến sâu, chế biến tinh nhằm nâng cao giá trị sản phẩm gỗ và lâm sản ngoài gỗ.
Công tác thủy lợi, quản lý đê điều được đảm bảo, phục vụ tốt sản xuất và dân sinh; tích cực, chủ động trong công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, giảm thiểu thấp nhất những thiệt hại cho người dân.
Chương trình Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường nông thôn được xã hội hóa mạnh mẽ. Đến nay, toàn tỉnh đã có 561 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung nông thôn, trong đó có 492 công trình tự chảy, 69 công trình bơm dẫn, đưa tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh và nước sạch tăng nhanh hàng năm.
Hoạt động xúc tiến thương mại, xuất khẩu, chế biến, tiêu thụ nông sản có sự tăng trưởng cao, đạt nhiều kết quả, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho nông dân. Trong năm, ngành đã tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường tiêu thụ tại các tỉnh phía Bắc và phía Nam; tham gia các hội chợ triển lãm, hội chợ quảng bá, xúc tiến thương mại sản phẩm an toàn, sản phẩm OCOP tại các tỉnh, thành phố, thúc đẩy tiêu thụ qua kênh thương mại điện tử,… Đến nay, toàn tỉnh có 653 sản phẩm OCOP đạt hạng 3 sao trở lên (bao gồm 621 sản phẩm đạt 3 sao, 31 sản phẩm đạt 4 sao, 01 sản phẩm đạt 5 sao) đứng thứ hai cả nước (sau thành phố Hà Nội) và có 02 sản phẩm đạt tiềm năng 5 sao đã hoàn thiện hồ sơ trình Trung ương đánh giá, công nhận.
Tổng giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy hải sản cả năm 2024 ước đạt trên 588/KH400 triệu USD, đạt 147%. Trong đó: Dăm gỗ ước đạt 277 triệu USD, xuất khẩu thuỷ sản ước đạt 130 triệu USD, sắn và sản phẩm từ sắn ước đạt 73 triệu USD, gạo ước đạt 46 triệu USD, viên nén gỗ ước đạt 27 triệu USD, hoa quả chế biến và nước hoa quả ước đạt 23 triệu USD, nhóm nhựa thông và tinh dầu thông ước đạt 12 triệu USD,...
Các chính sách, chương trình hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn của Trung ương, của tỉnh được triển khai đúng nội dung, đúng đối tượng và có hiệu quả. Công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, hiện đại hoá công sở, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước được thực hiện tốt./.