Người tiêu dùng sẵn sàng trả giá cao hơn để mua hàng hóa xanh
Những năm gần đây, sự quan tâm của người dùng đối với môi trường không ngừng tăng lên. Theo kết quả khảo sát của Nielsen Việt Nam, 31% người tiêu dùng sẵn sàng trả giá cao hơn để mua hàng hóa xanh. Không chỉ chọn lựa những sản phẩm thân thiện với môi trường, họ cũng ngày càng chú trọng đến quy trình sản xuất, phân phối và tiêu dùng của sản phẩm đó.
Điều này đã tạo áp lực tích cực lên các doanh nghiệp để thay đổi hướng sản xuất và kinh doanh của mình. Từ những công ty nhỏ đến những tập đoàn lớn, đều đang nỗ lực tìm kiếm những cách thức để tích hợp yếu tố bền vững vào hoạt động của mình.
Trong nền kinh tế hiện đại, thực hành xanh không chỉ là trách nhiệm xã hội mà còn là chiến lược kinh doanh thông minh, mang lại hiệu quả lâu dài và bền vững.
Khi doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ xanh và quy trình hiệu quả, chúng có thể giảm đáng kể chi phí vận hành. Việc sử dụng năng lượng tái tạo, cải thiện hiệu quả năng lượng và tối ưu hóa quy trình sản xuất giúp tiết kiệm chi phí đáng kể. Nguồn nguyên liệu bền vững cũng giúp doanh nghiệp dễ kiểm soát chu trình sản xuất hơn.
Thực hành xanh giúp doanh nghiệp tạo ra lợi thế cạnh tranh. Các chứng nhận xanh và dấu hiệu nhận diện sản phẩm bền vững có thể tăng giá trị thương hiệu và uy tín của công ty. Doanh nghiệp có chiến lược xanh mạnh mẽ thường dễ dàng thu hút khách hàng và mở rộng thị phần hơn. Ngoài ra, các tiêu chuẩn xanh cũng là yếu tố quan trọng để tham gia vào các thị trường xuất khẩu, nơi các quy định về môi trường ngày càng được siết chặt.
Bên cạnh đó thực hành xanh thường đòi hỏi việc nghiên cứu và áp dụng công nghệ mới, từ đó thúc đẩy sự sáng tạo và đổi mới. Điều này mở ra cánh cửa cho việc phát triển sản phẩm mới và cải thiện sản phẩm hiện có.
Nhiều nhà đầu tư ngày nay ưu tiên đầu tư vào các doanh nghiệp có trách nhiệm với môi trường và xã hội. Doanh nghiệp thực hành xanh có nhiều cơ hội hơn trong việc thu hút đầu tư từ các quỹ đầu tư xanh và các nguồn tài chính bền vững.
Xanh hóa là lộ trình nắm bắt cơ chế ưu đãi
Xanh hóa không chỉ đơn thuần là thêm một màu sắc vào bảng màu sản phẩm. Mà là việc tái cấu trúc toàn bộ chuỗi giá trị của sản phẩm - từ nguyên liệu, sản xuất, phân phối, sử dụng và tái chế - để giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường. Điều này không chỉ bao gồm việc sử dụng nguyên liệu tái chế hoặc sinh học mà còn bao gồm cả việc cải thiện hiệu quả năng lượng, giảm lượng rác thải và khí thải carbon, cũng như tăng cường khả năng tái sử dụng và tái chế sản phẩm.
Mặc dù việc chuyển đổi xanh có thể được thấy ở mọi cấp độ kinh doanh, nhưng không phải tất cả các nỗ lực đều mang lại kết quả như mong đợi. Chi phí ban đầu cao và thiếu hụt về nguồn cung nguyên liệu bền vững là những thách thức đáng kể.
Đặc biệt, các doanh nghiệp nhỏ đôi khi phải đối mặt với khó khăn về nguồn lực và thông tin dẫn đến việc họ có thể bỏ qua một số bước quan trọng trong quy trình xanh hóa, khiến cho sản phẩm cuối cùng chưa đáp ứng đủ tiêu chí đặt ra. Điều các doanh nghiệp này còn thiếu là một quy trình bài bản.
Tại TP.HCM hiện đang triển khai nhiều chính sách hỗ trợ nhằm thúc đẩy doanh nghiệp chuyển đổi sản xuất xanh đáp ứng các Hiệp định thương mại tự do. Theo đó, chương trình kích cầu đầu tư cho doanh nghiệp đã được tái khởi động vào tháng 9/2023. Đây sẽ là nguồn lực quan trọng, thiết thực để hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi sản xuất xanh và ứng dụng công nghệ cao.
Ông Nguyễn Quang Thanh - Phó Tổng Giám đốc Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TP. Hồ Chí Minh - cho biết: Các dự án thuộc lĩnh vực công nghệ cao, chuyển đổi số, doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ lãi vay trong 7 năm. Dự án khởi nghiệp, vườn ươm, nhà xưởng, máy móc chuyển giao công nghệ phù hợp với chuyển đổi sản xuất xanh, tiết kiệm năng lượng, giảm khí thải… chuyển đổi thiết bị mà giảm phát thải, có sử dụng công nghệ, sẽ được hỗ trợ lãi suất vay.
Hiện, TP. Hồ Chí Minh đang nghiên cứu chiến lược, lộ trình, chính sách cho chuyển đổi xanh; giao cho Viện Nghiên cứu phát triển cùng các cơ quan, chuyên gia để hoàn thiện. Sắp tới, thành phố sẽ có bước rõ ràng về chuyển đổi năng lượng, hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi xanh và có thể ban hành chính sách về vấn đề này.
Trong bối cảnh hội nhập, ngoài mục tiêu tự do hóa thương mại và đầu tư ở phạm vi khu vực, FTA mới còn tích hợp các cam kết về môi trường và phát triển bền vững, với quan điểm cho rằng, hoạt động thương mại, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững không thể tách rời nhau và phải cân bằng. Do vậy, các doanh nghiệp xuất khẩu cần kịp thời chuyển đổi và thích ứng nhanh với xu hướng xanh của thương mại quốc tế, khi Việt Nam đang tham gia và thực thi các FTA thế hệ mới như: Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), FTA Việt Nam - EU (EVFTA), FTA Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA) với các cam kết sâu rộng và tiêu chuẩn cao liên quan phát triển bền vững./.