Thời tiết oi nóng nhưng trên các sườn núi, người trồng na vẫn hối hả thu hoạch vụ na chính. Do đặc thù về địa hình nên để đảm bảo chất lượng quả na khi thu hái, người dân đã sử dụng hệ thống ròng rọc (còn gọi là tời) để đưa các giỏ na nặng cả chục cân từ trên cao xuống chân núi.
Bà Triệu Thị Yên (thôn Than Muội, xã Chi Lăng) phấn khởi cho biết: “Nhà tôi năm nay trồng khoảng 400-500 cây na. Giá na dao động từ 30.000-50.000đ/kg. Ngoài bán ở chợ thì tôi hay mang na xuống và thương lái họ đến tận nhà để cân vì mình hái về muộn, nếu đem ra chợ thì sẽ ít khách. 5 gánh na to vừa chuyển ròng rọc từ trên núi về thì được khoảng hơn 2 tạ na to, bán 30.000đ/kg thì được 6 triệu đồng".
Nhờ thực hiện các phương pháp, mô hình trồng na theo tiêu chuẩn GlobalGAP, VietGAP đã nhiều năm qua nên nhìn chung chất lượng Na Chi Lăng đồng đều, mẫu mã đẹp. Giá bán na năm nay cao hơn so với năm ngoái, trung bình giao động từ 30-50 nghìn đồng/kg; loại quả to đẹp hơn có thể lên đến 70-80 nghìn đồng/kg.
Ông Vi Văn Thọ, người dân xã Chi Lăng đánh giá năm nay giá bán na ổn định hơn: “Nhà tôi trồng khoảng 900 cây na, sản lượng khoảng 6 tấn và dự kiến năm nay sẽ được khoảng 200 triệu đồng. Thời tiết năm nay cũng tương đối thuận lợi tuy nhiên năm nay do ảnh hưởng bởi bệnh nhện đỏ, nó chích hút lá khiến lá bị vàng, quả không lớn được nên phải đầu tư thuốc phun nhiều hơn".
Để hỗ trợ người trồng na tiêu thụ sản phẩm, ngay từ trước khi bước vào vụ thu hoạch, chính quyền địa phương đã tổ chức gặp gỡ doanh nghiệp, hợp tác xã thu mua nông sản trên địa bàn cũng như tại các địa phương khác. Hiện đã có 6 doanh nghiệp, hợp tác xã thỏa thuận tiêu thụ sản phẩm thường xuyên cho bà con trồng na trên địa bàn với giá ổn định và luôn đảm bảo cao hơn so với mặt bằng thu mua chung.
Bà Lê Thị Hồng Nhung, HTX Nông sản huyện Chi Lăng cho biết: “Hiện nay chúng tôi đang thu mua cho bà con 1 ngày khoảng 3-4 tấn na để cung cấp đi các cửa hàng, siêu thị ở các tỉnh trong nước. Dù quả na có đi đến đâu thì thì dán tem, mác rõ ràng như này thì khách hàng đều rất yên tâm bởi hàng theo tiêu chuẩn Vietgap. Na núi đá của mình thì ngọt sắc hơn so với các loại na khác, phản hồi của khách hàng rất là tốt bởi năm nay chưa có sâu bệnh gì cả".
Năm nay, tổng diện tích sản xuất na trên địa bàn huyện Chi Lăng ước đạt trên 2.600 ha, sản lượng ước đạt trên 20.000 tấn, giá trị kinh tế ước đạt gần 800 tỷ đồng; Thu nhập từ sản xuất na đảm bảo đời sống cho khoảng 3.500 hộ dân tại các xã thuộc huyện Chi Lăng và vùng lân cận.
Ông Vy Văn Tuấn, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chi Lăng cho biết: Nhằm tiếp tục duy trì và giữ vững thương hiệu Na Chi Lăng, ngay từ đầu năm địa phương đã phát động kế hoạch sản xuất na an toàn để tuyên truyền tới người dân tập trung chăm sóc và nâng cao chất lượng sản phẩm na và hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm.
Theo ông Tuấn: “Chúng tôi tiếp tục duy trì các chương trình quảng bá, xúc tiến tiêu thụ tại Hà Nội thông qua tuần lễ na và các sản phẩm đặc sản. Ngoài ra tại các hội chợ chúng tôi cũng đưa sản phẩm đi quảng bá tại các địa phương. Ứng dụng công nghệ số chuyển đổi số, nhiều gia đình đã tạo lập được các cửa hàng số trên không gian mạng để quảng bá, giới thiệu, livestream bán sản phẩm na. Đối với sản phẩm na nhiều năm nay chúng tôi đã có ý kiến với cấp trên để đưa vào danh mục xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc nhưng đến nay vẫn chưa được. Tuy nhiên thì thị trường trong nước vẫn luôn đảm bảo đầu ra tiêu thụ cho bà con".
Na Chi Lăng đã được thị trường trong nước biết đến và được phân phối trong một số hệ thống siêu thị. Thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục định hướng phát triển vùng sản xuất tập trung, đẩy mạnh truy xuất nguồn gốc và kiểm tra an toàn thực phẩm để có thể áp ứng tốt hơn thị trường trong nước và hướng tới xuất khẩu./.