Ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết, kế hoạch phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện phòng, chống dịch COVID-19 nhằm không làm đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng, phân phối hàng hóa, nhất là hàng hóa phục vụ cho người dân, nguồn nguyên liệu, vật tư, máy móc thiết bị phục vụ cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh, các hoạt động đầu tư xây dựng công trình.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, việc ban hành kế hoạch nhằm hỗ trợ, tháo gỡ kịp thời, triệt để các khó khăn, vướng mắc, những điểm nghẽn cản trở hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh cho các doanh nghiệp. Qua đó, hạn chế tối đa số dự án, số lượng doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh ngưng hoạt động, giải thể hoặc phá sản do tác động của dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh.
Theo Kế hoạch phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội ở nhiều lĩnh vực, tỉnh An Giang xác định ngành nông nghiệp là “trụ đỡ” của tỉnh trong phục hồi và phát triển kinh tế trước, trong và sau dịch COVID-19. Vì vậy, tỉnh phát huy tối đa lợi thế của ngành nông nghiệp để ổn định và phát triển kinh tế - xã hội, bù đắp sự sụt giảm chỉ số tăng trưởng kinh tế. Thời gian tới, An Giang tập trung triển khai nhanh dự án, chương trình phát triển vùng nguyên liệu ổn định và mô hình liên kết tiêu thụ, phát triển chuỗi giá trị nông sản bền vững gắn doanh nghiệp đảm bảo sản phẩm nông nghiệp sản xuất ra được tiêu thụ.
Song song đó, tỉnh tập trung thực hiện kế hoạch sản xuất ngành nông nghiệp trên địa bàn tỉnh An Giang trong tình hình dịch COVID-19; giải quyết tiêu thụ nhanh lượng hàng nông, thủy sản ứ đọng (nếu có) do tác động của dịch bệnh.
Cùng với đó, xác định đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị trọng tâm trong giai đoạn phục hồi kinh tế, hết năm 2021, An Giang phấn đấu tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư ngân sách nhà nước đạt trên 70% kế hoạch được giao. An Giang cũng đẩy mạnh triển khai các hoạt động kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm trong và ngoài nước, nhất là đối với mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh.
UBND tỉnh yêu cầu các cơ sở sản xuất, kinh doanh chỉ được phép hoạt động khi có kế hoạch và phương án xử trí khi có ca nghi mắc hoặc mắc COVID-19; đồng thời, chịu trách nhiệm và cam kết triển khai các biện pháp đảm bảo các điều kiện về an toàn phòng, chống dịch tương ứng với ngành, nghề, lĩnh vực và tại các địa bàn, khu vực tương ứng với từng cấp độ dịch. Riêng các nhà thầu thi công các dự án, công trình giao thông, xây dựng phải có “Kế hoạch phòng, chống dịch COVID-19 tại công trường” được chủ đầu tư phê duyệt dựa trên từng cấp độ dịch sau khi có ý kiến thống nhất của cơ quan y tế cấp huyện nơi có dự án, công trình và chịu trách nhiệm triển khai phương án, biện pháp phòng, chống dịch trên công trường xây dựng.
Để triển khai kế hoạch, UBND tỉnh An Giang yêu cầu các sở, ngành liên quan đẩy mạnh tầm soát, xét nghiệm, tiêm vaccine, nâng cao khả năng thu dung, điều trị để mở rộng vùng cấp 1, thu hẹp vùng cấp 2 và xóa vùng cấp 3, cấp 4 tiến tới bình thường hóa toàn tỉnh; đồng thời, yêu cầu các sở, ngành, địa phương triển khai các nội dung và giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội phải được kiểm tra, giám sát thường xuyên, liên tục đảm bảo phối hợp được chặt chẽ, nhịp nhàng, các nội dung và giải pháp phải được thực hiện đồng bộ cả về không gian và thời gian nhằm đảm bảo thực hiện kế hoạch một cách sớm nhất, hiệu quả nhất.
Trong từng khâu, từng công đoạn, từng nội dung, từng lĩnh vực phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, UBND tỉnh An Giang sẽ được giao cho 1 cơ quan, đơn vị chủ trì và chịu trách nhiệm toàn diện trước Tỉnh ủy và UBND tỉnh về nội dung đó; đảm bảo thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, linh hoạt, sáng tạo các nội dung và giải pháp phục hồi kinh tế...
Theo đánh giá của UBND tỉnh An Giang, đại dịch COVID-19, đặc biệt là đợt bùng phát lần thứ tư với biến chủng Delta đã tác động rất nghiêm trọng đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội nhiều tỉnh, thành cả nước; trong đó, có tỉnh An Giang. Sau hơn gần 6 tháng thực hiện giãn cách xã hội ở mức độ khác nhau để tập trung cho phòng chống dịch bệnh, kinh tế tỉnh An Giang tăng trưởng rất chậm.
Dự kiến, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) năm 2021 của An Giang ước chỉ đạt 2,15% thấp hơn mức tăng của cùng kỳ năm 2020 là 2,46%. Vì vậy, việc mở cửa khôi phục các hoạt động sản xuất, kinh doanh để từng bước phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội là yêu cầu rất cấp bách.
Sau khi Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 128/NQ-CP ngày 11/10/2021, tỉnh An Giang ban hành Kế hoạch phục hồi và phát triển kinh tế trong điều kiện phòng, chống dịch COVID-19, chọn cách tiếp cận dựa vào cấp độ dịch bệnh trên phạm vi của từng địa phương (cấp xã), từng khu vực (dưới cấp xã). Bảo đảm thực hiện mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch bệnh để bảo vệ sức khoẻ, tính mạng nhân dân; vừa duy trì hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh ổn định góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tăng thu ngân sách, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội./.