TP. Hồ Chí Minh cam kết tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư vào Khu công nghệ cao

Tại hội nghị “Xúc tiến Đầu tư vào Khu Công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh” (SHTP) ngày 27/6, Ban quản lý Khu công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh cam kết đảm bảo công khai minh bạch và cạnh tranh cho các doanh nghiệp khi đầu tư vào Khu Công nghệ cao của thành phố.

Cũng tại Hội nghị, các nhà đầu tư bày tỏ mong muốn TP. Hồ Chí Minh có những hướng dẫn cụ thể hơn để hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy nhanh tiến độ những dự án đang thực hiện.

Cụ thể, ông Võ Sỹ Nhân - Tổng Giám đốc Onehub Saigon Bund nêu ý kiến: Mặc dù Ban quản lý Khu công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh đã rất nỗ lực trong việc hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư nói chung, Onehub Saigon Bund nói riêng nhưng hiện nay việc triển khai dự án của doanh nghiệp này vẫn còn chậm.

shtp-16563175410841987986059-1656323809.jpg
10 doanh nghiệp công nghệ cao hàng đầu thế giới đang có mặt tại Khu công nghệ cao TP Hồ Chí Minh.

Tại hội nghị bà Lê Bích Loan- Phó trưởng Ban quản lý Khu công nghệ cao cho biết, trong năm 2022, SHTP sẽ tập trung thu hút đầu tư các dự án theo danh mục kêu gọi đầu tư ở 4 tiêu chí: năng lực kinh nghiệm; nặng lực tài chính, công nghệ; hiệu quả kinh tế xã hội và bảo vệ môi trường.

Đồng thời, Khu công nghệ cao cũng kêu gọi đầu tư thêm một dự án trung tâm logistic dành riêng cho các doanh nghiệp trong khu nhằm tạo điều kiện, nâng cao lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp khi hoạt động tại SHTP.

Ông Nguyễn Anh Thi - Trưởng Ban quản lý Khu công nghệ cao TP Hồ Chí Minh cho biết, hoạt động thu hút đầu tư của Khu Công nghệ sẽ cao đảm bảo tính công khai, minh bạch và cạnh tranh. Đồng thời, đảm bảo sự tiếp cận công bằng của các nhà đầu tư nhằm chọn lựa được những nhà đầu tư có năng lực, kinh nghiệm để triển khai các dự án nhanh và hiệu quả, góp phần vào phát triển nhanh và bền vững Thành phố.

shtp1-165631754108366430878-1656323809.jpg
Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư cho các doanh nghiệp. Ảnh VTV

Rất nhiều doanh nghiệp có mặt tại Hội nghị xúc tiến đầu tư cũng bày tỏ những khó khăn vướng mắc khi tiếp cận hồ sơ, tìm hiểu thủ tục chính sách đầu tư vào SHTP. Ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh đánh giá vấn đề thủ tục là điểm nghẽn lớn nhất, nhưng việc giải quyết hồ sơ của nhà đầu tư có sự chậm trễ, có hồ sơ chậm trễ trong vòng nhiều năm. "Chúng tôi ý thức được việc này, những tháng đầu năm nay Thành phố đã rốt ráo xử lý vấn đề thủ tục. TP Hồ Chí Minh cam kết tập trung nhanh, mạnh mẽ hơn nữa vấn đề xử lý hồ sơ được nhanh hơn để nhà đầu tư sớm triển khai được dự án".

Chia sẻ với những vướng mắc của doanh nghiệp, ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP. Hồ Chí Minh thừa nhận: Việc giải quyết các thủ tục đầu tư trong thời gian qua còn chậm. Thời gian tới lãnh đạo thành phố cam kết tập trung hơn nữa, mạnh mẽ hơn nữa để tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư. Cụ thể là cập nhật quy hoạch nhanh chóng hơn, từ đó, gắn trách nhiệm của các sở, ngành để giải quyết các thủ tục đầu tư. Ông Mãi cũng bày tỏ mong muốn các nhà đầu tư phối hợp với chính quyền thành phố giải quyết các điểm nghẽn để việc tập trung giải quyết các thủ tục nhanh hơn.

Khu Công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh được thành lập năm 2002, cách đây đúng 20 năm với sứ mạng là xây dựng nền móng công nghiệp công nghệ cao cho TP. Hồ Chí Minh nói riêng và cả nước nói chung và tầm nhìn trở thành tiểu Khu đô thị khoa học và công nghệ. Đến nay, Khu Công nghệ cao đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 163 dự án với tổng vốn đầu tư đạt 12,068 tỷ USD. Trong đó có nhiều dự án của các tập đoàn, công ty công nghệ cao, như: Intel (Hoa Kỳ), Samsung (Hàn Quốc), TTI (Đức), NTT (Nhật Bản)… Các doanh nghiệp không chỉ hoạt động hiệu quả mà còn liên tục tăng vốn, đầu tư mở rộng sản xuất tại Khu Công nghệ cao, đóng góp quan trọng vào kim ngạch xuất nhập khẩu của Thành phố.
Lũy kế tổng giá trị sản xuất công nghệ cao của Khu Công nghệ cao ước đạt 120,307 tỷ USD, giá trị xuất khẩu đạt 112,024 tỷ USD, và giá trị nhập khẩu đạt 105,299 tỷ USD (xuất siêu: 6,725 tỷ USD). Lũy kế tổng thu ngân sách ước đạt 1,7 tỷ USD, tăng nhanh trong những năm gần đây do một số dự án đầu tư đã hết thời gian được hưởng ưu đãi.

Chi cho hoạt động nghiên cứu và phát triển tại các doanh nghiệp trong Khu Công nghệ cao không ngừng được nâng cao, đạt 117,92 triệu USD năm 2021. Bước đầu hình thành các doanh nghiệp công nghệ cao như Nanogen, USM Healthcare, BSB... Bước đầu tại Khu Công nghệ cao thành phố hình thành các hệ sinh thái ngành mạnh trong các lĩnh vực Điện tử - công nghệ thông tin, Công nghệ sinh học - dược phẩm, Cơ khí chính xác và tự động hóa và Công nghệ vật liệu mới.

Anh Vân (t/h)