Nâng tầm giá trị nông sản Việt nhờ hai dự án xuất sắc đạt giải Nhất cuộc thi Khởi nghiệp Xanh 2024

Tối 10/11, Vòng chung kết cuộc thi Ý tưởng/dự án Khởi nghiệp Xanh – Phát triển bền vững lần thứ 10 năm 2024 đã khép lại TP.HCM, mang đến niềm vui cho hai dự án xuất sắc nhất: “Nâng cao giá trị trái tắc, bưởi, mãng cầu xiêm” của nhóm thí sinh Huỳnh Lê Ngọc Viễn, Nguyễn Ngọc Thanh Hà đến từ Đồng Tháp và "Các dòng bánh khoai mì dinh dưỡng Cusami" của Mai Tuấn Anh đến từ TP.HCM.
466077855-1077921184332980-1045591691576327241-n-1731308593.jpg
Hai dự án nổi bật ‘Nâng cao giá trị trái tắc, bưởi, mãng cầu xiêm’ và ‘Bánh khoai mì dinh dưỡng Cusami’ đạt giải Nhất – Khởi nghiệp xanh 2024. Ảnh BSA.

Sau hai ngày tranh tài sôi nổi (9 và 10/11), 36 dự án đến từ 26 tỉnh thành, trải dài từ Bắc – Trung – Nam, đã chứng minh sức hút và sự phát triển của phong trào khởi nghiệp xanh tại Việt Nam. Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội DN HVNCLC, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh doanh và Hỗ trợ Doanh nghiệp (BSA), chia sẻ: “Mỗi năm, cuộc thi đều thu hút sự tham gia của nhiều bạn trẻ, thanh niên nông thôn là đồng bào các dân tộc, với các dự án khai thác tài nguyên bản địa quê hương”.

Sự kiện năm nay ghi nhận những điểm mới đáng chú ý. Ngoài chấm điểm các dự án khởi nghiệp, ban giám khảo còn đánh giá thêm cả các ý tưởng, chủ yếu đến từ các bạn trẻ vùng sâu, vùng xa. Đặc biệt, cuộc thi thu hút nhiều ý tưởng/dự án từ miền Trung và nhiều tỉnh cực Bắc của tổ quốc, minh chứng cho sự lan tỏa và phát triển rộng khắp của phong trào khởi nghiệp xanh.

Hai dự án dẫn đầu xu hướng: Bánh khoai mì dinh dưỡng và trái cây đặc sản

Giải nhất bảng A (dành cho ý tưởng/dự án hoạt động dưới 1 năm) thuộc về dự án “Các dòng bánh khoai mì dinh dưỡng Cusami” của Mai Tuấn Anh (TP.HCM). Dự án đã chinh phục ban giám khảo bởi sự sáng tạo trong việc biến khoai mì, một nguyên liệu phổ biến và rẻ tiền, thành những dòng bánh dinh dưỡng, đáp ứng nhu cầu của thị trường hiện đại. Giải nhì bảng A thuộc về Dự án đến từ Lạng Sơn – “Chanh rừng Co Loi – Mẫu Sơn và các sản phẩm từ chanh rừng hướng tới sản phẩm OCOP” của Nguyễn Thị Phương và Thuỳ  Tô Phương Quỳnh và Dự án tỉnh Bình Thuận – “Than hoạt tính, bột đánh răng từ than hoạt tính, túi lọc khí” của nhóm dự án Thông Long, Nguyễn Thị Kiều Loan, Nguyễn Ngọc Vân Anh

466347540-2852032931626591-901249569874988919-n-1731308797.jpg
Dự án “Các dòng bánh khoai mì dinh dưỡng Cusami” của Mai Tuấn Anh đến từ TP.Hồ Chí Minh. Ảnh BSA.

Trong khi đó, giải nhất bảng B (dành cho dự án hoạt động trên 1 năm) thuộc về dự án “Nâng cao giá trị trái Tắc, Bưởi và Mãng cầu xiêm” của nhóm thí sinh Huỳnh Lê Ngọc Viễn, Nguyễn Ngọc Thanh Hà (Đồng Tháp). Dự án này thể hiện sự nhạy bén trong việc khai thác và nâng cao giá trị các loại trái cây đặc sản, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững cho vùng miền. Và hai giải nhì thộc về Dự án đến từ Đắk Lắk “Nâng cao giá trị quả bơ Tây Nguyên – Mỹ phẩm thiên nhiên Pơ Lang”, do nhóm thí sinh Phạm Thị Thu Hằng, Vũ Thị Huệ, Đinh Huy Thắng; Dự án đến từ tỉnh Quảng Bình  “Ứng dụng khoa học công nghệ đổi mới sáng tạo trong tổ chức liên kết nuôi heo thảo dược vì sinh theo chuỗi giá trị có kiểm soát” của nhóm thí sinh Nguyễn Thị Hoài Sen, Nguyễn Thị Hiền.

giai-khoi-nghiep-xanh-1731309080.jpg
Dự án đạt giải nhất bảng B “Nâng cao giá trị trái Tắc, Bưởi và Mãng cầu xiêm” của nhóm thí sinh đến từ Đồng Tháp.

Bên cạnh các giải thưởng chính, BTC cũng trao giải “Hỗ trợ dự án đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo giai đoạn ươm tạo” cho 10 doanh nghiệp tại TP.HCM. Chương trình do Trung tâm BSA thực hiện, nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển thêm sản phẩm mới và tăng doanh thu so với năm 2023. Đây là một phần của chương trình nhiệm vụ khoa học công nghệ của TP.HCM. Chương trình sẽ kéo dài từ tháng 10/2024 đến tháng 10/2025, tập trung vào 10 dự án thuộc hệ sinh thái khởi nghiệp xanh.

Sự lan tỏa và tác động tích cực của phong trào khởi nghiệp xanh

Với gần 2.341 thí sinh với 1.560 dự án đại diện cho 62 tỉnh, thành tham gia cuộc thi trong suốt 10 năm qua, chương trình Khởi nghiệp Xanh đã góp phần tạo nên những giá trị thực tiễn cho xã hội tại các địa phương, nhất là các vùng sâu, vùng xa vùng núi, nơi có nhiều đồng bào dân tộc sinh sống.

Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam Chất lượng cao, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh doanh và Hỗ trợ Doanh nghiệp (BSA), đánh giá cao tinh thần và sự sáng tạo của các thí sinh. Bà cho biết, cuộc thi đã thu hút nhiều ý tưởng/dự án từ miền Trung và nhiều tỉnh cực Bắc của tổ quốc, thể hiện rõ sự lan tỏa của phong trào khởi nghiệp xanh.

z6014253326507-911d6b4e4f525a05a904fe96a72ec17a-1024x683-1-696x464-1731309414.jpg
Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam Chất lượng cao, Giám đốc BSA phát biểu tại chung kết cuộc thi. Ảnh BSA.

"Chúng tôi rất vui mừng khi thấy các bạn trẻ, thanh niên nông thôn là đồng bào các dân tộc như Dao, Mông, Mường, Nùng, Tày, Thái, Raglai… tham gia với các dự án từ tài nguyên bản địa quê mình. Điều đó cho thấy khởi nghiệp xanh không chỉ là xu hướng, mà đang trở thành một phong trào lan rộng trong cộng đồng", bà Hạnh chia sẻ.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, đại diện Ban giám khảo, chia sẻ: “Các dự án năm nay có sự chuẩn bị toàn diện hơn. Không chỉ có ý tưởng, sản phẩm được phát triển rõ nét và chi tiết hơn, mà các dự án còn nhấn mạnh yếu tố xanh, xem đây là bản sắc riêng trong khởi nghiệp”. Bà cũng đánh giá cao sự sáng tạo, chú trọng thương mại hóa sản phẩm, tính ứng dụng công nghệ, quản trị và thương mại, tạo ra những sản phẩm và dịch vụ có giá trị và cạnh tranh trên thị trường của các dự án tham gia./.

Lê Thu