Tỉnh cũng đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt trên 1,1 tỷ USD, tổng thu ngân sách nhà nước từ kinh tế trên địa bàn là 6.183 tỷ đồng; có thêm 9 xã đạt chuẩn nông thôn mới, thêm 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao…
Để đạt được mục tiêu trên, tỉnh sẽ thực hiện linh hoạt, hiệu quả mục tiêu vừa phòng, chống dịch COVID-19, vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Cùng đó, có lộ trình thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 và coi đây là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách của các cấp, các ngành ngay từ đầu năm 2022.
Song song đó, An Giang tập trung thực hiện hiệu quả kế hoạch phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội với 3 nhiệm vụ trọng tâm như: khôi phục, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh xuất khẩu; tỉnh cũng đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công và huy động nguồn lực xã hội, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ...
Riêng đối với đầu tư xây dựng, trong năm 2022, An Giang tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn, khơi thông nguồn lực, đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, thu hút FDI; quyết liệt triển khai Nghị quyết số 63/NQ-CP, Nghị quyết số 105/NQ-CP nhằm tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.
Tỉnh cũng xác định dự án đầu tư trọng tâm, trọng điểm thực hiện, chủ động rà soát sắp xếp thứ tự ưu tiên, triệt để tiết kiệm, chống lãng phí, tránh đầu tư phân tán, dàn trải. Đồng thời, tập trung xây dựng kế hoạch, lộ trình nâng cấp và phát triển các đô thị trung tâm, khu đô thị mới để tạo sự lan tỏa về phát triển kinh tế…
Mặc dù dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhưng tăng trưởng kinh tế (GRDP) của tỉnh An Giang năm 2021 ước đạt 2,15%. Dự ước đến cuối năm 2021, An Giang thực hiện đạt và vượt 13/15 chỉ tiêu Nghị quyết số 34/NQ-HĐND ngày 8/12/2020 của HĐND tỉnh về những nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2021 đề ra (đạt và vượt 86,67%).
Trong 13 chỉ tiêu đạt và vượt, có 6 chỉ tiêu vượt là: kim ngạch xuất khẩu, thu ngân sách từ kinh tế địa bàn, tỷ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia, số giường bệnh trên 1 vạn dân, số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và tỷ lệ dân số nông thôn được cung cấp nước sạch, hợp vệ sinh. Còn 7 chỉ tiêu đạt là: Tổng vốn đầu tư toàn xã hội, tỷ lệ đô thị hóa; tỷ lệ lao động được đào tạo so với tổng số lao động đang làm việc trong nền kinh tế quốc dân; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm bình quân %/năm; số bác sĩ trên 1 vạn dân; tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế và tỷ lệ cơ quan nhà nước các cấp hoàn thiện chính quyền điện tử. Riêng 2 chỉ tiêu không đạt là tốc độ tăng trưởng GRDP và GRDP bình quân đầu người.
Ông Lê Văn Phước, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết, năm 2021 là năm đầu An Giang thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025. Nhưng do ảnh hưởng của dịch COVID-19 kéo dài từ năm 2020, đặc biệt làn sóng dịch bệnh lần thứ 4 bùng phát đã ảnh hưởng nặng nề đến kinh tế, xã hội của tỉnh. Trong điều kiện khó khăn, nhưng kinh tế, xã hội đạt được nhiều kết quả tích cực, trong đó tỉnh thực hiện đạt và vượt 13/15 chỉ tiêu đề ra.
Ông Phước khẳng định: Tùy từng thời điểm, giai đoạn theo diễn biến của tình hình dịch bệnh, tỉnh đã đề ra những giải pháp phù hợp vừa thực hiện hiệu quả trong công tác phòng chống dịch, vừa phục hồi, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh. Thành quả phòng chống dịch và phát triển kinh tế được tỉnh duy trì trong 6 tháng đầu năm đạt khá cao; với mức tăng trưởng GRDP đạt 5,79%, cao hơn mức tăng chung của cả nước./.