Lần đầu tiên trong gần ba năm qua, giá dầu thế giới đã tăng vượt ngưỡng 80 USD/thùng trong tuần này. Đây là một động lực lớn đối với các nhà sản xuất, nhưng lại gây ra những tác động về lạm phát đối với người tiêu dùng.
Giá dầu Brent Biến Bắc giao tháng 11/2021 đã chạm mức 80,75 USD/thùng trong phiên 28/9, mức cao nhất kể từ tháng 10/2018, nhưng sau đó đã giảm xuống trong phiên 29/9.
Dù giá dầu đã vượt ngưỡng 80 USD/thùng, nhưng nhiều nguồn thạo tin cho hay Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước đồng minh, hay còn gọi là OPEC+, có thể sẽ vẫn duy trì thỏa thuận hiện tại trong việc tăng sản lượng tháng 11 thêm 400.000 thùng/ngày tại cuộc họp dự kiến diễn ra vào tuần tới.
Thị trường “vàng đen” nhìn chung đang khởi sắc nhờ những đồn đoán về nhu cầu tăng cao và những lo ngại về nguồn cung thắt chặt, giữa lúc thế giới đang dần phục hồi từ cuộc khủng hoảng do đại dịch COVID-19.
Nguồn cung toàn cầu đang bị gián đoạn khi hoạt động sản xuất của Mỹ vẫn chưa thể phục hồi sau tác động của cơn bão Ida. Mỹ là nước sản xuất dầu thô lớn nhất thế giới, cũng là nước tiêu thụ nhiều mặt hang này nhất.
Trong khi đó, nhu cầu dầu lại tăng lên trong những tuần gần đây do giá khí đốt tăng mạnh trên toàn thế giới và tình trạng gián đoạn nguồn cung than đá ở Trung Quốc.
Ông Simon MacAdam, một chuyên gia phân tích của công ty tư vấn và nghiên cứu kinh tế Capital Economics, cho rằng giá dầu tăng sẽ đem lại lợi ích cho các nước sản xuất ròng các sản phẩm dầu mỏ bằng cách gia tăng doanh thu thuế và xuất khẩu của họ. Thị trường dầu khởi sắc mạnh mẽ cũng sẽ nâng cao lợi nhuận của các “ông lớn” năng lượng như BP, ExxonMobil, Shell và Total.
Trong khi đó, theo ông, các nền kinh tế tiêu thụ ròng dầu mỏ sẽ bị thiệt hại, vì giá dầu tăng sẽ làm giảm giá trị thực của thu nhập khả dụng và có thể ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, ngay tại thời điểm mà các doanh nghiệp đang phải đối mặt với áp lực chi phí ngày càng gia tăng.
Bên cạnh đó, giá dầu tăng mạnh còn đe dọa đà phục hồi toàn cầu và gây ra áp lực lạm phát vì nó làm gia tăng chi phí sản xuất, từ đó đẩy giá tiêu dùng tăng lên.
Lạm phát hiện đã đang tăng cao do tình trạng thiếu hụt nguồn cung trên toàn cầu, giá khí đốt đang ở mức cao kỷ lục và xu hướng mở cửa của các nền kinh tế.
Các thị trường đã bị chao đảo trong năm nay trước những lo ngại rằng ngân hàng trung ương các nước sẽ thu hồi các chính sách kích thích kinh tế và nâng lãi suất hiện đang ở các mức thấp kỷ lục nhằm kiềm chế đà tăng giá./.