Long An: Phát triển ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số ngành nông nghiệp

Nhằm góp phần nâng cao giá trị sản xuất và thu nhập cho nông dân, tỉnh Long An đặt ra nhiều mục tiêu quan trọng tại chương trình Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2025.

Cụ thể, mục tiêu của chương trình đến năm 2025, diện tích ứng dụng công nghệ cao, tiên tiến đối với cây lúa là 60.000ha (hiện đạt 30.000ha), thanh long 6.000ha (hiện gần 4.000ha), rau 2.000ha (hiện 1.800ha), cây chanh 3.000ha (295ha), tôm nước lợ 100ha (hiện 10 ha); xây dựng các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (7 vùng lúa, 1 vùng chanh, 1 vùng thanh long) đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, phấn đấu lợi nhuận của người dân trong vùng triển khai chương trình tăng ít nhất 10% so với ngoài vùng; củng cố tổ hợp tác, hợp tác xã (HTX) hiện có và thành lập mới ở những nơi đủ điều kiện.

Đến năm 2025, ít nhất 50% HTX sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao hoạt động có hiệu quả.

Được biết, Long An hiện là địa phương đứng thứ tư khu vực ĐBSCL về sản lượng lúa, với gần 3 triệu tấn/năm. Hiện Long An đã có gần 30.000ha lúa ứng dụng công nghệ cao (kế hoạch là 60.000ha), trong đó, trên 11.500ha ứng dụng đồng bộ cơ giới hóa và kỹ thuật tiên tiến. Có thể nói, qua triển khai xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất lúa, người dân trong vùng thấy được hiệu quả của việc dùng giống lúa xác nhận, ưu điểm của việc giảm lượng giống trong gieo sạ, ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ từ gieo cấy, bón phân, phun thuốc, thu hoạch đã góp phần giảm chi phí sản xuất nâng cao hiệu quả kinh tế (lợi nhuận tăng 2-7 triệu đồng/ha). Đặc biệt là khắc phục được tình trạng thiếu hụt lao động ở nông thôn hiện nay, nhất là vào mùa thu hoạch lúa.

Trong năm 2022, tỉnh Long An phấn đấu xây dựng 26 mô hình điểm về ứng dụng công nghệ cao trên cây lúa với diện tích 1.300ha, tiếp tục duy trì mô hình đã triển khai, thực hiện trong giai đoạn 2016 - 2020 với 115 mô hình; xây dựng 2 mô hình điểm về rau ứng dụng công nghệ cao với diện tích 2ha, tiếp tục duy trì, nhân rộng các mô hình giai đoạn 2016 - 2020 với diện tích 1.772ha; xây dựng 12 mô hình điểm về thanh long ứng dụng công nghệ cao với diện tích 120ha, tiếp tục nhân rộng 665ha thanh long ứng dụng công nghệ cao và duy trì 7 mô hình với diện tích 140ha; xây dựng 15 mô hình điểm về chanh ứng dụng công nghệ cao với diện tích 150ha, nhân rộng 22 mô hình chanh đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, diện tích 220ha; xây dựng 3 mô hình điểm chăn nuôi bò thịt ứng dụng côn nghệ cao và hỗ trợ 29 mô hình nuôi tôm nước lợ ứng dụng công nghệ cao trong tỉnh.

t1-dinh-nn-congnghecao-1660192033.jpg
Long An triển khai nhiều chính sách tạo điều kiện cho người dân tham gia các mô hình ứng dụng công nghệ cao. Ảnh minh họa

Xác định rõ việc sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đòi hỏi nguồn lực đầu tư lớn, lực lượng lao động có trình độ quản lý và tay nghề cao. Đặc biệt, vấn đề đảm bảo đầu ra cho sản phẩm là điều rất quan trọng. Vì vậy, song song với việc mở rộng các mô hình ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, hỗ trợ, khuyến khích bà con nông dân, các hợp tác xã, tổ hợp tác tỉnh Long An đã tạo điều kiện để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này.

Quyết tâm thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của tỉnh, Long An đã quan tâm và triển khai đầu tư xây dựng nhiều công trình hạ tầng nông nghiệp phục vụ phát triển sản xuất ứng dụng công nghệ cao. Việc tập trung quy hoạch vùng sản xuất, xây dựng hạ tầng, áp dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất góp phần nâng cao giá trị, hiệu quả sản xuất. Qua đó, từng bước hình thành các vùng sản xuất ứng dụng công nghệ cao, thúc đẩy phát triển nông nghiệp sạch và nâng cao thu nhập cho nông dân.

Ông Nguyễn Thanh Truyền, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Long An cho biết: "Kế hoạch thực hiện Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Long An giai đoạn 2021-2025, trên cơ sở kế thừa những kết quả đạt được và tiếp tục nâng cao chất lượng Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2016-2020 có bổ sung, mở rộng một số nông sản chủ lực nhằm phát huy lợi thế và phù hợp với quy hoạch phát triển sản xuất của tỉnh, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh đề ra".

Qua đó, để nâng cao giá trị trên từng đơn vị đất sản xuất nông nghiệp, Long An đang rà soát, bổ sung quy hoạch chuyển đổi diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang các cây trồng, vật nuôi có hiệu quả kinh tế cao, chú trọng xây dựng vùng sản xuất nông nghiệp đạt tiêu chuẩn VietGAP.

Đồng thời, tỉnh cũng tạo điều kiện để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này để đảm bảo các yêu cầu về nguồn lực đầu tư, lực lượng lao động có trình độ quản lý và tay nghề cao cũng như đảm bảo đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp.

Ngành nông nghiệp tỉnh cũng đang tích cực tập trung triển khai chuyển đổi số như: Ứng dụng phần mềm trong truy xuất nguồn gốc thực phẩm an toàn; quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói; quản lý các chỉ dẫn địa lý; áp dụng thiết bị bay không người lái; ứng dụng công nghệ số để thực hiện quan trắc tự động, theo dõi giám sát tự động mực nước, độ mặn; ứng dụng công nghệ số, công nghệ thông tin để tự động hóa một số khâu trong quy trình sản xuất chăn nuôi.

nnla1-1660191995.jpg
Ảnh minh họa.

Qua đó, nói đến Long An không thể không nhắc đến trái thanh long. Hiện nay, bên cạnh việc canh tác thanh long theo kiểu truyền thống, nhiều HTX, nhiều hộ nông dân tại Long An đã mạnh dạn ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, góp phần nâng giá trị kinh tế cho loại trái cây này.

Theo Sở NN&PTNT tỉnh Long An, việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất thanh long đã góp phần nâng cao giá trị kinh tế cho trái tranh long, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường. Bên cạnh đó, nhờ việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất đã giúp giảm công sức lao động, tiết kiệm nước, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, mang lại lợi nhuận cao từ 2,5-5 triệu đồng/ha

Theo ông Nguyễn Quốc Trịnh, Chủ tịch Hiệp hội Thanh Long tỉnh Long An cho biết, việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất thanh long sẽ giúp phát triển thanh long theo hướng tập trung, quy mô lớn; đồn thời tạo điều kiện thuận lợi trong việc xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm nâng cao giá trị xuất khẩu của thanh long.

Là địa phương có lợi thế trồng rau ứng dụng công nghệ cao, huyện Cần Giuộc là địa phương được tỉnh Long An lựa chọn là địa phương hiện việc ứng dụng công nghệ cao trên cây rau. Để phát triển thế mạnh của huyện, thời gian qua, huyện đã tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, bền vững, an toàn thực phẩm; phát triển vùng chuyên canh rau công nghệ cao. Hiện, toàn huyện có trên 1.700 ha rau, trong đó có 1,139 ha rau ứng dụng công nghệ cao.

Bên cạnh việc xây dựng các mô hình chuyên canh, việc hỗ trợ các hộ dân tham gia tập tuấn, đào tạo trồng rau theo tiêu chuẩn VietGAP, thực hiện các mô hình trình diễn về sản xuất hữu cơ. Đặc biệt, khi tham gia vào quá trình phát triển mô hình, nông dân sẽ được hỗ trợ về giống, vật tư…

Phương Ly (t/h)