Ngày 22/7, tại TP.HCM, Hiệp hội Liên lạc người Việt Nam tại nước ngoài (ALOV), Hệ sinh thái Khởi nghiệp Đổi mới Sáng tạo Việt Nam (VISTART), Hiệp hội Kinh tế Văn hóa Hàn - Việt đã tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư FDI Hàn Quốc vào TP.HCM và các tỉnh phía Nam.
Tại hội nghị, ông Nguyễn Phú Bình, Chủ tịch Hội Liên lạc người Việt Nam ở nước ngoài (ALOV) cho biết, trong 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, hợp tác giữa Việt Nam - Hàn Quốc đã đạt được những bước phát triển toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực.
Đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế, Hàn Quốc là một trong những đối tác đầu tư lớn nhất của Việt Nam trong nhiều năm qua, từ kim ngạch giao thương 500 triệu USD vào năm 1992, đến năm 2021 con số này đã tăng lên 78 tỷ USD. Hai bên đang hướng đến tăng trưởng xuất nhập khẩu song phương đạt 100 tỷ USD vào năm 2023 và 150 tỷ USD vào năm 2030.
Về phía doanh nghiệp Hàn Quốc, ông Kwon Seung Taek, Phó Chủ tịch Hiệp hội Văn hoá Kinh tế Hàn - Việt (KOVECA) đánh giá, các doanh nghiệp Hàn Quốc có thế mạnh về công nghệ, kỹ thuật, kinh nghiệm và vốn. Còn Việt Nam Nam có nguồn nhân lực dồi dào và giá rẻ. Trước đây, doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư vào Việt Nam với nhiều ngành thâm dụng lao động, tuy nhiên, thời gian tới sẽ có sự thay đổi với nhiều ngành công nghiệp chế tạo, công nghệ cao.
“Hiện nay, Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ chuyển đổi số nhanh, có dân số trẻ nên được coi là điểm đến đầu tư hấp dẫn đối với doanh nghiệp Hàn Quốc”, ông Kwon Seung Taek đánh giá.
Mặc dù đánh giá cao tiềm năng đầu tư tại Việt Nam nhưng các doanh nghiệp Hàn Quốc phản ánh hệ thống văn bản pháp luật đối với hoạt động đầu tư tại Việt Nam thay đổi liên tục khiến không ít nhà đầu tư gặp vướng mắc. Do đó, nhà đầu tư Hàn Quốc mong muốn Việt Nam cần có sự thống nhất và minh bạch hơn trong hệ thống quy định chính sách, đặc biệt là chính sách thu hút đầu tư.
Mới đây trên trang tin Tradefinanceglobal.com, Việt Nam đã trở thành điểm đến hàng đầu cho đầu tư vào lĩnh vực sản xuất và hấp dẫn hơn các nước ASEAN-4. Lý do thu hút các nhà đầu tư của Việt Nam bao gồm chi phí lao động thấp hơn, việc tích hợp chuỗi cung ứng đơn giản hơn, tiếp cận thương mại tự do tốt hơn và sự ổn định chính trị.
Đề cập 4 lý do khiến Việt Nam hấp dẫn các nhà đầu tư vào lĩnh vực sản xuất hơn các nước ASEAN-4 (Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Philippnes), theo Tradefinanceglobal.com, trước hết, chi phí lao động thấp hơn là một trong những lý do khiến nhiều công ty sản xuất chuyển đến Việt Nam trong thập niên qua.
Tuy nhiên, đây không phải là yếu tố duy nhất quyết định địa điểm đặt nhà máy do các công ty cũng phải xem xét các yếu tố như tích hợp chuỗi cung ứng.
Tại Việt Nam, việc kết hợp các nhà sản xuất vào chuỗi cung ứng là tương đối đơn giản cả ở thượng lưu (hoạt động giữa nhà sản xuất và các nhà cung cấp của họ) và hạ lưu (hoạt động phân phối sản phẩm đến khách hàng cuối cùng).
Xét về chuỗi cung ứng thượng lưu, theo Tradefinanceglobal.com, tại Đông Nam Á, gần như không có nhà sản xuất nào có thể hoàn toàn thoát khỏi "trường hấp dẫn" của Trung Quốc. Tuy nhiên, không giống các quốc gia ASEAN-4, Việt Nam có chung đường biên giới với Trung Quốc, điều này giúp các công ty chế tạo ở Việt Nam dễ dàng hòa nhập hơn vào mạng lưới rộng lớn của Trung Quốc.
Về hạ lưu, việc kết hợp Việt Nam vào chuỗi cung ứng cũng là một quá trình tương đối ít trở ngại do Việt Nam có 2 sân bay quốc tế, một số cảng lớn, nguồn điện đáng tin cậy và truy cập internet dễ dàng. Thêm vào đó, do Việt Nam có quy mô địa lý nhỏ nên hầu hết các nhà cung cấp đều nằm gần sân bay hoặc cảng biển lớn. Điều này giúp cho việc vận chuyển thành phẩm từ nhà máy đến tay khách hàng trở nên dễ dàng.
Lý do thứ 3, so với nhiều nước Đông Nam Á khác, hàng hóa sản xuất trong nước của Việt Nam rất dễ bán mà không phải trả thêm chi phí không cần thiết. Lợi thế này do Việt Nam là thành viên của 15 hiệp định thương mại tự do khác nhau bao trùm tới hơn 50 quốc gia trên thế giới.
Đáng chú ý nhất là các FTA: Liên minh châu Âu-Việt Nam (EVFTA), Hiệp định CPTPP, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) và Hiệp định Thương mại tự do Anh-Việt Nam (UKVFTA) .
Đối với các nhà sản xuất, điều này có nghĩa là hàng hóa sản xuất tại Việt Nam có thể được bán sang các thị trường khác - bao gồm nhiều thị trường giàu có hơn ở phương Tây - mà không cần phải trả mức thuế quá đắt.
Cuối cùng, một yếu tố quan trọng nữa giúp Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn về đầu tư sản xuất là sự ổn định chính trị.
Tại Hiệp hội Kinh tế Văn hóa Hàn - Việt, Đại diện của một doanh nghiệp Hàn Quốc đang tìm hiểu để đầu tư vào lĩnh vực môi trường ở Việt Nam cho biết, đầu tư vào lĩnh vực môi trường như dự án xử lý rác phải mất 20-30 năm để thu hồi vốn. Vì vậy, doanh nghiệp rất cần sự hỗ trợ của Chính phủ. “Nếu các chính sách minh bạch và cách Chỉnh phủ hỗ trợ tương tự như Hàn Quốc đang làm thì doanh nghiệp sẵn sàng tham gia đầu tư” vị này nói.
Sau khi trao đổi, tìm hiểu các cơ hội hợp tác đầu tư, Hội Liên lạc người Việt Nam ở nước ngoài; Hiệp hội Văn hoá Kinh tế Hàn - Việt; UBND tỉnh Khánh Hòa; UBND tỉnh Đồng Nai; UBND tỉnh Long An đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác xúc tiến đầu tư FDI Hàn Quốc vào Việt Nam. Các bên cam kết xây dựng chương trình hợp tác, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư Hàn Quốc vào tìm hiểu đầu tư tại địa phương.